Những câu chuyện công nghệ hấp dẫn nhất và kỳ quặc nhất năm 2018

Năm 2018 đầy biến động của thế giới công nghệ đã dần đi qua, bây giờ chính là lúc để chúng ta ngồi lại với nhau, cùng “buôn dưa lê” về những câu chuyện hay sự kiện công nghệ đã làm tốn biến bao nhiêu giấy mực của các nhà bình luận công nghệ trong suốt một năm qua. Phải khẳng định rằng việc lựa chọn ra được những câu chuyện công nghệ hay nhất và kỳ quặc nhất đã diễn ra trong suốt năm trời không hề đơn giản một chút nào, đặc biệt là khi bạn có quá nhiều thứ để lựa chọn. Thay vì cố gắng bê nguyên tất cả các sự kiện nổi bật vào một bài viết dài dằng dặc như chúng ta đã từng làm trong quá khứ, chúng tôi chỉ xin chọn ra 10 sự kiện tiêu biểu nhất theo ý kiến chủ quan của mình. Từ điện toán lượng tử đến máy bay không người lái thông minh, đến những kẻ ngớ ngẩn trong an ninh mạng và phát triển AI, có thể nói đây là một năm đầy thú vị của thế giới công nghệ. Hãy cùng xem những sự kiện đó là gì nhé!

Giao cà phê bằng máy bay không người lái

Giao cà phê bằng máy bay không người lái

Đầu tiên là một câu chuyện khá “ngầu” về IBM và kế hoạch sử dụng máy bay không người lái để giao cà phê của họ. Một ý tưởng không hề tồi chút nào! "Big Blue" đã nộp bằng sáng chế cho một máy bay không người lái chuyên làm nhiệm vụ giao cà phê, được trang bị tận răng các cảm biến phức tạp. Trong đơn xin cấp bằng sáng chế của mình, IBM đã mô tả cách thức hệ thống của họ hoạt động như thế này: Một tách cà phê pha sẵn sẽ được treo trên một máy bay không người lái cỡ nhỏ. Và anh bạn shipper chạy bằng điện này sẽ bay đến một khu vực được chỉ định, đó sẽ là nơi mà chủ nhân của tách “cà phê bay” kia nhận hàng.

Hệ thống máy bay không người lái này rất thông minh. Nó có thể thu thập dữ liệu về vị trí và thời gian trong ngày của bạn. Nếu nó nhận thấy một xu hướng, giả sử bạn cảm thấy mệt mỏi vào lúc 3 giờ chiều, thì hệ thống có thể thực hiện một chuyến giao cà phê vào thời điểm đó cho bạn mỗi ngày mà bạn không cần phải yêu cầu trước. Liệu hệ thống thú vị này có được thương mại hóa? Hãy cùng chờ một thời gian nữa xem sao!

Hệ thống an ninh sân bay không “ngon” như chúng ta vẫn tưởng

Hệ thống an ninh sân bay không “ngon” như chúng ta vẫn tưởng

Câu chuyện tiếp theo của chúng ta nên được xếp vào thể loại “chuyện lạ có thật” và nó đến từ London. Chuyện kể rằng vào một ngày đẹp trời của năm 2018, một người đàn ông đang tung tăng trên đường đến thư viện như bao ngày thì đã vô tình đá phải một chiếc USB của ai đó đánh rơi trên vỉa hè. Thật may là anh chàng của chúng ta cũng là người có tính tò mò, ham khám phá nên đã thử khởi động chiếc USB này. Bi kịch nằm ở chỗ anh ta đã phát hiện ra rằng trong USB có tất cả các thông tin bảo mật về sân bay Heathrow ở London, bao gồm các quy trình bảo đảm an ninh cho Nữ hoàng và khách du lịch hay những nhân vật quan trọng khác. Ngoài ra còn có cả sơ đồ vị trí của tất cả các camera truyền hình được giăng kín tại sân bay, cũng như bản đồ về hệ thống các đường hầm và lối thoát bí mật đến nhà ga xe lửa Heathrow Express của sân bay Heathrow.

