Phát hiện luồng khí bí ẩn bất ngờ xuất hiện gần trung tâm Dải Ngân hà

Các nhà nghiên cứu thiên văn học quốc tế mới đây đã phát hiện ra một luồng khí lạnh dày đặc được bắn ra từ trung tâm của Dải Ngân hà "như những viên đạn". Cách thức luồng khí này hình thành ra sao, bắt nguồn từ nguyên nhân nào vẫn còn là bí ẩn. Tuy nhiên theo nhận định của Giáo sư vật lý thiên văn Naomi McClure-Griffiths đến từ Đại học Quốc gia Úc (ANU), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, thì sự hình thành và phát hiện của luồng khí này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của thiên hà chúng ta.

“Các thiên hà luôn vận động và biến đổi không ngừng. Nhưng đôi khi những sự biến đổi này không những không mang đến kết quả tích cực, mà còn dẫn đến các kịch bản đen tối. Khi một khối lượng khí lớn phát ra từ trung tâm thiên hà, nhiều khả năng thiên hà đó đang mất đi một lượng không nhỏ vật chất có thể được sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình hình thành sao. Và nếu mất đi quá nhiều vật chất, thiên hà sẽ không thể hình thành sao nữa và dần trở thành thiên hà chết”, giáo sư Naomi McClure-Griffiths nhận định.

Phát hiện trên của nhóm nghiên cứu cũng đặt ra những câu hỏi mới về điều gì đang xảy ra trong trung tâm thiên hà của chúng ta ngay bây giờ. Những luồng khí ở trung tâm Dải Ngân hà đã từng là chủ đề của rất nhiều cuộc tranh luận kể từ khi phát hiện ra cái gọi là Bong bóng Fermi cách đây một thập kỷ - hai quả cầu khổng lồ chứa đầy khí nóng và tia vũ trụ. Các nhà khoa học đã quan sát thấy không chỉ có khí nóng đến từ trung tâm thiên hà của chúng ta, mà còn xuất hiện cả những luồng khí lạnh và rất đậm đặc.

Trung tâm của Dải Ngân hà là lỗ đen siêu lớn. Về lý thuyết, khi lỗ đen hút vật chất vào bên trong chân trời sự kiện, 2 luồng bức xạ năng lượng cao sẽ được phun ra theo hướng ngược lại từ trung tâm thiên hà với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng. Tiếp theo đó, sẽ có những đợt sóng xung kích quét ngang qua các đám mây khí ở khu vực trung tâm thiên hà khiến chúng xáo trộn và dịch chuyển. Do đó, rất có khả năng luồng khi mới xuất hiện gần trung tâm Dải Ngân hà có thể có liên quan đến hoạt động của lỗ đen. Tuy nhiên để khẳng định chắc chắn, sẽ cần phải có thêm nhiều nghiên cứu và quan sát chuyên sâu hơn.

Dải Ngân hà
Dải Ngân hà

"Tuy lịch sử thiên văn học đã từng ghi nhận những quá trình kiểu này xảy ra trong các thiên hà khác, nhưng đây là lần đầu tiên nó được quan sát thấy trong thiên hà của chúng ta. Với các thiên hà bên ngoài, sẽ có thể nhiều lỗ đen lớn hơn, hoạt động hình thành sao cũng diễn ra nhộn nhịp hơn, và câu trả lời chính xác cho vấn đề cũng dễ dàng được tìm thấy hơn”.

Phát hiện trên đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature và đang nhận được sự quan tâm lớn từ công đồng thiên văn học với vô số ý kiến xung quanh. Luồng khí được quan sát bằng hệ thống kính viễn vọng vô tuyến Atacama Pathfinder Experiment (APEX) vận hành bởi ESO đặt tại Chile.

Thứ Sáu, 21/08/2020 08:29
51 👨 507
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