Mặc kệ lo ngại từ giới thiên văn học, SpaceX phóng thêm 60 vệ tinh internet Starlink vào không gian

SpaceX đã phóng một loạt 60 vệ tinh internet Starlink vào quỹ đạo trái đất tối 7/1 vừa qua, đánh dấu sự trở lại của dự án phát triển mạng lưới Starlink trong năm 2020.

Starlink là sáng kiến của nhà sáng lập tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX, tỷ phú Elon Musk, liên quan đến việc thiết lập một mạng lưới Internet không dây tốc độ cao toàn cầu với sự kết hợp của gần 12.000 vệ tinh phát tín hiệu từ bên ngoài vũ trụ (nhiều hơn 6 lần số tàu vũ trụ đang hoạt động ngoài không gian). Ý tưởng ở đây là cung cấp phạm vi phủ sóng ổn định cho các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở, nơi mà việc thiết lập các đường dây cáp quang sẽ cực kỳ khó khăn và đắt đỏ. Đồng thời mang đến một tùy chọn dịch vụ kết nối internet linh hoạt hơn cho người dùng bất kể họ đi tới đâu.

Theo kế hoạch, SpaceX đã phóng tổng cộng 60 vệ tinh thử nghiệm vào không gian cách Trái Đất 440km bằng tên lửa Falcon 9 ở giai đoạn đầu, trong đó 57/60 thiết lập được kết nối với các trạm điều khiển mặt đất. Ở lần phóng tiếp theo này, SpaceX đã gửi thêm 60 vệ tinh Starlink nữa vào quỹ đạo trái đất tầm thấp. Không những vậy, Elon Musk còn có kế hoạch phóng mỗi lần một loạt 60 vệ tinh Starlink cứ sau 2-3 tuần trong suốt 12 tháng tới, một tỷ lệ dự kiến sẽ tạo ra diện tích phủ sóng đủ để cung cấp mạng lưới băng thông rộng toàn cầu vào giữa năm nay.

Các vệ tinh này sẽ bay trên một quỹ đạo tương đối thấp phía trên bầu khí quyển, và phủ sóng internet xuống mặt đất bên dưới, cung cấp dịch vụ cho tất cả các khu vực trên toàn thế giới.

Mạng lưới Starlink

Tuy nhiên ý tưởng tưởng chừng như hoàn hảo này của Elon Musk đang vấp phải nhiều ký kiến phản đối. Bên cạnh những quan ngại về khả năng làm mất cân bằng kinh tế mạng toàn cầu. Còn có mối lo khác đáng quan tâm hơn về việc những mảnh vỡ của các vệ tinh này có thể trở thành lượng rác thải khó chịu trong không gian, tăng nguy cơ xảy ra các vụ va chạm vệ tinh cũng như gây ảnh hưởng đến những kế hoạch tương tai.

Ngoài ra, do trên mỗi vệ tinh Starlink đều được trang bị một lớp phủ đặc biệt nhằm bảo vệ thiết bị trước bức xạ độc hại từ mặt trời, sự phản chiếu ánh sáng trên quy mô lớn này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến khả năng quan sát không gian sâu của các nhà khoa học vũ trụ, cũng như những bức ảnh chụp của kính viễn vọng. Nghiêm trọng hơn, mạng lưới vệ tinh toàn cầu này được cho là sẽ cản trở bước sóng vô tuyến được sử dụng trong quá trình làm việc liên quan đến không gian của các cơ quan hàng không vũ trụ toàn cầu.

Gwynne Shotwell, chủ tịch và giám đốc điều hành của SpaceX, cho biết gần đây, công ty đang tích cực làm việc với các nhà thiên văn học để tìm ra giải pháp cho toàn bộ vấn đề trên, hứa sẽ tiến hành những thử nghiệm cần thiết và tìm ra cách tốt nhất để trung hòa lợi ích của tất cả các bên.

Thứ Sáu, 24/01/2020 17:46
31 👨 784
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