Đã hơn một tháng kể từ khi SpaceX phóng thành công 60 vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo trái đất nhằm hiện thực hóa sáng kiến Starlink khổng lồ của công ty, và gần như tất cả các vệ tinh đều đã hoạt động như dự tính, chỉ trừ 3 trường hợp chưa thể khẳng định bởi cho đến nay, SpaceX vẫn không thể thiết lập kết nối tới những vệ tinh này.
Nếu bạn chưa biết thì Starlink là sáng kiến của nhà sáng lập tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX, tỷ phú Elon Musk, liên quan đến việc thiết lập một mạng lưới Internet không dây tốc độ cao toàn cầu với sự kết hợp của gần 12.000 vệ tinh phát tín hiệu từ bên ngoài vũ trụ (nhiều hơn 6 lần số tàu vũ trụ đang hoạt động ngoài không gian). Theo kế hoạch đã đề ra, Starlink sẽ giúp tạo ra một loại hình kết nối mạng không dây mới trên Trái đất, có tốc độ nhanh hơn 50% so với hệ thống cáp quang hiện nay. Trong giai đoạn đầu tiên, SpaceX đã phóng thành công 60 vệ tinh thử nghiệm vào không gian cách Trái Đất 440km bằng tên lửa Falcon 9. Mỗi vệ tinh này nặng khoảng 227kg.
Vệ tinh Starlink trong không gian
SpaceX đã lên kế hoạch để liên lạc với tất cả 60 vệ tinh sau khi chúng được đưa thành công lên quỹ đạo, tuy nhiên tính đến nay, đã gần 40 ngày trôi qua họ mới chỉ kết nối được với 57 vệ tinh. Nếu trong vài ngày tới 3 vệ tinh còn lại vẫn “bặt vô âm tín”, có thể khẳng định chúng đã gặp trục trặc và không thể tiếp tục nhiệm vụ. 3 vệ tinh này sẽ vẫn tiếp tục bay quanh Trái đất trong một thời gian, nhưng cuối cùng sẽ bị kéo xuống hành tinh của chúng ta do tác động của lực hấp dẫn và được “hóa vàng” ngay trong bầu khí quyển.
Tin tốt là 57 vệ tinh còn lại đã hoạt động theo đúng kế hoạch. Theo thông báo của SpaceX, 45 vệ tinh Starlink đã tăng độ cao thành công với sự hỗ trợ từ động cơ đẩy trên khoang chính, đồng thời đạt đến quỹ đạo chính thức theo mong muốn của các nhà khoa học là 550km so với mặt đất. 5 vệ tinh khác vẫn đang trong quá trình nâng quỹ đạo bay, 5 vệ tinh nữa đang trải qua các công đoạn kiểm tra hệ thống bổ sung trước khi hoàn thành quá trình nâng quỹ đạo. Đối với 2 vệ tinh còn lại, SpaceX cố tình vô hiệu quá các động cơ đẩy trên khoang chính của chúng nhằm mục đích cho 2 vệ tinh này va chạm trực tiếp vào bầu khí quyển Trái đất. Tất nhiên việc này không phải để cho vui, SpaceX muốn thử nghiệm quá trình “khử quỹ đạo” đối với vệ tinh Starlink - một thử nghiệm khá tốn kém, nhưng cần thiết.
Như vậy, trong số 60 vệ tinh Starlink được phóng lên không gian, 5 trong số đó nhiều khả năng sẽ “an nghỉ” ngay trong khí quyển của Trái đất. Theo thông báo của SpaceX, do đặc trưng thiết kế và vị trí trong quỹ đạo thấp, tất cả 5 vệ tinh (3 mất liên lạc và 2 khử hấp thụ) sẽ tan rã khi chúng đi vào bầu khí quyển Trái đất, nhằm chứng minh cho cam kết của SpaceX về một môi trường không gian sạch sẽ, không có “rác thải vũ trụ”, cũng như để đảm bảo an toàn cho các khu vực dưới mặt đất.
12.000 vệ tinh Starlink sẽ phủ sóng toàn bộ Trái đất
Như đã nói, 60 vệ tinh này (được phóng vào ngày 23 tháng 5) chỉ là những chiếc đầu tiên trong tổng số gần 12.000 vệ tinh Starlink mà SpaceX dự định sẽ đưa vào quỹ đạo và bay quanh Trái đất. Công ty đã nhận được cái gật đầu của Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ cho kế hoạch phóng một lô 4.409 vệ tinh ở giai đoạn 2 của chương trình. Ở giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng và cũng là lớn nhất, sẽ có 7.518 vệ tinh Starlink được đưa lên không gian.
12.000 vệ tinh này sẽ bay trên một quỹ đạo tương đối thấp phía trên bầu khí quyển, và phủ sóng internet xuống mặt đất bên dưới, cung cấp dịch vụ cho tất cả các khu vực trên toàn thế giới. Ý tưởng ở đây đó là cung cấp phạm vi phủ sóng ổn định cho các vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở, nơi mà việc thiết lập các đường dây cáp quang sẽ cực kỳ khó khăn và đắt đỏ. Đồng thời SpaceX cũng muốn cung cấp một tùy chọn dịch vụ kết nối internet linh hoạt hơn cho người dùng bất kể họ đi tới đâu, đặc biệt là những khu vực ngoài vùng phủ sóng của các nhà mạng.