Câu chuyện mãn cuộc khi văn phòng Ủy viên Thông tin Anh (Information Commissioners Office - ICO) đã quyết định việc phạt khổ chủ là công ty quản lý sân bay Heathrow - Heathrow Airport Limited khoảng 154.000 đô la cho việc không thể đảm bảo dữ liệu cá nhân lưu trữ trên mạng của họ được bảo mật đúng cách. Một báo cáo khác cũng đã chỉ ra rằng ICO đã phát hiện ra việc chỉ có 2% trong số 6.500 nhân viên đang làm việc tại Heathrow Airport Limited đã từng được đào tạo về bảo vệ dữ liệu.

ICO cũng lưu ý chung cho các doanh nghiệp về việc sử dụng "rộng rãi" các phương tiện lưu trữ di động trong khi lại bỏ qua các chính sách và hướng dẫn về bảo mật dữ liệu, đồng thời kiểm soát một cách cẩu thả trong việc ngăn chặn nhân viên tải dữ liệu cá nhân lên các phương tiện lưu trữ không xác định hoặc không được mã hóa. Không cần phải nói, đã có một cuộc “thay máu” trong hệ thống an ninh tại Heathrow. Còn số phận của anh chàng ưa thích khám phá kia thế nào thì chúng tôi vẫn chưa thể biết rõ và xin phép sẽ cập nhật sau.

Nguy cơ về an ninh mạng hiện diện ngay cả trên những chiếc chiến đấu cơ

Nguy cơ về an ninh mạng hiện diện ngay cả trên những chiếc chiến đấu cơ

Lại nói về vấn đề an ninh, trong năm 2018, đã có không ít các báo cáo được ghi nhận về những lỗ hổng tiềm ẩn trong các hệ thống mạng liên quan đến việc hỗ trợ cho Lockheed Martin F-35 Lightning II, một chiếc oanh tạc cơ thế hệ tiếp theo cho quân đội Hoa Kỳ.

Trong một cuộc phỏng vấn với với Defense News, Tướng Stephen Jost, giám đốc của trung tâm phụ trách các công nghệ tích hợp F-35 của không quân Hoa Kỳ đã cho biết rằng một số máy bay của quân đội Mỹ hiện nay đang hoạt động dựa trên các phần mềm, và bất kỳ nền tảng dựa trên phần mềm nào cũng đều có khả năng trở thành mồi cho các hacker.

Vấn đề không phải là với các hệ thống mạng hỗ trợ máy bay. Theo Popular Mechanics, Mỗi phi đội F-35 thuộc biên chế của bất kể quốc gia nào, đều sẽ được trang bị hệ thống thông tin hậu cần tự động (Autonomic Logistics Information System - ATIS), bao gồm 13 máy chủ được kết nối với mạng ALIS trên toàn thế giới. Mỗi máy bay phản lực F-35 riêng lẻ sẽ gửi dữ liệu hậu cần trở lại trung tâm nhập cảnh (Central Point of Entry) của quốc gia họ, sau đó Central Point of Entry sẽ chuyển các thông tin này đến hệ thống máy chủ trung tâm của Lockheed ở Fort Worth, Texas. Trên thực tế, ALIS gửi lại một lược dữ liệu nhiều đến nỗi một số quốc gia lo lắng rằng ALIS có thể cung cấp quá nhiều thông tin về các hoạt động của những chiếc F-35 của họ.

Một hệ thống nối mạng khác có tên Joint Reprogramming Enterprise - JRE sẽ có nhiệm vụ duy trì một thư viện chia sẻ các hệ thống cảm biến và vũ khí tiềm năng được phân phối cho các hạm đội F-35 trên toàn thế giới, theo Popular Mechanicalics. Các quốc gia sử dụng F-35 trên thế giới hiện đang cố gắng thắt chặt các các vòng đai bảo mật xung quanh bất kỳ lỗ hổng tiềm năng nào trong hệ thống của mình.

Lừa đảo email 12 tỷ đô la

Lừa đảo email 12 tỷ đô la

Đây là một trò lừa đảo điên rồ, đặc biệt là vì nó đã diễn ra quá lâu. Cụ thể, trò lừa đảo này được gọi là business email compromise (BEC). FBI cho biết họ đã tính toán được số tiền hơn 12 tỷ đô la sau khi một vụ BEC đình đám bị phanh phui. Số tiền bất chính này là của gần 80.000 nạn nhân, từ năm 2016 đến nay. Lừa đảo BEC vẫn đang tiếp tục phát triển và phát triển hơn nữa, nhắm mục tiêu đến các giao dịch cá nhân và doanh nghiệp.

