“Đại gia” công nghệ Hàn Quốc Samsung tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu danh sách 1.000 thương hiệu được ưa thích nhất tại châu Á theo kết quả cuộc thăm dò thường niên do hãng tư vấn Nielsen tiến hành.
Hãng tin CNBC cho biết, năm nay là năm thứ 2 liên tiếp Samsung đứng ở vị trí này, thể hiện ưu thế trước những đối thủ nặng ký như Apple. Đây là kết quả của cuộc thăm dò Asia’s Top 1.000 Brands do Nielsen thực hiện phối hợp với công ty nghiên cứu Campaign Asia-Pacific. Cuộc thăm dò được tiến hành tại 12 thị trường chủ chốt trong khu vực.
Kết quả cuộc thăm dò cho thấy, năm nay mức độ được ưa thích của Samsung thậm chí còn tăng cao hơn năm ngoái, năm đầu tiên mà hãng này chiếm vị trí quán quân của Asia’s Top 1000 Brands.
“Samsung giành ngôi vị số 1 tại 8 trong số 12 thị trường, bao gồm Singapore, Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan và Indonesia”, báo cáo của Nielsen và Campaign Asia-Pacific cho biết. “Năm ngoái, Samsung là thương hiệu dẫn đầu tại 5 thị trường, bao gồm Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan và Indonesia”.
Samsung, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã thành công trong việc gia tăng sức hút thương hiệu đối với người tiêu dùng châu Á trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. Năm 2004, Samsung xếp ở vị trí thứ 17 trong cuộc thăm dò của Nielsen và kể từ đó liên tục thăng hạng lên vị trí thứ nhất vào năm ngoái, soán ngôi của thương hiệu Sony.
“Kỳ phùng địch thủ” của Samsung, hãng Apple về nhì trong cuộc thăm dò này. “Quả táo” là thương hiệu được ưa thích nhất tại Nhật Bản và Australia. Ba thương hiệu còn lại trong top 5 bao gồm Sony và Panasonic của Nhật, cùng Nestle của Thụy Sỹ.
Tuy được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, Samsung gần đây gây ít nhiều thất vọng cho các nhà đầu tư. Hôm thứ Sáu tuần trước, giá cổ phiếu của Samsung giảm khoảng 4% sau khi ước tính lợi nhuận quý 2 mà hãng này đưa ra đạt mức cao kỷ lục nhưng không đáp ứng được kỳ vọng của giới phân tích.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá cổ phiếu của Samsung giảm thêm hơn 3%. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của hãng này đã hạ khoảng 20%.
Cũng giống như các đối thủ khác, Samsung đang chịu ảnh hưởng bất lợi từ những lo ngại liên quan tới triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh doanh số thị trường điện thoại thông minh tăng chậm lại và tỷ suất lợi nhuận co hẹp.
Mặc dù vậy, Samsung vẫn không ngừng nỗ lực để chiếm cảm tình của người tiêu dùng. Năm ngoái, hãng đã chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo so với chi nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây là năm đầu tiên trong ít nhất 3 năm, chi quảng cáo của Samsung vượt chi R&D.
Trong cuộc thăm dò của Campaign Asia-Pacific và Nielsen, các thương hiệu điện tử tiêu dùng tiếp tục là những thương hiệu thống trị tại thị trường châu Á. Tại 6/12 thị trường được thăm dò, các thương hiệu điện tử tiêu dùng chiếm 3 vị trí đầu bảng.