Quay trở lại một chút về quá khứ, 1972 là năm quan trọng với hàng loạt các sự kiện được cho là góp phần thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp giải trí toàn cầu. Từ vụ bê bối Watergate làm rung chuyển thế giới đến sự ra mắt của “Bố già” - một trong những bộ phim được coi là tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại, hay thú vị hơn là sự ra mắt của nhóm nhạc pop Thụy Điển huyền thoại: Abba - cái tên đã thống trị hầu hết các bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng trong suốt quãng thời gian hoạt động của mình.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng 1972 cũng là năm đánh dấu cột một mốc quan trọng trong buổi đầu sơ khai của ngành công nghiệp game toàn cầu. Với việc Atari Inc, đứa con tinh thần của 2 thiên tài máy tính người Mỹ Allan Alcorn và Nolan Bushnell, đã phát hành thành công Pong, tựa game video đầu tiên gặt hái được những thành công đáng kể về mặt thương mại.
Với sự ra mắt của Pong, Alcorn và Bushnell đã trở thành những người tiên phong, khởi đầu cho kỷ nguyên phát triển rực rỡ của ngành công nghiệp trò chơi điện tử, góp phần thay đổi thế giới giải trí một cách sâu rộng như chúng ta được chứng kiến hiện nay.
Thế giới game đã đi được một chặng đường dài kể từ năm 1972. Chất lượng đồ họa nhìn chung đã được cải thiện bởi những bước nhảy vọt trong công nghệ máy tính, cốt truyện đã trở nên phức tạp và liên quan hơn chứ không còn đơn điệu như trước. Cuối cùng, cơ chế chơi (gameplay) cũng đã được cải tiến đáng kể nếu không muốn nói là thay đổi hoàn toàn.
Những yếu tố này là cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp game. Đây là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, nó cũng khiến chi phí sản xuất các trò chơi điện tử tăng theo cấp số nhân trong những năm qua, với sự xuất hiện của nhiều tựa game video AAA hiện đại.
Tất nhiên đây cũng chỉ đơn thuần là khoản đầu tư thu lời của các nhà phát triển game, có lãi thì họ mới làm, tuy nhiên đó vẫn là những con số không hề nhỏ và thậm chí có thể gây sốc khi được công bố.
Dưới đây là danh sách 13 tựa game có chi phí phát triển đắt nhất trong lịch sử, hãy cùng xem bạn biết hay đã từng được trải nghiệm qua bao nhiêu cái tên trong số này nhé!
Xem nhanh
- Grand Theft Auto V - 256 triệu USD
- Call of Duty: Modern Warfare 2 - 250 triệu USD
- Stars Wars: The Old Republic - 200 triệu USD
- Cyberpunk 2077 - 174 triệu USD
- Final Fantasy VII - 145 triệu USD
- Destiny - 140 triệu USD
- Halo 2 - 120 triệu USD
- Max Payne 3 - 105 triệu USD
- APB: All Points Bulletin - Hơn 100 triệu USD
- Disney Infinity - Hơn 100 triệu USD
- Tomb Raider (2013) - Hơn 100 triệu USD
- Red Dead Redemption - Hơn 100 triệu USD
- Grand Theft Auto IV - Hơn 100 triệu USD
Grand Theft Auto V - 256 triệu USD
Grand Theft Auto V, phần thứ năm trong loạt game nổi tiếng Grand Theft Auto (GTA) – trò chơi điện tử đắt nhất tính đến thời điểm này. Với chi phí khổng lồ (256 triệu USD), số tiền bỏ ra cho trò chơi này thậm chí còn đắt hơn hầu hết kinh phí của các bộ phim hiện nay. Tất cả số tiền đổ vào trò chơi dường như không “xuống sông xuống biển” khi 145 triệu bản đã được bán ra và nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm VFX của năm và BAFTA British Game Award.
Grand Theft Auto V đã phá vỡ kỷ lục bán hàng của ngành công nghiệp game và trở thành sản phẩm giải trí tăng doanh thu nhanh nhất trong lịch sử, kiếm được 800 triệu USD trong ngày đầu tiên và 1 tỷ USD chỉ sau ba ngày ra mắt.
