Hiện tại, Microsoft đang áp dụng chính sách phát hành hai bản cập nhật tính năng lớn mỗi năm cho nền tảng Windows 10, thường là vào khoảng tháng 4,5 (mùa xuân) và tháng 10,11 (mùa thu). Công ty Redmond cho rằng cách làm này giúp Windows luôn duy duy trì được sự mới mẻ cũng như mang đến trải nghiệm tối ưu nhất cho người dùng. Tuy nhiên kết quả thực tế liệu có được như mong muốn của Microsoft?
Để tìm câu trả lời, Susan Bradley, nhà tư vấn bảo mật và mạng máy tính nổi tiếng, đã tiến hành một khảo sát nhỏ với gần 500 chuyên gia IT, bao gồm những người đứng đầu đội ngũ CNTT của doanh nghiệp, cũng như các cá nhân chịu trách nhiệm bảo trì nền tảng Windows trên hệ thống máy tính thuộc các cơ quan, tổ chức, về quan điểm của họ với chính sách phát hành hai bản cập nhật tính năng lớn/năm mà Microsoft đang áp dụng đối với Windows, cũng như chất lượng của các bản cập nhật này.
Kết quả khá bất ngờ, khoảng 58% trong số gần 500 chuyên gia tham gia khảo sát cho rằng chính sách trên của Microsoft là: “Không hữu ích” (24%) hoặc “Hiếm khi hữu ích” (34%).
Chỉ 20% số người được hỏi cho rằng chính sách phát hành hai bản nâng cấp lớn mỗi năm là hữu ích trong một số trường hợp. Trong khi khoảng 22% chọn đưa ra câu trả lời “trung lập”, cho rằng cách làm của Microsoft là hữu ích hoặc không hữu ích tùy từng phiên bản cụ thể.
Trước đó vào năm 2018, Susan Bradley cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát tương tự. Kết quả của cuộc khảo sát này thậm chí còn tệ hơn với Microsoft khi có tới gần 70% số người được hỏi cho biết các bản nâng cấp tính năng của Windows 10 là không hữu ích (35%) hoặc hiếm khi hữu ích (34,5%). Khoảng 12% nói các bản cập nhật này có hữu ích ở một mức độ nào đó, trong khi 18% còn lại đưa ra câu trả lời trung lập.
Như vậy sau 2 năm, số người “có định kiến” với chính sách cập nhật Windows 10 của Microsoft đã giảm đáng kể, lên tới 12%. Tuy nhiên, số chuyên gia cho rằng các bản cập nhật Windows 10 của Microsoft hữu ích cũng đã giảm 8%.
Ngay cả với những cải tiến lớn mà bản cập nhật May 2020 Update (20H1) vừa phát hành đem lại, phần lớn các chuyên gia CNTT vẫn không tin rằng các bản nâng cấp tính năng này mang lại giá trị cốt lõi đáng kể. (Chỉ 4% trong số những người được khảo sát đồng ý rằng các bản nâng cấp Windows 10 là cực kỳ hữu ích). Điều này có phần trái ngược với mục tiêu của Microsoft trong chính sách phát hành các bản nâng cấp tính năng, vốn là nền tảng của kế hoạch Windows-as-a-service (WaaS) đầy tham vọng.
Để lấy lại niềm tin của người người dùng, có lẽ không còn cách nào khác ngoài việc Microsoft buộc phải cải thiện hơn nữa chất lượng của từng bản cập nhật.
Vấn đề này chúng ta cũng đã từng đề cập đến từ năm 2018, trong bài viết: Windows không phải một dịch vụ, nó chỉ là một hệ điều hành, đừng cập nhật nhiều quá như thế chứ!