Ngày lễ tình nhân năm 2046 có thể đáng nhớ vì một số lý do. Bạn không chỉ có thể nhận được một tấm thiệp đáng yêu từ vợ, người yêu hoặc một “fan hâm mộ” chưa rõ danh tính nào đó, mà còn có cơ hội chứng kiến khoảnh khắc một tiểu hành tinh lớn lao vào Trái đất và gây ra sự tàn phá trên diện rộng.
Hy vọng rằng kịch bản thứ hai sẽ không xảy ra bởi các nhà thiên văn học quốc tế vừa tìm thấy một “tảng đá vũ trụ” rộng 49 mét, được tính toán là có 1/625 rủi ro va chạm với hành tinh của chúng ta sau vài thập kỷ nữa.
Có tên gọi 2023 DW, tiểu hành tinh có kích thước tương tự như một bể bơi Olympic tiêu chuẩn này hiện đang đứng đầu Danh sách Rủi ro (Risk List) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, với tư cách là tiểu hành tinh duy nhất có xếp hạng “1” trên thang Torino, được sử dụng để phân loại nguy cơ va chạm của các vật thể gần Trái đất.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng trấn an rằng 2023 DW chỉ có “cơ hội rất nhỏ” tác động đến hành tinh của chúng ta. Vì 2023 DW chỉ mới được phát hiện cách đây vài ngày, nên các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tiến hành các phân tích chuyên sâu để xác định chính xác hơn các đặc điểm của tiểu hành tinh.
Ngay cả khi các phân tích sau này cho thấy nguy cơ 2023 DW va chạm với Trái đất tăng lên, thì đó cũng sẽ là cơ hội vàng để NASA triển khai hệ thống làm chệch hướng tiểu hành tinh của mình. Công nghệ này đã được thử nghiệm vào năm ngoái với thành công rực rỡ khi đánh chặn thành công một tiểu hành tinh thành ở xa, với lực tác động đủ mạnh làm thay đổi hướng đi của nó vĩnh viễn.
Tính đến nay, đã có hàng trăm nghìn tiểu hành tinh được khám phá bên trong hệ mặt trời, với tỷ lệ rơi vào khoảng 5000 tiểu hành tinh/tháng. Con số này dự kiến sẽ không ngừng tăng lên bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại khiến việc phát hiện tiểu hành tinh lướt qua Trái đất đang trở nên ngày càng đơn giản hơn, thậm chí có thể được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu không chuyên.