Được phát hành tám năm sau GTA IV, GTA V được thiết kế theo kiểu thế giới mở quen thuộc, cho phép người chơi tự do đi khắp nơi, các vùng nông thôn, rừng núi, hoang mạc và thành phố hư cấu Los Santos - phiên bản mô phỏng của thành phố Los Angeles ngoài đời thực. GTA IV là trò chơi điện tử bán chạy thứ hai mọi thời đại, chỉ sau Minecraft 3D.
Call of Duty: Modern Warfare 2 - 250 triệu USD
Trò chơi đắt thứ hai trong lịch sử và là trò chơi đắt nhất trong loạt game Call of Duty chính là Modern Warfare 2 (năm 2009). Được phát triển bởi Infinity Ward, Modern Warfare 2 là phần tiếp theo của Modern Warfare năm 2007 và được phát hành cho Playstation 3 cũng như Xbox 360. Mặc dù chi phí phát triển "chỉ" khoảng 50 triệu USD, nhưng nhà phát hành trò chơi Activision đã chi thêm 200 triệu USD cho việc marketing nó.
Với 25 triệu bản được bán ra, Modern Warfare 2 tiếp nối thành công của trò chơi tiền nhiệm, thậm chí đã bán được gần năm triệu bản chỉ trong 24 giờ đầu tiên kể từ lúc phát hành.
Mặc dù cả người hâm mộ và các nhà phê bình đều cho rằng Modern Warfare 2 thiếu sự đổi mới, họ vẫn ca ngợi trò chơi vì các tình tiết và nhân vật thú vị.
Stars Wars: The Old Republic - 200 triệu USD
Được sáng tạo và phát triển bởi RPG auteurs Bioware, Star Wars: The Old Republic là một trong những dự án game trực tuyến đa người chơi tham vọng nhất từng được thực hiện trong lịch sử. Với hơn hàng chục hành tinh để khám phá, hàng ngàn nhân vật độc đáo để trò chuyện và hàng trăm giờ chơi, Star Wars: The Old Republic chứa đựng rất nhiều điều thú vị để xem và làm.
Cốt truyện game nói về câu chuyện diễn ra trong vũ trụ giả tưởng chiến tranh giữa các vì sao ngay sau khi thiết lập một nền hòa bình mong manh giữa Đế chế Sith và nền Cộng hòa Galactic, rơi vào khoảng 300 năm sau các sự kiện trong phiên bản trước đó là Star Wars: Knights of the Old Republic. Người chơi sẽ tham gia với tư cách là thành viên của một trong hai phe chính - Cộng hòa ngân hà và Đế chế Sith.
Star Wars: The Old Republic là một tựa game nổi tiếng với hệ thống gameplay đồ độ, các nhân vật, bối cảnh và cả âm thanh trong game đều được chăm chút hết sức tỉ mỉ, đó là lý do tại sao phải cần đến sự hợp tác của hơn 1.000 nhà phát triển trong vòng 6 năm ròng để xây dựng lên Star Wars: The Old Republic.
Ban đầu nó dự định sẽ lên kệ vào mùa xuân năm 2010, nhưng cuối cùng đã bị trì hoãn cho đến tháng 12 năm 2011. Sự chậm trễ này khiến nhà phát hành EA phải trả giá đắt, với kinh phí cho việc phát triển trò chơi cuối cùng đạt mức cao kỷ lục là 200 triệu USD.
Cyberpunk 2077 - 174 triệu USD
Một trong những trò chơi được mong đợi nhất trong thế kỷ 21, Cyberpunk 2077 vượt trội về mặt kinh phí. Khoảng 174 triệu USD đã được chi cho việc phát triển, trong đó có hàng triệu USD được chi cho mảng marketing.
Kể từ khi trò chơi phát hành vào cuối năm 2020 cho đến nay, CD Projekt đã bán được 13,7 triệu bản.
Trò chơi nhập vai hành động đưa người chơi vào thế giới tương lai của Night City, California, nơi họ sẽ đóng vai lính đánh thuê tên là V.
Cyberpunk 2077 hiện là một trong những trò chơi được đánh giá tốt nhất, mặc dù nhiều người chơi phàn nàn có nhiều lỗi và trục trặc. Tuy nhiên, nó đã trở nên cường điệu hơn nhờ vào sự xuất hiện của nam diễn viên Keanu Reeves (nổi tiếng với bộ phim Matrix và John Wick).
