Giới chức Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho 14 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để sử dụng cho mục địch công cộng vào tuần trước, trong đó bao gồm cả những cái tên đầy tiềm năng như Xiaomi Corp, 01.AI hay 4Paradigm. Theo tiết lộ từ Securities Times, Bắc Kinh đã phê duyệt hơn 40 mô hình AI công cộng kể từ tháng 8 năm ngoái, ngay sau khi quy trình phê duyệt đối với các công ty công nghệ được xem là điều kiện bắt buộc và không có ngoại lệ.
Đây cũng có thể được coi là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm cố gắng bắt kịp Hoa Kỳ ở cuộc đua phát triển công nghệ AI, bắt đầu với sự xuất hiện của ChatGPT vào năm 2022. Các công ty công nghệ nội địa lớn như Alibaba, Baidu và ByteDance đang là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất sự cạnh tranh này. Hàng loạt mô hình LLM đã được phê duyệt tương đối nhanh chóng ngay sau khi các cơ quan quản lý Trung Quốc áp dụng quy trình quản lý mới. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa tiết lộ danh sách chính xác các công ty có sản phẩm được phê duyệt.
Các công ty Trung Quốc đã gấp rút phát triển các sản phẩm AI kể từ khi mô hình chatbot ChatGPT của OpenAI gây bão trên toàn thế giới vào cuối năm 2022. Baidu đã công bố Ernie Bot giống ChatGPT vào tháng 3 năm ngoái và chính thức ra mắt công chúng vào tháng 8. Đến tháng 12, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc tiết lộ rằng chatbot đã thu hút hơn 100 triệu người dùng. Ernie Bot chỉ là một trong nhiều sản phẩm và dịch vụ được hỗ trợ bởi AI hiện đang được cấp phép sử dụng tại Trung Quốc.
Không chỉ các công ty Trung Quốc, nhiều tập đoàn công nghệ lớn, đa quốc gia như Google và Meta cũng đã nhanh chóng nhảy vào cuộc cạnh tranh và đóng góp vào danh sách các mô hình LLM ngày càng mở rộng, bao gồm Gemini, PaLM 2, Llama 2, v.v. Gã khổng lồ Samsung của Hàn Quốc gần đây cũng đã tiết lộ mô hình AI thế hệ đầu tiên của mình có tên Gauss và đưa ra một số tính năng của Galaxy AI cho các mẫu smartphone cao cấp ra mắt năm 2024 của mình.
Mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI cũng là động lực thúc đẩy cho sự ra đời của Bing Chat Microsoft, sau này được đổi tên thành Copilot. Một báo cáo gần đây cho thấy Microsoft đang nghiên cứu một sản phẩm tối ưu được mệnh danh là "mô hình ngôn ngữ nhỏ" (SLM). Mô hình này nhằm mục đích cung cấp các khả năng AI tổng quát trong khi sử dụng ít tài nguyên phần cứng hơn.