Tại sao các mẫu smartphone flagship lại ngày càng đắt đỏ?

Bạn có nhớ thời kỳ mà chỉ duy nhất những chiếc điện thoại được làm từ các vật liệu cao cấp như titan, mạ vàng, hay được gắn ruby và sapphire mới “được phép” bán giá trên 1000 đô la không? Vâng, nhờ Apple và Samsung, mà những ngày tháng “tươi đẹp” đó đã trôi vào dĩ vãng.

Giá bán khởi điểm 999 USD mà hai nhà sản xuất này đưa ra cho hai sản phẩm đầu bảng của mình là iPhone XS và Galaxy Note 9 đã nhấn nút mở đường cho sự gia tăng của các flagship smartphone vượt qua “ranh giới” 1000 USD vốn đã tồn tại như một sự phân định giữa điện thoại xa xỉ và điện thoại phổ thông. Các nhà sản xuất này rất khôn ngoan, họ tăng dung lượng lưu trữ cho thiết bị và lấy đó làm cớ để tăng giá bán. Ví dụ: Nếu bạn muốn sở hữu một chiếc iPhone XS có dung lượng lưu trữ 512GB, bạn sẽ phải trả 1.349 đô la - tức là thêm 35% so với giá khởi điểm. Ở Anh, chiếc điện thoại cao cấp này có giá 1.349 Bảng Anh và ở Úc là 2.199 đô la Úc, đấy là còn chưa nói đến chiếc iPhone XS Max thậm chí còn đắt hơn.

iPhone

Nhưng vấn đề không kết thúc ở đó. Việc các nhà sản xuất hàng đầu nâng giá bán flagship đã tạo ra một làn sóng mới về việc nâng giá sản phẩm ở các nhà sản xuất ít tên tuổi hơn như Google, Huawei và OnePlus… và dường như đang dần trở thành một xu thế.

Các mẫu điện thoại cao cấp không phải là sản phẩm duy nhất có sự gia tăng về giá bán. Ở phân khúc thấp hơn chúng ta cũng đã chứng kiến điều tương tự iPhone XR có giá cao hơn 7% so với iPhone 8 phiên bản cơ sở của năm ngoái và 15% so với iPhone 7. Trong khi đó, một sản phẩm ít tên tuổi hơn là OnePlus 6T cũng có giá bán tăng 3,8% so với model OnePlus 6 được phát hành sáu tháng trước và tăng tổng cộng 37,6% trong hai năm qua.

Thống kê dữ liệu từ 11 mẫu điện thoại đã được ra mắt trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018 cho thấy xu hướng gia tăng đều đặn trong giá bán của các smartphone cao cấp, và theo dự kiến của các chuyên gia, các thiết bị này sẽ tăng đến mức kỷ lục trong năm 2019 và nhiều năm sau đó. Apple chắc chắn đã áp dụng mô hình này cho những model khác nhau trong các dòng sản phẩm của mình, ví dụ như tăng giá trên iPad Pro và MacBook Air mới so với các mẫu trước đó và tạo ra sự dao động lớn giữa giá bán của phiên bản cơ sở và phiên bản sử dụng bộ nhớ lưu trữ cao hơn.

Đáng nói là ở chỗ sự tăng giá này không ảnh hưởng gì đến doanh số bán ra của các sản phẩm, mà thậm chí doanh số còn gia tăng trong một vài trường hợp. Vậy thì liệu chúng ta có phải chịu một phần trách nhiệm nào đó cho việc này?

Khi Apple phá vỡ “ranh giới đỏ” 1.000 đô la trên chiếc iPhone X vào năm 2017, các nhà phê bình đã không tiếc lời chế giễu mức giá cắt cổ của nó, nhưng để đáp trả, iPhone X đã nhanh chóng trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất của Apple, đặc biệt là chỉ trong chưa đầy một tháng đầu kể từ khi được mở bán vào ngày 3 tháng 11 năm 2017. Apple đã bán được khoảng 15 triệu chiếc iPhone X, bao gồm 6 triệu chiếc trong tuần lễ Black Friday. Đây thực sự là những con số làm “câm nín” các nhà phê bình. Và các nhà sản xuất khác cũng đi theo sự dẫn đầu của Apple, đặc biệt là Samsung.

iPhone XS

Xu hướng thiết bị cầm tay cao cấp có giá bán ngày càng đắt đỏ mà điển hình là smartphone đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thiết bị này như là một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của nhân loại ngày nay. Và khi sức mạnh xử lý, công nghệ camera, thời lượng pin và tốc độ truyền tải dữ liệu internet ngày càng được cải thiện rõ rệt từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì giá trị mà mọi người gắn vào chiếc điện thoại của mình chắc chắn sẽ tăng lên.