Final Fantasy VII - 145 triệu USD
Được coi là một trong những trò chơi điện tử vĩ đại nhất từng được phát hành, phiên bản gốc của Final Fantasy VII (được phát triển bởi Công ty trò chơi điện tử Square Enix của Nhật Bản) cũng là một trong những trò chơi có kinh phí nhiều nhất.
Chi phí cho bộ phim kinh điển năm 1997 là 145 triệu USD, với 100 triệu USD được chi cho marketing và 45 triệu USD được chi cho việc phát triển trò chơi thực tế. Bất chấp những tiến bộ công nghệ được sử dụng cho bản remake FFVII năm 2020, tổng chi phí (100 triệu USD) vẫn không thể bằng chi phí của phiên bản gốc.
Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1997, gần 100 trò chơi Final Fantasy đã được sản xuất kể từ đó, bao gồm 15 trò chơi cốt lõi trong loạt game Final Fantasy. Final Fantasy VII Remake (dành riêng cho Playstation 4 và 5) là game mới nhất trong loạt game nổi tiếng.
Trò chơi chia thành nhiều phần, phần 1 được phát hành vào năm 2020 và phần 2 dự kiến ra mắt vào năm 2022. Cho đến nay, FFVII phiên bản gốc là trò chơi bán chạy nhất trong loạt game.
Destiny - 140 triệu USD
Mặc dù không thể tạo thành hiện tượng trên toàn thế giới như các trò chơi khác trong danh sách này, nhưng Destiny (phát hành cho Playstation 4 và Xbox One) vẫn nhận được những đánh giá tích cực. Nó cũng là một trò chơi tiêu tốn hơn 100 triệu USD.
Được phát hành vào năm 2014, Destiny là một game bắn súng nhiều người chơi trực tuyến, được phát triển bởi Bungie và được xuất bản bởi Activision.
Trò chơi hiện nằm dưới sự bảo trợ của Bungie sau khi nhà phát triển tách khỏi Activision vào năm 2019.
Halo 2 - 120 triệu USD
Là phần tiếp theo của trò chơi Xbox rất nổi tiếng năm 2001- Halo: Combat Evolved, Halo 2 tiếp nối thành công với 8,4 triệu bản được bán ra.
Mặc dù con số không thể so sánh với các trò chơi điện tử đang được bán hiện nay, nhưng Halo 2 vẫn giữ kỷ lục là trò chơi Xbox thế hệ đầu tiên bán chạy nhất. Được phát triển bởi Bungie và được xuất bản bởi Microsoft Game Studios (nay là Xbox Gaming), chi phí sản xuất Halo 2 là 120 triệu USD.
Halo 2 có sẵn trên Xbox 360 và Xbox One. Nó tiếp tục câu chuyện về người lính mang tính biểu tượng Master Chief khi anh ta tiến hành cuộc chiến chống lại một chủng tộc ngoài hành tinh, được gọi là Covenant. Giống như trò chơi Halo 1, phần tiếp theo cũng nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình với một số tính năng chính làm nên thành công của Halo.
Max Payne 3 - 105 triệu USD
Được phát triển và xuất bản bởi Rockstar, Max Payne 3 là phần thứ ba trong loạt game Max Payne và cũng là phần có kinh phí nhiều nhất. Rockstar tốn 105 triệu USD, bằng với số kinh phí của GTA IV.
Dù nhận được nhiều đánh giá tích cực, sự khen ngợi từ nhiều ấn phẩm trò chơi và bán được 4 triệu bản, nhưng Max Payne 3 đã không đạt được thành công như phần trước đó.
APB: All Points Bulletin - Hơn 100 triệu USD
APB: All Points Bulletin là một tựa game bắn súng trực tuyến góc nhìn thứ ba đa người chơi, và được phát hành cho nền tảng PC vào năm 2010. Cha đẻ của APB: All Points Bulletin chính là cái tên huyền thoại David Jones, nhà thiết kế chịu trách nhiệm cho loạt game GTA và Crackdown. Theo cốt truyện, APB đưa người chơi nhập vai vào các sĩ quan cảnh sát hoặc tội phạm, tham gia vào các hoạt động liên quan diễn ra ở thành phố hư cấu San Paro, Mỹ.
