Một thập kỷ trước, Nhật Bản đã được biết đến là vùng đất của điện thoại di động với các thiết bị có khả năng kết nối Internet và tính năng hiện đại hiếm thấy ở những quốc gia khác trên thế giới. Nhưng, những ngày đó đã qua.
Sự chuyển đổi của ngành công nghiệp điện thoại di động sang điện thoại thông minh đã thay đổi số phận của các nhà sản xuất thiết bị cầm tay của Nhật Bản. Hầu hết trong số các công ty này đã thất bại trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của họ ra thị trường nước ngoài. Trong khi đó, các thương hiệu toàn cầu như Apple và Samsung ngày càng trở nên phổ biến trong thế giới người dùng smartphone tại Nhật Bản.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều công ty Nhật Bản đã tính đến phương án rút khỏi phân khúc điện thoại thông minh.
Ngày 6/8, báo Nikkei cho biết Panasonic đã quyết định ngừng cung cấp điện thoại thông minh mới cho hãng khai thác viễn thông lớn nhất Nhật Bản NTT DoCoMo. Gần đây, Panasonic chỉ bán điện thoại thông minh mới của mình thông qua DoCoMo. Quyết định của Panasonic đã cho thấy khả năng công ty này đang xem xét rút khỏi lĩnh vực kinh doanh điện thoại thông minh.
Đại diện của Panasonic và DoCoMo từ chối bình luận về thông tin này.
Tuần trước, một công ty điện tử lớn khác của Nhật Bản là NEC cũng thông báo sẽ rút khỏi ngành kinh doanh điện thoại thông minh. Năm 2010, NEC sáp nhập bộ phận thiết bị cầm tay của mình với bộ phận này của Casio Computer và Hitachi, thành lập bộ phận truyền thông di động NEC Casio. Tuy nhiên, việc sát nhập này không mang lại thành công cho NEC.
Panasonic Eluga (Ảnh: Androidcentral)
Trước đó, Panasonic đã tiến hành thu hẹp quy mô kinh doanh thiết bị cầm tay của mình. Vào cuối tháng 10/2012, công ty đã công bố quyết định ngừng bán điện thoại thông minh ở châu Âu, thị trường nước ngoài duy nhất tiêu thụ điện thoại Eluga của công ty, kết thúc nỗ lực ngắn ngủi trở thành một thương hiệu điện thoại thông minh toàn cầu.
Theo một báo cáo phát hành trong tháng 5 của Viện nghiên cứu MM (Nhật Bản), Apple đã trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất về doanh số bán hàng tại Nhật Bản trong 12 tháng qua với thị phần nắm giữ là 35,9%, tiếp theo là Fujitsu với 13% thị phần. Sony xếp ở vị trí thứ 3 với tỷ lệ thị phần thị trường là 12%.