"Thậm chí người tiêu dùng còn sẵn sàng trả phí bảo hiểm cho điện thoại di động vì đây được cho là một trong những sản phẩm quan trọng nhất trong cuộc sống của họ", Ben Wood, nhà phân tích nghiên cứu của CCS Insight nhận định.

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Các thành phần quan trọng trên smartphone như bộ xử lý và camera cũng được cải tiến liên tục qua từng năm, và phần chi phí để thực hiện các nâng cấp này thì không hề rẻ chút nào. Số tiền mà các nhà sản xuất phải chi cho việc nghiên cứu và phát triển các vật liệu cũng như công nghệ mới được xếp vào loại sản phẩm cuối cùng. Và lạm phát cũng ảnh hưởng khá nhiều đến giá bán của smartphone bên cạnh các yếu tố về công nghệ.

Nhưng chi phí đầu tư cho R&D và lạm phát không nói lên toàn bộ câu chuyện về sự leo thang trong giá bán của điện thoại thông minh. Bằng cách tăng giá bán từ từ “theo lộ trình”, Apple, Samsung và các nhà sản xuất lớn khác trong ngành công nghiệp này đang tạo ra một phân khúc mới, được định nghĩa là cực kỳ cao cấp, có thể giúp họ thu về được nhiều lợi nhuận và danh tiếng hơn.

Vâng, đó là một sự tăng giá theo lộ trình

Galaxy S9

Không kể đến một vài ngoại lệ thì giá bán của các mẫu điện thoại đến từ các thương hiệu hàng đầu đang tăng đều đặn qua từng năm.

"Mặc dù xét về tổng thể trên tất cả các phân khúc, số lượng điện thoại thông minh bán ra có giảm nhẹ trong năm 2018, nhưng giá bán trung bình (ASP) sẽ đạt 345 USD, tức là tăng 10,3% so với mức 313 USD của năm 2017", nhà phân tích Anthony Scarsella của IDC tiết lộ trong một báo cáo tổng kết về thị trường smartphone. Ngoài ra, trong khi giá bán của các sản phẩm thuộc phân khúc cấp thấp hoặc tầm trung có xu hướng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ, thì ở phân khúc cao cấp lại có tự gia tăng đáng kể, dẫn đến sự tăng giá chung của toàn ngành. Và nếu so sánh với số liệu từ nhiều năm trước, chắc chắn bạn sẽ phải giật mình về mức tăng này.

Chẳng hạn, giá bán của các sản phẩm Apple đã tăng ở mức ổn định cho cả hai dòng iPhone và iPhone Plus/Max của họ, biến iPhone XS Max trở thành một vật phẩm xa xỉ.

Giá bán của các mẫu Galaxy S, S Plus và Note của Samsung cũng đang tăng lên một cách đều đặn. Ngay cả trước khi vụ nổ mang tên 1.000 USD của Galaxy Note 9 diễn ra, S9 Plus - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của iPhone 8 Plus và iPhone X năm ngoái cũng đã nhích dần về con số 1.000 USD rồi.

Note 9

Dưới đây là bảng so sánh giá bán của một số dòng điện thoại thông minh hàng đầu của các nhà sản xuất trong giai đoạn từ 2016 đến 2018 ở hai thị trường tiêu biểu là Mỹ và Anh, bạn có thể tham khảo.

