Các lập trình viên Trung Quốc sử dụng GitHub làm “chiến trường” phản đối điều kiện làm việc khắc khổ

Rất nhiều nhân viên công nghệ Trung Quốc đang tích cực đấu tranh để phản đối điều kiện làm việc quá khắc khổ, trong đó có quy định về thời gian làm việc quá dài, lên tới 10 - 12 tiếng mỗi ngày, khiến họ gần như kiệt sức, và GitHub chính là địa điểm được chọn làm “căn cứ khởi nghĩa”.

GitHub

Kho lưu trữ 996.ICU

Nếu bạn kiểm tra danh sách các xu hướng trên GitHub trong những ngày gần đây, có thể dễ dàng bắt gặp một kho lưu trữ có tên 996.ICU, đây chính là kho tài liệu tham khảo trong đó có nhắc đến quy định phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, và cứ liên tục như vậy trong 6 ngày một tuần - quy định về thời gian làm việc mà nhiều lập trình viên tại đất nước đông dân nhất thế giới đang phải tuân thủ, đồng thời góp phần “giúp” cho không ít người trong số họ phải nhập viện chăm sóc đặc biệt vì kiệt sức. Thay vì chứa mã như thường thấy trên GitHub, kho lưu trữ này bao gồm một tập hợp những ý kiến bất bình tại nơi làm việc thuộc các công ty công nghệ lớn và nổi tiếng nhất của Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Huawei, Bytedance, DJI và một số doanh nghiệp công nghệ tỷ đô khác.

Huawei

Trước đó, kho lưu trữ này lần đầu tiên được một nhà phát triển (ẩn danh) đăng tải lên nền tảng mạng xã hội nổi tiếng tại Trung Quốc là V2EX, nói rằng lịch trình làm việc căng thẳng như vậy khiến các lập trình viên như anh thậm chí còn “không có thời thời gian nghỉ ngơi chứ chưa nói đến việc dành thời gian cho các thành viên khác trong gia đình”.

Do là kho lưu trữ mở nên bất cứ ai gặp phải tình cảnh tương tự như anh chàng lập trình viên giấu tên kia đều có thể đóng góp “tài liệu” về rắc rối mà mình đang phải đối mặt vào đó. Để tài liệu “kể khổ” của mình được chấp nhận, người gửi phải trình bày rõ ràng về tình hình thực tế, và đặc biệt là đưa ra được bằng chứng (thường ở dạng bài đăng trên các trang mạng xã hội hoặc tin tức, nhưng đôi khi cũng bao gồm bằng chứng từ chính trong nội bộ công ty) về vấn đề mà mình đang gặp phải.

Các nhà phát triển chịu trách nhiệm duy trì kho lưu trữ cảnh báo người dùng không nên chụp ảnh màn hình trực tiếp dữ liệu nội bộ của công ty để tránh bị phát hiện danh tính, có thể gây ảnh hưởng đến công việc hay thậm chí là sự an toàn của mình. Bên cạnh đó, những người đóng góp thông tin cũng được khuyến khích không nên đưa ra thông tin sai lệch nhằm gây bất lợi cho doanh nghiệp. Nếu những thông tin như vậy bị phát hiện, chúng sẽ ngay lập tức bị gỡ bỏ và người đăng tải “có thể sẽ gặp rắc rối”. Kho lưu trữ này đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ phía cộng đồng trong những ngày gần đây, dẫn đến việc những phiên bản được dịch sang tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Gaelic Ailen, tiếng Ba Tư và nhiều ngôn ngữ khác cũng đã xuất hiện.

