"Dark Mode" (chế độ giao diện tối) đều đã được tích hợp trên Windows và MacOS nhưng liệu tính năng mới này có thực sự hiệu quả như tin đồn?
Khi kích hoạt chế độ Dark Mode, giao diện sẽ đổi từ các ký tự đen hiển thị trên một trang màu trắng trở thành một trang màu đen với các ký tự trắng giúp mắt người dùng đỡ mỏi hơn khi sử dụng thiết bị trong thời gian dài ở môi trường tối.
Ngoài ra, Dark Mode được cho là có những lợi ích khác. Một trong số đó là cải thiện thời lượng pin bởi màn hình tối sẽ tiêu hao ít năng lượng hơn màn hình sáng.
Nhưng có đúng là Dark Mode sẽ giúp thiết bị tiết kiệm pin không? Hãy thử nghiệm trên cả Windows và MacOS biết kết quả nhé.
Dark Mode không tạo ra sự khác biệt
Để thử khả năng tiết kiệm pin của Dark Mode, người ta sử dụng Asus ZenBook UX333FA chạy Windows và MacBook Air 2015 với vi xử lý Core i5 chạy MacOS. Cả hai thiết bị này đều nổi tiếng về khả năng tiết kiệm điện, do đó khi sử dụng Dark Mode sự khác biệt sẽ thể hiện rõ ràng hơn nếu có.
Quá trình thử nghiệm gồm: chạy một video 1080p lặp đi lặp lại nhiều lần, sau đó chạy benchmark trên nền web bằng Basemark.
Kết quả thử nghiệm cho thấy Dark Mode có mang lại sự khác biệt nhưng không đáng kể.
Kết quả thử nghiệm Dark Mode trên MacBook Air.
Thử nghiệm Dark Mode trên Zenbook.
Khi ở Dark Mode, thời gian phát video tăng khoảng 16 phút, tăng 2,5% so với chế độ giao diện màu sáng thông thường.
Trên lý thuyết, 16 phút tiết kiệm này có thể giúp ích cho bạn trong những tình huống khẩn cấp nhưng khả năng xảy ra tình huống như vậy là rất thấp. Còn trong quá trình sử dụng thường ngày, bạn sẽ không thể nhận ra được mức tăng nhỏ bé này.
Tại sao Dark Mode lại không hiệu quả trên laptop?
Trên lý thuyết, màn hình sáng hơn đòi hỏi nhiều năng lượng nhưng với điều kiện là mọi thứ khác đều như nhau. Nhưng trên thực tế thì "mọi thứ khác" không như nhau.
Với màn hình LCD, đèn nền sẽ lọc ánh sáng để tạo ra hình ảnh trước khi nó tới được mắt bạn. Từ khi thiết bị được bật lên, đèn nền này luôn sáng và quá trình lọc ánh sáng phát ra từ đèn nền sẽ chặn bớt một phần ánh sáng.
Đèn nền luôn phát sáng trong mọi tình huống kể cả khi máy được kích hoạt chế độ Dark Mode (màn hình tối). Khi đó, nó giống như bạn kéo rèm cửa sổ vậy, màn hình sẽ phải hướng ánh sáng đó sao cho có thể chặn phần lớn ánh sáng lại. Và các hãng sản xuất laptop thì lại có quá nhiều mánh khóe để giải quyết vấn đề này.
Tại Android Dev Summit 2018, Google đã xác nhận chế độ tối Dark Mode trên Android có thể giúp cải thiện thời lượng pin. Nhưng số liệu họ đưa ra lại dựa trên những điện thoại với màn hình OLED. Mỗi điểm ảnh trên màn hình AMOLED tự phát ra ánh sáng và khi không sử dụng nó có thể tự tắt đi. Điều này có nghĩa là trên các điện thoại màn hình OLED, chế độ Dark Mode sẽ giúp cải thiện thời lượng pin tốt.
Ở thời điểm hiện tại, laptop có màn hình AMOLED là rất hiếm nên những điều Google trình bày không thể áp dụng với hầu hết các PC. Google cũng từng tiến hành thử nghiệm để so sánh điện thoại Pixel với iPhone 7, vốn sử dụng màn hình LCD. Kết quả cho thấy, khi ở Dark Mode điện thoại của Apple không có sự khác biệt nào, còn điện thoại Pixel tiêu thụ năng lượng ít hơn so với chế độ bình thường.
Với laptop màn hình LCD cũng vậy, thời lượng pin khi ở chế độ Dark Mode hay chế độ giao diện sáng thông thường cũng không có sự khác biệt.
Tóm lại, trên một laptop với màn hình LCD, Dark Mode sẽ chẳng giúp cải thiện thời lượng pin vượt những giới hạn thông thường của nó. Nguyên nhân đơn giản là bởi đó không phải là cách nó hoạt động.
Điều này không có nghĩa là bạn không nên dùng Dark Mode. Dù trên cả Windows hay MacOS thì Dark Mode vẫn có những ưu điểm hấp dẫn như giúp mắt đỡ mỏi, giao diện đẹp hơn, huyền bí và hợp xu hướng hơn.