Thị trường Mỹ:

2016 (giá khởi điểm)

2017 (giá khởi điểm)

2018 (giá khởi điểm)

% thay đổi trong giá bán cao nhất từ năm 2016 đến thời điểm hiện tại

iPhone (dòng rẻ nhất)

iPhone 7: 649 USD

iPhone 8: 699 USD

iPhone XR: 749 USD

15.4%

iPhone X

Chưa ra mắt

iPhone X: 999 USD

iPhone XS: 999 USD

0%

iPhone Plus/Max

iPhone 7 Plus: 769 USD

iPhone 8 Plus: 799 USD

iPhone XS Max: 1,099 USD

42.9%

Samsung Galaxy

Galaxy S7: 650 - 695 USD

Galaxy S8: 720 - 750 USD

Galaxy S9: 720 - 800 USD

15.1%

Samsung Galaxy Plus

S7 Edge: 750 - 795 USD

Galaxy S8 Plus: 785 - 850 USD

Galaxy S9 Plus: 840 - 930 USD

17%

Samsung Galaxy Note

Note 7: 834 - 880 USD

Note 8: 930 - 960 USD

Note 9: 1,000 USD

13.6%

OnePlus

OnePlus 3: 399 USD

OnePlus 5: 479 / OnePlus 5T: 499 USD

OnePlus 6: 529 / OnePlus 6T: 549 USD

37.6%

LG G series

LG G5: 576 - 689 USD

LG G6: 600 - 720 USD

LG G7: 750 - 790 USD

14.7%

LG V series

LG V20: 672 - 829 USD

LG V30: 800 - 912 USD

LG V40: 900 - 980 USD

18.2%

Google Pixel

Pixel: 649 USD

Pixel 2: 649 USD

Pixel 3: 799 USD

23.10%

Google Pixel Plus

Pixel XL: 769 USD

Pixel 2 XL: 849 USD

Pixel 3 XL: 899 USD

16.9%

Thị trường Anh:

2016 (giá khởi điểm)

2017 (giá khởi điểm)

2018 (giá khởi điểm)

% thay đổi trong giá bán cao nhất từ năm 2016 đến thời điểm hiện tại

iPhone (dòng rẻ nhất)

iPhone 7: 599 Bảng

iPhone 8: 699 Bảng

iPhone XR: 749 Bảng

25%

iPhone X

Chưa ra mắt

iPhone X: 999 Bảng

iPhone XS: 999 Bảng

0%

iPhone Plus/Max

iPhone 7 Plus: 719 Bảng

iPhone 8 Plus: 799 Bảng

iPhone XS Max: 1,099 Bảng

52.9%

Samsung Galaxy

Galaxy S7: 569 Bảng

Galaxy S8: 689 Bảng

Galaxy S9: 739 Bảng

29.9%

Samsung Galaxy Plus

S7 Edge: 639 Bảng

Galaxy S8 Plus: 779 Bảng

Galaxy S9 Plus: 869 Bảng

36%

Samsung Galaxy Note

Note 7: 700 Bảng

Note 8: 869 Bảng

Note 9: 899 Bảng

28%

OnePlus

OnePlus 3: 329 Bảng

OnePlus 5: 449 Bảng

OnePlus 6: 469 / OnePlus 6T: 499 Bảng

51.7%

LG G series

LG G5: 539 Bảng

LG G6: 649 Bảng

LG G7: 599 Bảng

11.1%

LG V series

Không mở bán

LG V30: 800 Bảng

Chưa mở bán

%

Google Pixel

Pixel: 599 Bảng

Pixel 2: 629 Bảng

Pixel 3: 739 Bảng

23.4%

Google Pixel Plus

Pixel XL: 719 Bảng

Pixel 2 XL: 799 Bảng

Pixel 3 XL: 869 Bảng

20.9%

Từ hai bảng thống kê trên, chúng ta thấy sự leo thang trong giá bán gây sốc nhất đến từ OnePlus. Các sản phẩm của nhà sản xuất này có giá tăng vọt sau mỗi thế hệ mới ra mắt. Lộ trình ra mắt sản phẩm của OnePlus hiện đang là hai biến thể mỗi năm: OnePlus 6 đã ra mắt vào tháng 6 với giá 529 đô la và OnePlus 6T ra mắt vào tháng 10 với giá 549 đô la. Ở phiên bản năm nay, OnePlus 6T có giá cao hơn 37,6% so với model đời 2016 tại Mỹ. Còn nếu bạn mua mẫu điện thoại này tại Anh, mức tăng thậm chí còn kinh khủng hơn, lên đến 51,7%.