Trở lại với vấn đề về thời gian làm việc. Các nhà phát triển Trung Quốc cho biết Huawei - một trong những doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất quốc gia này đã khuyến khích người lao động tự nguyện giảm bớt tiền lương, tiền làm thêm giờ và nghỉ phép của mình để đổi lấy tiền thưởng hàng năm cao hơn, thông tin này được nêu ra với bằng chứng là một bài báo chính thống được đăng tải từ năm 2010. Bên cạnh đó, bài báo này cũng đề cập đến trường hợp một nhân viên công nghệ thông tin đã đột tử ngay trên bàn làm việc vào năm 2006 do suy nhược cơ thể vì làm việc quá sức, và vụ việc hai lập trình viên khác đã tự tử vào năm 2008 do “áp lực công việc quá lớn, đến mức không thể chịu đựng được”. Từ đó, mặc dù câu chuyện hơi mơ hồ về cách thức, nhưng làn sóng hoài nghi về việc Huawei đã “bóc lột” nhân viên của mình một cách quá mức cũng đã dấy lên. Huawei từ chối trả lời bình luận của báo chí về vấn đề này.

Lập trình viên

Một người dùng internet có tên Liu Xuan sau đó đã đưa vụ việc này lên trang web hỏi đáp tiếng Trung lớn nhất thế giới Zihu, và kèm theo câu hỏi: “Liệu có phải trong con mắt của một số ông chủ, việc thuê một nhân viên cũng giống như mua một chiếc máy - họ ước chúng tôi có thể làm việc 24 giờ một ngày, liên tục cả tuần và chỉ cho phép chúng tôi dành thời gian để “tiếp nhiên liệu” (ăn uống)?” Đã có tổng cộng 465 người dùng tỏ ra cảm thông với câu hỏi của Liu.

Khi người lao động “được” đối xử như những chú kiến thợ chăm chỉ

Tương tự, nhiều nhà phát triển đã lên tiếng cáo buộc Alibaba quảng bá văn hóa làm việc mà ở đó, các nhân viên tự nguyện làm thêm 996 giờ mỗi năm. Theo một bài báo vào năm 2018 thì trên thực tế, mặc dù Alibaba không thực sự bắt buộc nhân viên của mình phải làm thêm giờ, nhưng tất cả mọi người đều sẵn sàng làm việc đó để đổi lấy mức tiền thưởng tốt hơn trong một môi trường mà tính cạnh tranh cực cao. “Sau khi nhìn thấy những con số khủng khiếp này từ văn hóa làm việc ngoài giờ của Alibaba, bạn sớm muộn cũng sẽ phải bỏ việc!”, đó là nhận xét từ một người dùng có tên Wryly trong bài viết “Workers here are really treated like ants” (tạm dịch: Những người làm công ở đây đang bị đối xử như những con kiến), được đăng tải trên kho lưu trữ Github. Phía Alibaba từ chối bình luận về câu chuyện này.

Alibaba

Không rõ ai là người đưa ra quyết định theo dõi các khiếu nại trong GitHub, tuy nhiên những người gửi khiếu nại chắc chắn nên được đảm bảo giữ kín danh tính. Trên thực tế, GitHub là một nguồn tài nguyên quan trọng cho các công ty công nghệ ở Hoa Kỳ và Trung Quốc, cung cấp quyền truy cập vào vô số mã nguồn mở để các lập trình viên xây dựng dự án của riêng mình. Do đó, bất kỳ nỗ lực nào để chặn trang web này đều có thể mang lại thiệt hại cho doanh nghiệp nhiều hơn nhiều so với nhân viên. Còn nhớ vào năm 2013, khi GitHub bị chặn ở Trung Quốc trong vài ngày, cựu giám đốc điều hành Google Trung Quốc Kai-Fu Lee đã phải ra mặt chỉ trích chính sách kiểm duyệt khắt khe của nhà chức trách: “Việc chặn GitHub là hoàn toàn vô lý, và sẽ chỉ làm vấn đề trở nên mất kiểm soát hơn, đồng thời gây ra những thiệt hại đáng kể trong khả năng cạnh tranh và phát triển của các doanh nghiệp cũng như lập trình viên”.