Cụ thể, FBI cho biết từ tháng 12 năm 2016 đến tháng 5 năm 2018, mức tổn thất do BEC gây ra đã tăng 136%. Thông tin về các vụ lừa đảo đã được báo cáo ở tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và 150 quốc gia trên toàn thế giới. Khiếu nại của nạn nhân được đệ trình với trung tâm khiếu nại tội phạm mạng (Internet Crime Complaint Center) của FBI, và các thống kê tài chính cho thấy việc chuyển tiền gian lận đã được thực hiện đến 115 quốc gia và vùng lãnh thổ.

FBI nói rằng vụ lừa đảo đã “ấp ủ” trong nhiều năm nhưng thường chỉ được thực hiện khi kẻ tấn công xâm phạm vào tài khoản email kinh doanh hợp pháp thông qua nhiều nguồn, đặt biệt là kỹ thuật xâm nhập máy tính để thực hiện chuyển tiền trái phép. Một biến thể của loại hình lừa đảo này quan đến việc xâm phạm vào tài khoản email kinh doanh hợp pháp và yêu cầu thông tin nhận dạng cá nhân (PII) hoặc biểu mẫu thuế thu nhập W-2 cũng như như tiền lương cho nhân viên.

Điện toán lượng tử

Điện toán lượng tử

Sẽ còn phải mất vài năm nữa để công nghệ này thực sự “làm mưa làm gió”, nhưng thật thú vị khi nghe Gartner phân tích về sức mạnh của máy tính lượng tử sẽ được phát triển rộng rãi trong thời gian sắp tới tại hội nghị chuyên đề/triển lãm CNTT Symposium/IT Expo vừa qua.

Có thể nói đây là một trong những công nghệ đột phá có tiềm năng hàng đầu trong khoảng năm năm tới. Các nhà phân tích của Gartner cho biết. việc sử dụng các dịch vụ điện toán lượng tử hoặc điện toán lượng tử để giải quyết các vấn đề khó khăn và đưa ra các ứng dụng mới sẽ là xu hướng nền tảng của thế giới CNTT trong tương lai. Việc thực thi song song và khả năng mở rộng theo cấp số nhân của máy tính lượng tử có nghĩa là công nghệ này sẽ có ưu thế vượt trội trong giải quyết các vấn đề quá phức tạp đối với các phương pháp truyền thống hoặc khi một thuật toán truyền thống sẽ phải mất quá nhiều thời gian để tìm ra giải pháp.

Ngành công nghiệp ô tô và các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, dược phẩm, quân sự và các ngành nghiên cứu liên quan sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ những tiến bộ trong điện toán lượng tử. Cũng theo Gartner, các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trong các lĩnh vực trên nên chủ động tìm hiểu và theo dõi về công nghệ điện toán lượng tử ít nhất là từ bây giờ và muộn nhất là năm 2022, để có thể đưa vào khai thác công nghệ này từ năm 2023 hoặc 2025. Ngoài ra, các công ty cũng nên đi tắt đón đầu bằng cách tận dụng các công nghệ liên quan sẵn có như QCaaS, công cụ GitHub và SDK.

Trong khi đó, ngược lại thời gian một chút, vào cuối năm, Harvard đã công bố sáng kiến Lượng tử Harvard (Harvard Quantum Initiative - HQI) nhằm tạo lập một cộng đồng khoa học mới, kết hợp với nỗ lực từ các quốc gia nhằm thúc đẩy sự tiến bộ trong công nghệ lượng tử - công nghệ sẽ làm thay đổi thế giới trong tương lai gần.

Gương kia ngự ở trên tường...

Gương sinh trắc học

Các nhà nghiên cứu của Đại học Melbourne cho biết họ đã chế tạo cái mà họ gọi là gương sinh trắc học, sử dụng trí thông minh nhân tạo để phát hiện cũng như thể hiện những đặc điểm về tính cách và sức hấp dẫn vật lý của mọi người dựa trên một bức ảnh khuôn mặt của họ. Nghe có vẻ na ná chiếc gương thần trong “nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” nhỉ?!

Cụ thể, chiếc gương này có thể thể hiện 14 đặc điểm sinh trắc học khác nhau, từ giới tính, tuổi tác và sắc tộc đến sự hấp dẫn, sự bất và ổn định trong cảm xúc của một người. Các nhà nghiên cứu cho biết nếu một người đứng trước gương càng lâu, các đặc điểm cá nhân của họ sẽ càng được thể hiện rõ nét.