Pixel 3 XL

"Khi sự phụ thuộc vào điện thoại thông minh đã tăng mạnh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, những yêu cầu về chất lượng và linh kiện trong toàn ngành cũng sẽ cần phải gia tăng để đáp ứng nhu cầu về hiệu năng của sản phẩm, do đó giá của sản phẩm cũng phải có sự điều chỉnh, và chúng tôi cho rằng điều này là hợp lý", đại diện của OnePlus cho biết.

Theo LG, "các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự gia tăng trong giá bán bao gồm chi phí linh kiện, giá cả của đối thủ cạnh tranh, ưu đãi của nhà mạng, thuế quan, v.v. Thực tế là, các chi phí đầu vào này đang tăng từng ngày nên chúng tôi buộc phải nâng giá bán thì mới có lợi nhuận", Gen Hong, giám đốc truyền thông toàn cầu của LG chia sẻ trong một email, và cho biết thêm về việc giới thiệu nhiều biến thể bên cạnh các mẫu chính như LG V35 sẽ có tác dụng tích cực trong việc hạ giá của model trước đó, trong trường hợp này là LG V30.

Điều thú vị là Pixel 2 và Pixel 2 XL lại có giá tương đương với Pixel và Pixel XL. Tuy nhiên, với Pixel 3, Google đã tăng giá của sản phẩm này lên 23%, mà không cần phải trang bị thêm phần cứng bổ sung như camera thứ hai ở mặt sau và thực hiện các thay đổi thiết kế tối thiểu. Phải chăng Google đã đẩy giá lên để “sánh vai” với đối thủ?

Tuy nhiên chi phí sản xuất điện thoại bây giờ cũng đắt hơn?

LG V40

Điện thoại, giống như tất cả các thiết bị điện tử khác, là sự tổng hợp của các bộ phận có nguồn gốc từ các nhà cung cấp khác nhau và nếu chi phí của các bộ phận đó tăng lên, chắc chắn là giá bán của sản phẩm cuối cùng cũng sẽ phải tăng theo.

Nhu cầu lưu trữ nhiều hơn trong vài năm qua đã khiến các nhà sản xuất phải trang bị cho sản phẩm của họ nhiều ROM hơn, đẩy chi phí đầu tư cho bộ nhớ lên theo và khiến các nhà cung cấp phải đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà máy, dây chuyền hơn để đáp ứng nhu cầu.

Trang bị thêm các gói phần cứng tinh vi hơn như camera mặt trước cảm biến chiều sâu 3D của iPhone XS hoặc nhiều ống kính hơn, như ba camera sau của Huawei Mate 20 Pro, hay việc sử dụng các vật liệu như thủy tinh hoặc gốm và các kỹ nghệ gia công cao cấp cũng sẽ khiến thiết bị có giá bán cao hơn.

Với các công ty như Samsung, LG… số tiền để xây dựng một quy trình sản xuất hoàn toàn mới cho các yếu tố như kính cong và màn hình OLED dẻo cũng cực kỳ tốn kém, họ buộc phải nâng giá bán để bù lại chi phí đầu tư ban đầu này.

Sau tất cả, việc nâng cấp sản sản phẩm và tăng giá bán là hoàn toàn hợp lý, chúng ta phải công nhận điều đó. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là liệu mức tăng mà các nhà sản xuất đưa ra có hợp lý? Hay họ chỉ đang cố gắng “vin” vào cái cớ nâng cấp phần cứng để hợp thức hóa cho sự leo thang chóng mặt trong giá bán của sản phẩm. Ví dụ như trường hợp của Oneplus 6T như đã nói ở trên. Tôi không nghĩ rằng chi phí nâng cấp phần cứng, tính năng phần mềm, lạm phát hay các yếu tố liên quan khác có thể khiến cho giá bán của sản phẩm này tăng gần như gấp đôi chỉ sau hai năm!

Giá trần nên ở mức nào?

Vậy thì giá trần của các sản phẩm này nên ở mức nào?

Điện thoại 1.000 đô la của Apple và Samsung rõ ràng chỉ là bước khởi đầu cho sự gia tăng mạnh mẽ hơn của giá bán smartphone trong tương lai, và các nhà phân tích nghĩ rằng với thực tế nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh như hiện nay, người mua cuối cùng sẽ phải nhượng bộ và xem đó là điều hiển nhiên.

