Sử dụng ví điện tử hiệu quả

Song song với các loại thẻ tín dụng, ví điện tử cũng đang thu hút nhiều người sử dụng nhờ có thể thích ứng khá nhiều giao dịch thương mại điện tử hoặc thanh toán hóa đơn qua mạng.

Ví điện tử là một tài khoản, giống như "ví tiền" trên Internet, giúp người dùng có thể thanh toán các khoản phí hoặc giao dịch qua mạng xa lộ thông tin này. Ví dụ, người sử dụng ví có thể dùng nó để chi trả khi mua sắm, sử dụng dịch vụ hay thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, nạp tiền điện thoại, mua hàng trên mạng, trả phí cho các dịch vụ ebook…

Trên thế giới, hình thức ví điện tử ra đời đã lâu và khá phổ biến với những tên tuổi như PayPal, WebMoney, Moneybookers… Còn tại Việt Nam, tuy ra đời sau nhưng cũng có nhiều đơn vị tham gia phát triển hình thức thanh toán này và hầu hết các sản phẩm đều đã kết nối, hay nói cách khác được chấp nhận thanh toán ở nhiều trang web bán hàng khác nhau, cũng như thanh toán được các hóa đơn dịch vụ cố định hằng tháng cho người dùng.

Sử dụng ví điện tử hiệu quả
Ví điện tử là kênh thanh toán online tiện lợi hơn sử dụng tiền mặt - (Ảnh: Diệp Đức minh)

Chọn ví “chính chủ”

Giống như mặt trái của thẻ tín dụng, nếu không cẩn thận khi dùng ví điện tử, người dùng cũng có thể bị mất tiền. Tuy vậy, thường chỉ khi cần giao dịch người sử dụng mới chuyển vào ví một số tiền nhất định (giống như bỏ tiền vào ví trước khi đi mua hàng) chứ không để tất cả tiền của mình vào tài khoản như thẻ tín dụng, nên có thể giảm thiểu số tiền bị mất khi xảy ra rủi ro.

Người sử dụng ví điện tử nên chọn nhà cung cấp dịch vụ “chính chủ”, được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để đảm bảo khả năng thanh khoản cũng như tính bảo mật; cung cấp thông tin cá nhân chính xác trong quá trình tạo tài khoản để các nhà cung cấp dịch vụ có thể hỗ trợ và chăm sóc một cách tốt nhất. Đồng thời, người dùng ví cần tránh việc chia sẻ mật khẩu hoặc sử dụng chung tài khoản; hạn chế các giao dịch qua tài khoản điện tử tại các hệ thống máy tính công cộng; đăng xuất khỏi tài khoản điện tử sau mỗi lần sử dụng... Ngoài ra, nên kiểm tra và lưu giữ thông tin về trạng thái các giao dịch đã thực hiện cũng như thường xuyên theo dõi tin tức, thông báo của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán để biết các quy định hoặc yêu cầu mới liên quan đến loại ví điện tử mình đang sử dụng…

Phó phòng marketing một đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử khá uy tín ở Việt Nam cho rằng, khi mua hàng trên mạng, người dùng ví điện tử nên chọn hình thức có bên trung gian thứ ba (tạm giữ tiền) để đảm bảo nhận được hàng hóa đúng mô tả (sau đó bên bán mới nhận được tiền), tránh tình trạng bị lừa kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” đang khá phổ biến trong việc bán hàng qua mạng hiện nay.

Xem kỹ quy định phí

Hiện các loại ví điện tử không thu phí thường niên như các loại thẻ tín dụng và hầu hết cũng không mất phí khi thanh toán đối với người mua. Tuy nhiên, việc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví điện tử có mất phí hay không tùy thuộc ngân hàng nơi có tài khoản của người dùng. Mức phí nạp tiền hiện đang dao động từ 0,5% - 1,65%. Riêng phí nạp tiền vào ví điện tử từ các loại thẻ tín dụng quốc tế khá cao, có thể lên đến 3% số tiền nạp.

Bên cạnh đó, mức phí rút tiền ngược lại từ ví điện tử sang tài khoản ngân hàng tùy thuộc vào các ví điện tử khác nhau. Có nhà phát hành ví điện tử ấn định cụ thể số tiền phí mỗi lần giao dịch, một số nhà phát hành khác lại tính theo tỷ lệ phần trăm số tiền giao dịch, hoặc tính theo mức phí chuyển khoản của các ngân hàng nơi giao dịch... Nhìn chung khi sử dụng, nên đọc kỹ biểu phí và các quy định của từng loại ví trước khi đăng ký sử dụng để có sự chọn lựa phù hợp cho mình.

Thứ Hai, 27/05/2013 11:38
31 👨 442
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp