Quân đội Hàn Quốc đã phát triển thành công và sẽ sớm đưa vào thử nghiệm một loại robot tự hành hoạt động dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nhận dạng hài cốt của những người lính đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên cách đây hàng chục năm (1950-1953).
Các cuộc khai quật và thử nghiệm robot sẽ diễn ra tại Arrowhead Ridge, một chiến trường cũ bên trong khu phi quân sự (DMZ) hiện được coi là biểu tượng ranh giới chia đôi Bán đảo Triều Tiên.
Mẫu robot này sở hữu hình dáng và cơ chế hoạt động tương tự như những chiếc máy bay không người lái (drone), sử dụng AI để quét dưới lòng đất nhằm tìm kiếm hài cốt và các di vật trên bề mặt cũng như dưới lòng đất ở những chiến trường cũ có địa hình đồi núi hiểm trở.
Quân đội Hàn Quốc đặt ra nhiệm vụ tìm kiếm và thu thập trên 500 bộ hài cốt mỗi năm, cùng với đó là 125.000 mẫu gen di truyền từ các gia đình liệt sĩ để phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt. Tính hiệu quả của mẫu robot này trong triển khai thực tế sẽ có tác động rất lớn đến sự thành - bại của nhiệm vụ trên.
Đến nay, Hàn Quốc mới chỉ thu thập được khoảng 50.000 mẫu gen di truyền cần thiết để xác định danh tính hài cốt - quá ít so với con số 135.000 binh sĩ đã tử trận hoặc mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên.
Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, mẫu robot mới của Quân đội Hàn Quốc cũng sẽ được triển khai để phát hiện vật liệu nổ, vô hiệu hóa mìn, dây thép gai còn sót lại trên tuyến biên giới dài 248 km giữa 2 miền Triều Tiên, vốn có địa hình hết sức phức tạp.
Việc ứng dụng AI trong công tác quân sự và giải quyết hậu quả chiến tranh đang được triển khai ngày càng phổ biến. Mới đây, một hệ thống AI cũng đã được triển khai nhằm hỗ trợ tìm kiếm, khắc phục hậu quả bom mìn chưa phát nổ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh tại một số khu vực thuộc Campuchia nằm giáp ranh với Việt Nam, mở ra hướng đi mới, hiệu quả hơn cho công cuộc rà phá bom mìn ở những khu vực ô nhiễm vật liệu nổ trên toàn thế giới.