Nếu kho lưu trữ 996.ICU bị gỡ xuống, người dùng có thể dễ dàng tạo các bản sao lưu trước đó. “Và ngay cả trong trường hợp GitHub bị kiểm duyệt bằng một cách thức nào đó, người dùng vẫn có thể chuyển sang truy cập các dịch vụ tương tự như GitLab”, nhà nghiên cứu bảo mật Victor Gevers, người đang làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận GDI, và trước đó đã từng phát hiện ra một số cơ sở dữ liệu mật của Trung Quốc cho biết. Tất nhiên cũng không loại trừ khả năng GitHub sẽ phải chấp nhận tuân thủ mọi yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc để đổi lấy việc không bị chặn tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Victor Gevers

“Như chúng ta đều biết, Github thuộc sở hữu của Microsoft. Do đó, một chút “phàn nàn” từ chính phủ Trung Quốc sẽ có thể khiến kho lưu trữ này nhanh chóng biến mất khỏi Github vì Microsoft chỉ đơn giản là sẽ làm mọi cách để giữ mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp tại quốc gia này, như cái cách mà họ đã làm với công cụ tìm kiếm Bing”, Victor Gevers nhận xét. Sau sự ra đi của “những người đồng hương” nổi tiếng như Google, Facebook và Youtube tại Trung Quốc, Bing vẫn tiếp tục hoạt động tại thị trường này bởi họ đã chấp nhận tuân thủ yêu cầu kiểm duyệt nội dung từ phía nhà chức trách. GitHub hiện chưa đưa ra bình luận về nhận xét trên.

Các công ty công nghệ trong danh sách đang được theo dõi sát sao

Luật lao động Trung Quốc quy định rằng các nhân viên sẽ không phải làm việc quá 8 giờ mỗi ngày và không quá 36 giờ làm thêm mỗi tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải trả cho nhân viên của mình 150% tiền lương thông thường cho một giờ họ làm thêm, 200% tiền lương thông thường khi làm việc trong ngày nghỉ, và 300% tiền lương thông thường khi phải làm việc vào ngày nghỉ lễ quốc gia, chẳng hạn như tết nguyên đán. Nhiều lập trình viên Trung Quốc đang đưa ra cáo buộc rằng các công ty công nghệ có tên trong kho lưu trữ 996.ICU đã vi phạm vào luật lao động, bởi họ hiếm khi được trả lương ngoài giờ như theo luật định.

Làm việc kiệt sức

Mary Gallagher, giáo sư khoa học chính trị, kiêm giám đốc của trung tâm Lieberthal-Rogel về Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan cho biết, vẫn tồn tại những lỗ hổng xung quanh luật lao động tại quốc gia này, và những lỗ hổng đó đã được nhiều doanh nghiệp lợi dụng cũng như khai thác triệt để. Theo quy định của từng địa phương hoặc do chính người sử dụng lao động, nhân viên có thể được phân loại là một phần của hệ thống tiêu chuẩn được bao gồm trong luật lao động của Trung Quốc, hoặc cũng có thể được coi là những người lao động làm việc theo thời vụ, hoặc làm việc trong thời gian làm thêm ngoài giờ hành chính quy định. “Ví dụ, chính quyền địa phương và chủ sử dụng lao động có thể lạm dụng hệ thống phân loại lao động trong lĩnh vực công nghệ bằng cách ngầm quy định những nhân viên bình thường là quản lý cấp cao. Sau đó, những nhân viên này sẽ phải làm việc nhiều giờ mà không được trả thêm tiền, trong khi công ty vẫn không hề vi phạm luật lao động”, giáo sư Mary Gallagher giải thích.

Trên thực tế, người lao động ở Trung Quốc hiếm khi được bảo vệ bởi các tổ chức công đoàn, nếu có thì những tổ chức này cũng chỉ đóng vai trò rất thụ động trong việc giúp công nhân bảo vệ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, công đoàn hay những người đấu tranh cho luật lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc can thiệp giúp đỡ người lao động, vì hầu hết các công việc làm thêm giờ thường đều được thực hiện một cách tự nguyện, ít nhất là về mặt hình thức.