"Nghiên cứu của chúng tôi nhằm khuyến khích những câu hỏi mang tính thách thức về ranh giới của AI. Nó cho người dùng thấy việc sử dụng AI không đúng cách có thể gây hậu quả như thế nào cho xã hội, cũng như góp phần giúp mọi người hiểu rõ hơn về câu chuyện đạo đức đằng sau AI”, tiến sĩ Niels Wouters từ Centre for Social Natural User Interfaces (SocialNUI) và Science Gallery Melbourne cho biết.

Bồn cầu cũng được trang bị Bluetooth

Bồn cầu cũng được trang bị Bluetooth

Một sự kết hợp nghe có vẻ chẳng liên quan nhưng đã được thực hiện thành công trong năm 2018 vừa qua, đó là tích hợp các công nghệ không dây vào toilet.

Tại sự kiện công nghệ hàng đầu thế giới CES diễn ra vào đầu năm, một công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về sứ là Kohler Numi đã giới thiệu một công nghệ khá “độc”, cung cấp các cài đặt cá nhân cho phép người dùng điều chỉnh mọi tùy chọn được trang bị trên… bồn cầu theo sở thích chính xác của mình, từ màu sắc ánh sáng xung quanh đến khả năng đồng bộ nhạc thông qua Bluetooth và các công nghệ không dây cho đến sưởi ấm bệ ngồi và khu vực để chân. Với chiếc bồn cầu hiện đại này, bạn có thể phát nhạc và podcast yêu thích thông qua thiết lập truyền phát không dây với bất kỳ thiết bị nào được kết nối bằng công nghệ Bluetooth, cũng như lưu trữ các tệp MP3 vào thẻ SD hoặc cắm thiết bị của bạn bằng cáp phụ trợ.

Các nâng cấp khác bao gồm chế độ power-save để tiết kiệm năng lượng, xả nước khẩn cấp khi mất điện và điều khiển từ xa bằng màn hình cảm ứng trực quan. Từ những tính năng và hiệu quả kể trên, bồn vệ sinh Numi này đánh dấu một tiêu chuẩn mới, xuất sắc trong việc tiện nghi hóa các thiết bị phòng tắm, hay nói cách khác, công ty Kohler Numi đã nâng trải nghiệm… đi vệ sinh của nhân loại lên một tầm cao mới!

Trí thông minh nhân tạo kết hợp với trí thông minh thật

Trí thông minh nhân tạo kết hợp với trí thông minh thật

Khi nói đến vấn đề bảo đảm an ninh mạng, sự kết hợp giữa chuyên môn, trí tuệ của con người với trí thông minh nhân tạo của một hệ thống máy tính tiên tiến hoàn toàn có thể đem lại lợi ích không ngờ.

Đó chính là kết quả thu được đằng sau một dự án nghiên cứu đã được công bố trong năm 2019 bởi cơ quan nghiên cứu Quốc phòng nâng cao Hoa kỳ (Defense Advanced Research Projects Agency - DARPA). Theo người phát ngôn của DARPA, mục đích của sự kết hợp giữa hệ thống máy tính từ DARPA và chương trình của Humans Exploring Software Security (CHESS) là nhằm vượt ra ngoài quy trình bảo vệ an ninh do con người điều khiển bằng tay, dựa trên sự hợp tác tiên tiến giữa máy tính và con người để chống lại các mối đe dọa mới nổi về vấn đề an ninh mạng.

Ý tưởng cơ bản là tích hợp các công cụ máy tính truyền thống với trí thông minh nhân tạo để tạo ra các kỹ thuật nhằm giải quyết các lớp dễ bị tổn thương hiện đang bị cản trở bởi các lỗ hổng thông tin và đòi hỏi sự thấu hiểu tường tận của con người và những suy luận nhạy cảm theo từng ngữ cảnh. Nghe qua có vẻ hơi khó hiểu nhưng thực tế vận hành lại không quá phức tạp do đã được AI đảm nhiệm trong hầu hết các khâu. Hãy cùng nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn của lĩnh vực an ninh mạng nào!