Apple tiếp tục phá vỡ mọi quy tắc khi nói đến giá bán của các sản phẩm điện tử tiêu dùng, các sản phẩm của họ tăng giá qua từng năm. Sự tăng giá này đến vào thời điểm mà các đối thủ của họ như Samsung đang phải chịu áp lực rất lớn, đồng thời cũng khiến cho người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm của nhà Táo nằm ở đẳng cấp thực sự khác biệt so với phần còn lại.

Với giá bán của iPhone XS, Galaxy Note 9 như hiện nay, các nhà sản xuất khác có lý do để làm theo. Ngay cả các mẫu máy tầm trung (iPhone XR và OnePlus 6T) hoàn toàn có thể tạo vỏ bọc cho việc tăng giá của mình. Ví dụ, OnePlus 6T với 549 đô la vẫn chỉ có giá bằng gần một nửa so với số tiền bạn bỏ ra cho iPhone XS, một giá trị tương đối mà nhiều người thấy “dễ nuốt” cho một chiếc điện thoại "rẻ hơn" với các bộ phận phần cứng cao cấp.

"Khi Apple công bố iPhone X với giá một ngàn đô la... gần như toàn bộ ngành công nghiệp smartphone ủng hộ họ. Bởi điều này đã tạo ra cho tất cả các nhà sản xuất khác một chút không gian “thở” và tôi có thể tưởng tượng rằng có những cái mỉm cười tán thành của Samsung và Huawei và những tên tuổi khác. Đơn giản là ở thời điểm hiện tại, chỉ có Apple mới là người dám đi tiên phong trong việc nâng giá bán”, một chuyên gia phân tích thị trường nhận định.

Nói cách khác, trong khi Apple có thể bỏ túi nhiều lợi nhuận nhất, sự tăng giá táo bạo của iPhone X cũng giúp các đối thủ kiếm được nhiều tiền hơn trên mỗi sản phẩm.

Đừng lo lắng, điện thoại tầm trung ngày càng có giá bán phải chăng hơn

Moto G6

Mức giá bán cao trong phân khúc flagship không có nghĩa là giá chung của mỗi chiếc điện thoại được bán ra trên thị trường đều sẽ tăng.

Trong năm 2018 vừa qua, chúng ta tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc trung và thấp, nơi các model như dòng Motorola Moto G6 và E5 trở thành các thiết bị cầm tay có giá bán tuyệt vời với mức tương đương mỗi năm lần lượt là 250 USD, 219 Bảng hoặc 399 USD (trong trường hợp của Moto G6).

Thương hiệu Honor của Huawei cũng là cái tên rất đáng chú ý với các thiết bị thuộc phân khúc tầm trung, tầm thấp, cân bằng rất tốt giữa giá trị và giá thành khi sử dụng các thiết kế và tính năng phổ biến, như bezels mỏng và camera kép, chế độ chân dung… đây là những tính năng mà mọi người đều khao khát. Xiaomi, Nokia, Oppo, Asus và các thương hiệu khác cũng giúp lấp đầy khoảng trống trong giá bán trong thế giới smartphone bằng cách lặng lẽ tạo ra những chiếc điện thoại cơ bản, giá cả phải chăng cho những người không muốn chi quá nhiều cho một chiếc điện thoại, trong khi vẫn có cấu hình rất ổn.

Vì vậy, trong khi các thiết bị mạnh nhất, tốt nhất, đẹp nhất vẫn đang “dắt tay” nhau sải bước trên những nấc thang mới trong giá bán, thì vẫn có một sự “đồng cam cộng khổ” trong phân khúc điện thoại tầm trung và cấp thấp, nhắm vào những người có ngân sách eo hẹp hơn hoặc có nhu cầu cơ bản hơn.

Nếu một chiếc điện thoại 1.000 đô la nghe có vẻ thái quá, bạn có thể cần tìm vẻ đẹp trong một chiếc điện thoại khiêm tốn hơn, hoặc là cố vượt qua cú sốc trong giá bán và chấp nhận rằng thời của một chiếc điện thoại hàng đầu có 600 đô la đã chỉ còn là “hư vô”.

Bạn nghĩ sao về vấn đề này? Hãy để lại cho chúng tôi nhận xét ở phần bình luận bên dưới nhé. Chúc các bạn tìm mua được cho mình một chiếc smartphone phù hợp nhất.

Xem thêm:

Thứ Tư, 02/01/2019 10:54
52 👨 386
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