APB: All Points Bulletin là một thế giới rộng lớn, phức tạp và chi tiết. Bạn sẽ không thể tìm thấy nhiều hơn hai con phố nào trong game được thiết kế giống nhau, và mọi nhân vật trong trò chơi sẽ đều sở hữu diện mạo và phong cách độc đáo, riêng biệt. Chính sự tỉ mỉ này đã làm lên danh tiếng của APB: All Points Bulletin, nhưng đồng thời cũng góp phần khiến cho kinh phí phát triển của tựa game này đội lên đáng kể.
Với thời gian phát triển kéo dài hơn 5 năm và đội ngũ kỹ sư lên tới hơn 150 người, APB: All Points Bulletin là một trong những trò chơi đắt đỏ nhất thế giới với hơn 100 triệu USD chi phí thực hiện.
Disney Infinity - Hơn 100 triệu USD
Disney Infinity là một tựa game dễ thương, được phát hành cho PS3, Wii, Wii U, Xbox 360, PC và Nintendo 3ds, nhưng cũng đóng vai trò như một quân bài cực kỳ tham vọng của Disney trong thị trường game nói chung. Như một vũ trụ mở, Disney Infinity cho phép người chơi tạo ra những thế giới độc đáo của riêng mình và đưa vào đó một số nhân vật thú vị của Disney.
Dự án Disney Infinity được đảm nhận hoàn toàn bởi các nhà phát triển phần mềm của Avalanche Software. Theo báo cáo, nhóm nghiên cứu tại Avalanche đã phải tuyển dụng hơn 200 nhà phát triển bổ sung để thực hiện trò chơi này và ngân sách theo ước tính là hơn 100 triệu USD. Cho đến nay, Disney Infinity vẫn là một trong những trò chơi điện tử đắt nhất và tham vọng nhất từng được thực hiện.
Tomb Raider (2013) - Hơn 100 triệu USD
Tomb Raider thế hệ đầu tiên được phát hành vào năm 1996 và là một trò chơi điện tử mang tính bước ngoặt trong thế giới game. Tomb Raider đã được phát hành như dự kiến vào ngày 5 tháng 3 năm 2013 cho PlayStation 3, Xbox 360 cũng như Microsoft Windows và đã gần như ngay lập tức thu về thành công chỉ sau một thời gian ngắn.
Trong thế giới của Tomb Raider, người chơi sẽ hoá thân vào nhân vật Lara Croft, một nhà khảo cổ học giàu kinh nghiệm với tham vọng tìm ra kho báu trong những khu mộ cổ xưa. Với cốt chuyện ly kì, thú vị, đồ họa 3D ấn tượng và lối chơi tuyệt vời, Tomb Raider đã nhanh chóng trở thành một trong những tượng đài về sự thành công trong thế giới game.
Trò chơi này đã bán được hơn 1 triệu bản trong chưa đầy 48 giờ sau khi phát hành. Tại Vương quốc Anh, Tomb Raider xuất hiện ở vị trí số một trên bảng xếp hạng và trở thành tựa game thành công nhất nước Anh năm 2013, vượt qua doanh thu của Aliens: Colonial Marines, trước khi bị Grand Theft Auto V vượt mặt. Ngoài ra, Tomb Raider cũng đứng trong top đầu của bảng xếp hạng các tựa game ăn khách ở Pháp, Ireland, Ý, Hà Lan, Na Uy và Hoa Kỳ.
Tomb Raider (2013) là phiên bản khởi động lại của seri Tomb Raider. Được phát triển bởi Crystal Dynamics, trò chơi kể tiếp câu chuyện về cuộc phiêu lưu đầu tiên của Lara Croft.
Với đồ họa photorealistic, chuyển động mượt mà, lồng tiếng xuất sắc, và cốt truyện hấp dẫn được viết bởi một tiểu thuyết gia nổi tiếng, Tomb Raider vừa là một thành công mang tính thương mại vừa là một biểu tượng lớn trong ngành công nghiệp này.
Nhờ vậy, Crystal Dynamics đã nhanh chóng thu hồi được số vốn hơn 100 triệu USD chi ra cho việc phát triển Tomb Raider chỉ trong vài tuần sau khi tựa game này được chính thức phát hành.
