Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của âm nhạc trực tuyến, với sự thống trị của những cái tên quen thuộc như Spotify, Apple Music, YouTube Music hay Tidal. Ưu điểm của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến là sự phong phú, tiện lợi, và không giới hạn, có thể đáp ứng tốt nhu cầu giải trí của mọi đối tượng người nghe, trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Nhưng nếu bạn hỏi tôi ứng dụng nghe nhạc nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất, câu trả lời có lẽ là Winamp.
Trở lại khoảng thời gian nhiều năm về trước, cái thời mà bạn phải ra quán net, down nhạc vào usb, sau đó “cóp” về máy tính ở nhà và nghe dần, Winamp chính là một “huyền thoại”. Winamp là một trình nghe nhạc quen thuộc đối với thế hệ 8X, được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1997. Ứng này vươn tới đỉnh cao vào năm 2001 với lượng người dùng kỷ lục, chạm mốc 60 triệu, đồng thời ẵm luôn danh hiệu ứng dụng đa phương tiện phổ biến nhất trên Windows.
Tính đến năm 2004, Winamp tiếp tục được vinh danh là một trong những phần mềm nghe nhạc phổ biến nhất trên toàn thế giới, với ước tính hơn 250.000.000 lần được cài đặt. Thành công này có được là nhờ giao điện đơn giản nhưng vô cùng trực quan, có thể tùy chỉnh, dễ làm quen, dễ sử dụng, hỗ trợ nhiều định dạng tập tin, miễn phí và là một trong những phần mềm đầu tiên hỗ trợ chơi nhạc MP3. Sự phổ biến của Winamp tăng vọt trên Windows 98 và Windows XP, đi kèm với đó là một cộng đồng hỗ trợ đông đảo.
Các phiên bản Winamp nổi tiếng đã được phát hành bao gồm:
- Winamp 1: Ngày 7 tháng 6 năm 1997
- Winamp 2: Ngày 8 tháng 9 năm 1998
- Winamp 2.10: Ngày 24 tháng 3 năm 1999
- Winamp 3: Ngày 9 tháng 8 năm 2002
- Winamp 5.0: Tháng 12 năm 2003
- Winamp 5.5: Ngày 10 tháng 10 năm 2007
- Winamp 5.66: Ngày 20 tháng 11 năm 2013
- Winamp 5.8: Ngày 26 tháng 10 năm 2016
Sự lụi tàn của một “đế chế”
Sự phát triển của các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến chỉ là yếu tố khách quan khi nói về “cái chết” của Winamp. Sự lụi tàn của “đế chế” này trước hết bắt nguồn từ chính những sai lầm trong các quyết định từ phía nhà phát triển, cũng như nhiều lần đổi chủ khiến nó mất dần đi những bản sắc đã làm nên tên tuổi của mình. Thời gian qua đi, Winamp đã không kịp thay đổi cũng như thích nghi với dòng chảy của thế giới công nghệ, và việc trở thành một “huyền thoại” bị lãng quên cũng là điều tất yếu.
Winamp là sáng kiến của 2 sinh viên Đại học trẻ tuổi Justin Frankel và Dmitry Boldyrev. Frankel thành lập công ty phần mềm Nullsoft vào năm 1997 để tiếp tục phát triển Winamp. Tuy nhiên công ty này sau đó đã được mua lại bởi AOL vào ngày 1 tháng 6 năm 1999. Kể từ đó, Winamp tiếp tục phát triển dưới sự bảo trợ của AOL, trong khi đội ngũ Nullsoft vẫn là bộ phận chịu trách nhiệm cập nhật ứng dụng. Bước ngoặt lớn đầu tiên xảy ra vào năm 2004 khi nhóm Nullsoft quyết định rời khỏi công ty.
Sau sự ra đi của đội ngũ Nullsoft, Winamp hầu như không tiến triển, mà thậm chí còn “cải lùi” ở một số phiên bản, và dần đánh mất người dùng. Cùng với đó là sự trỗi dậy nhanh chóng của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến mới nổi. Năm 2013, Winamp chính thức bị khai tử.
Chỉ một năm sau đó, công ty công nghệ Bỉ, Radionomy, đã mua lại Winamp và tuyên bố sẽ đưa ứng dụng này trở lại thời kỳ hoàng kim. Tuy nhiên, phải tới gần 4 năm sau (tháng 10 năm 2016), Radionomy mới phát hành phiên bản Winamp 5.8, và thay đổi lớn nhất trong bản cập nhật này cũng chỉ là khả năng hỗ trợ cho Windows 10.
Kể từ đó đến nay, người dùng vẫn tiếp tục chờ đợi các bản cập nhật mới, nhưng đổi lại chỉ là những lời hứa suông từ nhà phát hành. Lần gần đây nhất, Radionomy tuyên bố sẽ phát hành phiên bản Winamp 6 vào năm 2019, với sự bổ sung của nhiều tính năng mới như phát playlist, podcast, radio station… Tuy nhiên đến nay, phiên bản này vẫn “bặt vô âm tín”. Trang web chính thức cũng đã bị bỏ rơi, vì không có bản cập nhật nào được công bố trong hai năm qua.
Một huyền thoại đã lụi tàn như thế, theo cách không thể hụt hẫng và đáng buồn hơn!