NASA vừa phát hiện một tiểu hành tinh có hình dáng cực “dị”

Tiểu hành tinh (Asteroid) là các thiên thể đá, không có không khí, quay xung quanh Mặt Trời. Tiểu hành tinh có kích thước nhỏ hơn hành tinh nhưng lớn hơn thiên thạch và không phải là sao chổi.

Hầu hết các tiểu hành tinh thường có dạng gần như hình cầu, nhưng cũng không thiếu trường hợp sở hữu hình dáng và kích cỡ kỳ lạ. Đơn cử như trường hợp tiểu hành tinh Ryugu có hình dạng giống như một con quay, hay tiểu hành tinh Kleopatra trông giống như một khúc xương. Những khối đá vũ trụ này có thể có kích thước từ chỉ một mét cho đến tương đương với các hành tinh lùn.

NASA mới đây đã công bố phát hiện thú vị liên quan đến một tiểu hành tinh có ngoại cực “dị”, với chiều dài gấp ba lần chiều rộng. “Trong số 1.040 vật thể gần Trái đất được radar quan sát cho đến nay, đây là một trong những vật thể dài nhất mà chúng tôi từng thấy”, đại diện NASA nhận xét.

NASA vừa phát hiện một tiểu hành tinh có hình dáng cực “dị”

Trên thực tế, tiểu hành tinh này đã được quan sát thấy lần đầu tiên vào năm 2011 và được đăt tên 2011 AG5. Tuy nhiên phải đến khi tiểu hành tinh này tiếp cận Trái đất ở khoảng cách cực gần vào ngày 3 tháng 2 vừa qua, các nhà thiên văn học mới có cơ hội quan sát kỹ và đưa ra đánh giá khách quan hơn về nó. Mặc dù nguy cơ 2011 AG5 tác động đến hành tinh của chúng ta là không có, nhưng vì chỉ bay cách Trái đất 1,1 triệu dặm nên có thể nói tiểu hành tinh này đã đến đủ gần để quan sát hiệu quả bằng đĩa ăng-ten Goldstone Solar System Radar, một phần hệ thống Deep Space Network của NASA.

Các quan sát cho thấy tiểu hành tinh có hình dáng tổng thể dài và mỏng, với chiều dài ước tính là 487m và rộng 152m. Nhìn bằng mắt thường, 2011 AG5 sẽ có màu đen than, bề mặt rỗ với những khu vực có đường kính vài mét.

Các quan sát mới từ NASA cũng giúp xác định quỹ đạo của tiểu hành tinh. Theo tính toán của các nhà khoa học, 2011 AG5 quay quanh mặt trời 621 ngày một lần và sẽ không trở lại Trái đất cho đến năm 2040. Ở lần hội ngộ này, tiểu hành tinh thậm chí sẽ đến gần hơn nữa, với khoảng cách ước tính chỉ 670.000 dặm - chưa đủ gần để gây nguy hiểm - nhưng sẽ vẫn cần được theo dõi kỹ lưỡng.

Tính đến nay, đã có hàng trăm nghìn tiểu hành tinh được khám phá bên trong hệ mặt trời, với tỷ lệ khoảng 5000 tiểu hành tinh/tháng. Con số này dự kiến sẽ không ngừng tăng lên bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại khiến việc phát hiện tiểu hành tinh lướt qua Trái đất đang trở nên ngày càng đơn giản hơn, thậm chí có thể được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu không chuyên.

Chủ Nhật, 26/02/2023 10:10
31 👨 276
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