“Nếu không làm thêm giờ, họ sẽ có nguy cơ bị cho thôi việc”

Công nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc đang phát triển bùng nổ, kéo theo những căng thẳng và áp lực cực lớn đối với môi trường và điều kiện làm việc, hệ quả là các nhân viên phải làm việc trong nhiều mỗi ngày, trong một môi trường có tính cạnh tranh và đào thải cực cao”, Li Qiang, giám đốc điều hành của China Labor Watch cho biết. Đồng thời ông Li cũng giải thích: “Trước đây, chúng tôi đã nhận được một số khiếu nại từ nhân viên tại nhiều công ty công nghệ lớn về vấn đề này. Tuy nhiên, thật khó để có thể cung cấp cho họ những giải pháp hỗ trợ, vì tiền lương của các nhân viên này thực sự cao hơn khá nhiều so với tiêu chuẩn lương tối thiểu tại Trung Quốc, và họ sẵn sàng lấy số giờ làm thêm làm lợi thế riêng cho mình trong một môi trường đầy tính cạnh tranh. Nếu không đạt được số giờ làm thêm nhất định, các nhân viên này hoàn toàn có nguy cơ cao bị sa thải (trong hợp đồng lao động mà nhiều công ty công nghệ Trung Quốc ký với nhân viên của mình thường có quy định nếu nhân viên không đạt được mục tiêu hiệu suất, họ sẽ bị sa thải)”.

“Nếu không làm thêm giờ, họ sẽ có nguy cơ bị cho thôi việc”

Thời gian dài làm việc trong môi trường cạnh tranh ngột ngạt không phải là vấn đề mà chỉ các nhân viên công nghệ Trung Quốc gặp phải, và chúng cũng không quá khắc nghiệt như một số câu chuyện phóng đại về sự ngược đãi mà các công nhân nhà máy ở Trung Quốc cũng như nước ngoài phải gánh chịu.

Tuy nhiên, ngay cả sau khiếu nại tất cả những bất công trong công việc cũng như vi phạm tiềm tàng đối với luật lao động của Trung Quốc, các nhân viên công nghệ vẫn có thể phải đối mặt với những thách thức đáng kể khác để có thể thay đổi thực tại. Giáo sư Gallagher đã chỉ ra những bất cập trong sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc nói chung và lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng, và cả những vấn đề chung khi nói đến cải cách pháp lý: “Tôi nghĩ rằng với sự suy thoái kinh tế, chính phủ có vẻ như sẽ “không có hứng thú” với việc xoa dịu người lao động. Bên cạnh đó, các nhân viên công nghệ có thể sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với công nhân sản xuất trong việc duy trì nỗ lực tập thể trong các cuộc biểu tình đòi hỏi quyền lợi. Họ dường như chỉ có một sự lựa chọn khả thi duy nhất, đó là đi tìm một công ty khác với mức đãi ngộ, môi trường làm việc tốt hơn, hoặc bỏ nghề”.

IBM Trung Quốc

Thật vậy, đã có một danh sách chi tiết các công ty quy định giờ làm việc cho nhân viên của mình một cách hợp lý hơn, được lưu trữ trong kho dữ liệu đứng thứ ba trong xu hướng tìm kiếm trên GitHub, có tên là 955.WLB. Cụ thể, các công ty trong danh sách này thường chỉ quy định giờ làm việc là từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 5 ngày một tuần để nhân viên có thể cân bằng giữa cuộc sống và công việc tốt hơn, có thể kể đến một vài cái tên nổi tiếng như WeWork, Google, Microsoft, Intel, IBM và HP - tất cả đều có văn phòng làm việc tại Trung Quốc. Có thể thấy rất nhiều trong số các công ty được nêu trong kho lưu trữ 955.WLB là những doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên cũng có một số công ty công nghệ lớn của Trung Quốc lọt vào danh sách, trong đó có Douban (một mạng truyền thông xã hội được ví như Pinterest của Trung Quốc). 955.WLB có thể coi là một kho lưu trữ trái ngược hoàn toàn so với 996.ICU, và là “phương án cứu cánh” cho những lập trình viên đang muốn chạy trốn khỏi những ngột ngạt và bất công mà họ đang phải đối mặt ở môi trường làm việc hiện tại.

Thứ Sáu, 19/04/2019 08:37
52 👨 427
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