Một hố đen bất ngờ biến mất đầy bí ẩn, nguyên nhân do đâu?

Sâu bên trong thiên hà xa xôi có tên 1ES 1927 + 654, đã có một hiện tượng vô cùng kỳ bí xảy ra với hố đen của chính thiên hà này. Giống như đặc tính vốn có của tất cả các hố đen, con quái vật đói khát này đã “ăn” hết bụi, khí và vật chất xung quanh mình. Nhưng vào một ngày cách đây hai năm trước, nó đã bất ngờ biến mất mà không để lại dấu vết.

Trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay cho phép các nhà thiên văn học có thể theo dõi hố đen một cách khá chi tiết. Không phải bằng cách quan sát trực tiếp khi chúng hấp thụ ánh sáng, mà bằng cách nhìn vào các hạt khí cực nóng cũng như các vật chất khác xoáy xung quanh chúng, trong những cấu trúc gọi là “corona hố đen” phát ra tia X có thể thu nhận được từ Trái Đất. Các nhà khoa học đã hoàn toàn bối rối khi hố đen đặc biệt này bất ngờ mờ dần với hệ số 10.000 trong khoảng thời gian chỉ hơn một tháng.

Và sau đó, một hiện tượng thậm chí kỳ lạ hơn xảy ra, đó là hố đen đã bất ngờ quay trở lại và trong khoảng thời gian 100 ngày, nó trở nên sáng hơn 20 lần so với trước đây. Đây là hiện tượng chưa từng được ghi nhận trong lịch sử thiên văn học.

“Chúng tôi chưa bao giờ ghi nhận những trường hợp như thế này trong quá trình bồi đắp của các hố đen. Ban đầu chúng tôi cho rằng có thể có sai sót trong dữ liệu thu được, nhưng thực ra không phải vậy. Đây là một hiện tượng thú vị, không ai trong số chúng tôi từng được quan sát hay nghe kể về một hiện tượng giống như vậy”, phó giáo sư Claudio Ricci đến từ Đại học Diego Portales (Chile), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Hình minh họa cho thấy một hố đen được bao quanh bởi một đĩa khí, với một vệt mảnh vụn rơi xuống đĩa. Các mảnh vỡ này phân tán một phần khí, khiến corona (quả cầu ánh sáng trắng phía trên hố đen) biến mất.
Hình minh họa cho thấy một hố đen được bao quanh bởi một đĩa khí, với một vệt mảnh vụn rơi xuống đĩa. Các mảnh vỡ này phân tán một phần khí, khiến corona (quả cầu ánh sáng trắng phía trên hố đen) biến mất.

Sau hơn 2 năm thu thập và phân tích dữ liệu, các nhà khoa học nghĩ rằng họ đã có câu trả lời cho vấn đề hóc búa này: Họ tin rằng một “ngôi sao chạy trốn” có thể đã bị hút vào hố đen và bị lực hấp dẫn xé nát. Sự tán xạ của các mảnh vỡ gây ra bởi sự phá hủy của ngôi sao có thể đã tạm thời làm phân tán đám mây khí xung quanh hố đen, ngăn chặn việc tạo ra tia X, khiến nó biết mất khỏi tầm quan sát từ Trái Đất. Sau đó, khi hố đen nuốt chửng vật chất từ ngôi sao bị phá hủy, nó phát ra nguồn năng lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với thông thường.

Các quan sát về sự kiện này được thực hiện bằng kính viễn vọng tia X của NASA, Neutron star Interior Composition Explorer (NICER), đặt trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Bất chấp khoảng cách rất xa, các nhà khoa học đã thu thập được khá nhiều dữ liệu về hố đen này bằng cách quan sát thiên hà 1ES 1927 + 654 trong khoảng thời gian 15 tháng liên tục.

Đây là lần đầu tiên sự thay đổi mạnh mẽ về độ sáng của hố đen được quan sát thấy xảy ra quá nhanh, và các nhà khoa học vẫn đang “hoang mang” về sự kiện này. Tuy nhiên những quan sát mới nêu trên sẽ mở ra các vùng kiến thức chưa từng được biết đến về hố đen nói riêng cũng như sự kỳ bí của vũ trụ nói chung.

Thứ Ba, 28/07/2020 22:55
4,38 👨 2.415
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