Công ty sẽ sớm bắt đầu sử dụng “chòm sao Starlink” non trẻ của mình để truyền phát nội dung video và chơi game băng thông cao để thử nghiệm xem độ trễ dịch vụ là bao nhiêu. Tuy nhiên SpaceX cho biết họ sẽ chỉnh sửa đôi chút về mặt thiết kế cũng như trang bị cho các vệ tinh ở giai đoạn 2, dựa trên kết quả thu được từ lần phóng vừa qua. “Cho đến nay, chúng tôi hài lòng với hiệu suất của các vệ tinh, SpaceX sẽ tiếp tục đẩy mạnh khả năng hoạt động của Starlink để thu về những kết quả khả quan hơn nữa trong tương lai” đại diện SpaceX cho biết trong một tuyên bố.
Việc 3 trong số 60 vệ tinh Starlink của SpaceX mất tín hiệu có thể gây ra nhiều lo mối ngại hơn trong cộng đồng nghiên cứu vũ trụ. Một số chuyên gia đã lo lắng về việc những mảnh vỡ của các vệ tinh này có thể trở thành lượng rác thải khó chịu trong không gian, gây ảnh hưởng đến những kế hoạch tương tai. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Vũ trụ châu Âu. hiện tại có khoảng 2.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo quanh Trái đất, và sau khi dự án Starlink hoàn thành con số này sẽ lên tới gần 14.000.
Sau khi dự án Starlink hoàn tất, sẽ có gần 14.000 vệ tinh hoạt động trong không gian
Việc số lượng vệ tinh trong quỹ đạo trái đất gia tăng đột ngột với số lượng lớn như vậy hoàn toàn có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ va chạm vệ tinh trong không gian, từ đó không chỉ gây thiệt hại về tiền của, mà còn tạo ra nhiều mảnh vỡ trôi nổi trong không gian, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các tàu vũ trụ và vệ tinh khác đang làm nhiệm vụ.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi NASA đã lập luận rằng 99% trong số các vệ tinh đang làm việc trong không gian cần phải được đưa ra khỏi quỹ đạo Trái đất trong vòng tối đa 5 năm để đảm bảo nguy cơ xảy ra va chạm trong không gian thấp luôn được giữ ở mức an toàn. Tuy nhiên vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ nếu không thể liên lạc với vệ tinh, sẽ không có cách nào để điều khiển và đưa vệ tinh đó ra khỏi quỹ đạo Trái đất.
Tuy nhiên, SpaceX cho biết họ đã thực hiện nhiều thay đổi về mặt thiết kế, hệ thống và vật liệu để đảm bảo rằng các vệ tinh của họ không gây “ô nhiễm không gian”. Giám đốc điều hành của SpaceX, Elon Musk, cho biết hệ thống quản lý của Starlink trực tiếp sử dụng dữ liệu từ Không quân Hoa Kỳ nhằm xác định chính xác vị trí và hành trình bay của các vệ tinh khác trong không gian, từ đó giúp hạn chế đến mức tối đa khả năng xảy ra va chạm trên không gian. Đồng thời vào tháng Tư vừa qua, đề nghị của SpaceX về việc cho 60 vệ tinh Starlink trong giai đoạn 1 bay ở gần Trái đất hơn đã được FCC chấp thuận. Như vậy, các vệ tinh này sẽ bị kéo xuống dưới và rơi ra khỏi quỹ đạo nhanh hơn, cũng như tránh va chạm với các vệ tinh khác hoạt động ở tầng cao hơn.
Các mảnh ở vệ tinh trong không gian là một loại rác thải nguy hiểm
Dự án Starlink của SpaceX cũng nhận được sự quan tâm khá lớn từ các chuyên gia thiên văn học. Các nhà thiên văn học chuyên nghiên cứu ánh sáng và vô tuyến đã bày tỏ mối lo ngại về cách thức “chòm sao Starlink” có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động quan sát vũ trụ.
Khi 60 vệ tinh Starlink đầu tiên được phóng lên, chúng trở nên sáng hơn nhiều trên bầu trời so với dự đoán ban đầu, và các nhà khoa học cảnh báo rằng ánh sáng phản chiếu từ những phương tiện này có thể ảnh hưởng đến tầm quan sát cũng như những bức ảnh chụp của kính viễn vọng. Bên cạnh đó, các nhà thiên văn vô tuyến cũng nghi ngại rằng tần số phát sóng mà các vệ tinh này hoạt động có thể vượt qua tần số mà họ đang sử dụng để nghiên cứu các vật thể ở xa trong không gian. Về vấn đề này, SpaceX cho biết họ đã làm việc chặt chẽ với các nhóm thiên văn học hàng đầu thế giới để tìm ra phương pháp giảm thiểu mọi tác động tiềm tàng của Starlink đối với ngành nghiên cứu khoa học vũ trụ.
Số lượng vệ tinh Starlink dày đặc có thể ảnh hưởng đến tầm quan sát của kính viễn vọng
Hiện vẫn chưa rõ khi nào giai đoạn 2 của dự án Starlink với sự góp mặt của 4.409 vệ tinh sẽ diễn ra. Elon Musk cho biết công ty của ông sẽ tiếp tục phóng hàng loạt 60 vệ tinh cùng một lúc, với mục tiêu đưa từ 1.000 đến 2.000 vệ tinh lên không gian mỗi năm. Theo tính toán của các chuyên gia SpaceX, sẽ phải mất ít nhất 24 lần phóng để có thể đưa được toàn bộ 12.000 vệ tinh Starlink lên không gian cũng như đạt được phạm vi phủ sóng internet toàn cầu.