USB-C sẽ trở thành tiêu chuẩn sạc chung cho hầu hết các thiết bị điện tử ở EU vào năm 2024

Liên minh châu Âu (EU) vừa có bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch chuẩn hóa một dạng cổng sạc duy nhất cho tất cả các thiết bị điện tử bán ra tại thị trường EU. Và tất nhiên USB Type-C là lựa chọn được khuyến nghị.

Theo đó, Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã chính thức thông qua đề xuất đưa USB-C trở thành tiêu chuẩn sạc chung cho hầu hết các loại thiết bị điện tử được bán ra tại thị trường EU, bao gồm 30 quốc gia, bắt đầu từ mùa thu năm 2024.

Trước đó vào tháng 9 năm 2021, EU đã công khai kế hoạch muốn biến USB-C trở thành tiêu chuẩn sạc cho mọi smartphone, tablet cùng những thiết bị điện tử khác. Các nhà lập pháp Châu Âu muốn buộc các hãng sản xuất sử dụng một giao diện sạc tiêu chuẩn duy nhất cho tất cả các thiết bị có pin sạc mà họ bán ra thị trường.

Hiện tại, quy định mới về tiêu chuẩn sạc chung USB-C ở châu Âu sẽ được áp dụng cho các loại thiết bị điện tử sau:

  • Điện thoại di động
  • Máy tính bảng
  • Máy đọc sách điện tử
  • Tai nghe không dây
  • Máy ảnh kỹ thuật số
  • Máy chơi game cầm tay
  • Loa di động
  • Bàn phím
  • Chuột máy tính

USB-C

Tất cả thiết điện tử thuộc các danh mục trên sẽ bắt buộc phải có cổng USB-C vào mùa thu năm 2024. Điều thú vị là quy định cũng sẽ được áp dụng cho máy tính xách tay vào khoảng năm 2026. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng sẽ có tùy chọn mua thiết bị mới có hoặc không có phụ kiện sạc.

Như vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc Apple sẽ buộc phải thay đổi cổng kết nối (từ Lightning sang USB-C) trên iPhone bán ra ở châu Âu vào năm 2024, cho dù có muốn hay không. Trong khi đa số điện thoại thông minh Android đã sử dụng cổng USB Type-C như một tiêu chuẩn sạc và truyền tải dữ liệu tiêu chuẩn, thì Apple vẫn phân chia giữa việc sử dụng cổng Lightning và Type-C trên các dòng sản phẩm cụ thể. Đối với máy tính xách tay, sự phân hóa còn trở nên rõ rệt hơn bởi một số đã sử dụng cổng Type-C. trong khi số khác vẫn duy trì bộ sạc thùng (barrel charger) truyền thống.

Lý do chính thôi thúc EU sớm triển khai quy định này là do những lo ngại liên quan đến vấn đề môi trường. Các nhà lập pháp châu Âu muốn thúc đẩy tính bền vững và giảm thiểu rác thải điện tử bằng cách giúp người tiêu dùng có thể tái sử dụng các bộ sạc hiện có, thay vì phải mua nhiều loại bộ sạc khác cho từng thiết bị nhất định. Lấy ví dụ đơn giản, mọi người có thể mua những sợi cáp và bộ sạc USB-C tốt nhất để sử dụng cho mọi thiết bị, thay vì phải sử dụng các sợi cáp riêng biệt cho mỗi thiết bị cụ thể.

Các nhà lập pháp EU hy vọng sẽ tiết kiệm cho người dân châu Âu ít nhất 250 triệu euro (267 triệu USD) chi phí mua phụ kiện sạc cho thiết bị công nghệ, đồng thời giảm 11.000 tấn rác thải điện tử mỗi năm.

Với hơn nửa tỷ bộ sạc cho các thiết bị di động được vận chuyển đến châu Âu hàng năm, tạo ra 11.000 đến 13.000 tấn rác thải điện tử, một bộ sạc duy nhất cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”, đại diện EU cho biết.

Ngoài ra, EU cũng bày tỏ quan ngại về các phương pháp sạc không dây mới, và kêu gọi thực hiện những hành động tương tự để tạo ra một “hành lang kiểm soát” chặt chẽ ngay từ đầu.

Thứ Tư, 08/06/2022 09:50
52 👨 659
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