Red Dead Redemption - Hơn 100 triệu USD
Được phát triển bởi Rockstar Games San Diego, Red Dead Redemption là một trong những trò chơi thế giới mở lớn nhất, mở rộng nhất từng được thực hiện tính đến thời điểm hiện tại. Như một phiên bản ảo hóa thu nhỏ của miền tây nước Mỹ và Mexico, Red Dead Redemption đưa người chơi hóa thân vào nhân vật John Marston, một cựu phạm nhân đã “rửa tay gác kiếm”, có vợ và con trai bị chính phủ bắt làm con tin. Không còn lựa chọn nào khác, Marston lên đường tìm và đưa ba thành viên trong băng đảng cũ của mình ra trước công lý để đổi lấy sự tự do cho gia đình.
Red Dead Redemption được chơi từ góc nhìn của người thứ ba trong một thế giới mở, cho phép người chơi tương tác với các nhân vật trong game một cách thoải mái. Người chơi có thể du hành thế giới ảo chủ yếu bằng ngựa và đi bộ.
Như đã nói, Red Dead Redemption là một thế giới rất rộng lớn, việc di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm kia trong game có thể tiêu tốn của bạn đến 30 phút. Cảnh vật, sự vật, hiện tượng trong game cũng được chăm chút hết sức chi tiết, mỗi địa điểm đều có hàng tá thứ để kiểm tra.
Ngoài ra, với một kịch bản xuất sắc, dàn diễn viên lồng tiếng quy mô lớn, công nghệ đồ họa đỉnh cao và gameplay ấn tượng, không khó để Red Dead Redemption trở thành một trong những tựa game được yêu thích nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự thành công này cũng đã phải trả bằng chi phí phát triển khổng lồ, với 5 năm miệt mài của hàng trăm con người cùng hơn 100 triệu USD kinh phí.
Grand Theft Auto IV - Hơn 100 triệu USD
Grand Theft Auto (GTA) là một loạt trò chơi video phiêu lưu hành động được sáng tạo bởi David Jones và Mike Tweetsly. Các tựa game sau này được tiếp tục sáng tạo bởi anh em Dan và Sam Houser, Leslie Benzies và Aaron Garbut. Grand Theft Auto được phát triển chủ yếu bởi Rockstar North (trước đây là DMA Design) và xuất bản bởi Rockstar Games.
Tựa game này có khởi đầu khá khiêm tốn khi phần đầu tiên trong seri là Grand Theft Auto I, được phát hành vào năm 1997 cho PC và PS1, chỉ là một game bắn súng đơn giản với cốt truyện kỳ lạ và một thế giới mở thú vị lấy bối cảnh là các thành phố hiện đại ở nước Mỹ.
Grand Theft Auto I bao gồm ba thành phố hư cấu, trong khi các tựa game tiếp theo có xu hướng nhấn mạnh vào một bối cảnh duy nhất. Gameplay tập trung vào một thế giới mở, nơi người chơi có thể chọn các nhiệm vụ để phát triển một câu chuyện tổng thể, cũng như tham gia vào các hoạt động bên lề, bao gồm phiêu lưu hành động, lái xe, bắn súng góc nhìn thứ ba, carjacking, nhập vai, và cả đua xe nữa.
Grand Theft Auto IV, được phát hành vào năm 2010, đã chứng kiến sự quay trở lại của nhân vật chính ở Liberty City. Ngoài ra, thế giới trong game cũng được mở rộng hơn đáng kể cũng như đồ họa HD mới tuyệt đẹp, vượt trội hoàn toàn so với tất cả các game thế giới mở khác có sẵn tại thời điểm bấy giờ.
Về tổng thể, phải khẳng định rằng Grand Theft Auto IV là một công trình hoành tráng. Phải mất hơn 1.000 nhà phát triển đến từ khắp nơi trên toàn thế giới cùng với gần bốn năm làm việc miệt mài và chi phí hơn 100 triệu USD đô la để tựa game này được chính thức đến tay các game thủ.
Khi ngành công nghiệp trò chơi điện tử tiếp tục phát triển, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ngày càng có nhiều trò chơi trị giá hàng triệu USD được sản xuất.
Trên đây là danh sách 15 tựa game có kinh phí phát triển lớn nhất trong lịch sử, bạn đã được trải nghiệm bao nhiêu cái tên trong số này? Hãy cho chúng tôi biết cảm nhận ở mục bình luận bên dưới nhé!