Chòm sao vệ tinh băng thông rộng của Elon Musk

Chòm sao vệ tinh băng thông rộng của Elon Musk

Elon Musk không thiếu những dự án hấp dẫn, đầy tham vọng - từ việc đưa con người lên sao Hỏa đến xây dựng một đoàn tàu siêu tốc, và gần đây, vị tỷ phú trẻ tuổi đã bật đèn xanh cho một kế hoạch lớn khác: Dịch vụ Internet băng thông rộng giá rẻ dựa trên vệ tinh có tên StarLink.

Cụ thể, vào tháng 11, Elon Musk đã nhận được cái gật đầu chắc nịch của FCC để được phép đưa thêm 7.518 vệ tinh vào không gian nằm tạo thành chòm sao StarLink, bao gồm gần 12.000 vệ tinh mà ông cần phóng lên quỹ đạo trong sáu năm tới theo kế hoạch (hiện tại đã có 4.425 vệ tinh được ủy quyền).

SpaceX dự định sẽ cho các vệ tinh bay trên quỹ đạo trái đất ở tầm thấp, rơi vào khoảng 346km so với mặt đất. Theo một bản báo cáo, sở dĩ SpaceX quan tâm đến quỹ đạo thấp như vậy là để rút ngắn độ trễ giữa các vệ tinh và người dùng internet trên trái đất và do đó, giúp tăng tốc độ lướt web. Hiện tại vẫn chưa có vệ tinh nào thực sự được đưa vào sử dụng, nhưng vấn đề sẽ chỉ nằm ở thời gian mà thôi!

Berners-Lee muốn quyền riêng tư phải được tôn trọng nhiều trên các trang web

Berners-Lee

Vào mùa thu vừa qua, một công ty công nghệ có tên Inrupt đã được ra mắt với hai nhân tố chủ chốt, đồng thời cũng là những nhân vật có tiếng trong giới công nghệ là Sir Tim Berners-Lee (giám đốc công nghệ) và John Bruce (trước đây thuộc công ty bảo mật IBM Resilient) là CEO. Mục tiêu của Inrupt là cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát lớn hơn đối với các dữ liệu cá nhân của họ và quan trọng hơn là thông tin của chính họ. Trọng tâm của Inrupt chính là Solid, một dự án phần mềm nguồn mở mà Berners-Lee đang ấp ủ.

“Phần cứng sẽ góp phần thay đổi mô hình bảo mật thông tin hiện tại - nơi mà người dùng phải bàn giao dữ liệu cá nhân của mình cho các công ty công nghệ kỹ thuật số để đổi lấy các giá trị trải nghiệm khác, và trong vấn đề này thì người dùng sẽ hoàn toàn gặp bất lợi”, Bern Berners-Lee chia sẻ trên blog về chi tiết kế hoạch đột phá của mình. Phần cứng là nền tảng mà Inrupt sử dựng để phát triển web nhằm khôi phục lại sự cân bằng giữa bảo mật thông tin và lợi ích người dùng.

Ý tưởng ở đây là người dùng sẽ đặt tất cả dữ liệu của họ, từ ảnh đến số điện thoại và các thông tin khác trong một kho dữ liệu trực tuyến cá nhân (POD). Berners-Lee nói rằng với cách này, Solid cho phép người dùng tự do lựa chọn nơi lưu trữ dữ liệu, những người và nhóm cụ thể nào có thể truy cập các yếu tố được chọn và ứng dụng nào mà họ sẽ sử dụng. Ngoài ra, nó cũng cho phép bạn, gia đình và đồng nghiệp của bạn liên kết và chia sẻ dữ liệu với bất kỳ ai, đồng thời cho phép mọi người cùng xem một dữ liệu với các ứng dụng khác nhau cùng một lúc.

Rõ ràng để Solid có thể phát triển rộng rãi sẽ mất rất nhiều công sức hơn và kéo theo các chuyển đổi về khách hàng của Google, Facebook và nhiều dịch vụ dựa trên web khác, nhưng Berners-Lee có niềm tin rất lớn vào sự thành công của dự án này, hãy cùng chờ xem!

Trên đây là 10 sự kiện công nghệ thú vị đã diễn ra trong năm 2018 này. Bạn thấy có sự kiện nổi bật nào khác cần được thêm vào danh sách? Hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé! Chúc các bạn có một năm mới thành công!

Xem thêm:

Thứ Hai, 31/12/2018 14:30
53 👨 904
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