Hoạt động mua bán, sáp nhập và IPO đã đột ngột sôi động trở lại trong ngành công nghệ Mỹ. Phải chăng lĩnh vực công nghệ đang đi đầu trong việc thoát khỏi suy thoái?
Trong vài tuần qua, Jon A. Woodruff, người phụ trách hoạt động mua bán và sáp nhập ở văn phòng San Francisco của Goldman Sachs, thường xuyên chăm chú dõi theo thay đổi sinh khí ở thung lũng công nghệ Silicon Valley. Trong 21 ngày qua, Goldman đã làm với 3 thương vụ lớn: vụ eBay bán đi Skype, Adobe mua lại Omniture và Dell thâu tóm nhà cung cấp dịch vụ công nghệ Perot Systems. “Mọi người dường như đang sẵn lòng hơn trong việc chi tiền cho những tài sản phù hợp”, Woodruff nói.
Sự gia tăng trong hoạt động mua bán và sáp nhập là dấu hiệu của thay đổi rộng hơn: Sự chấp nhận mạo hiểm đã trở lại trong ngành công nghệ Mỹ. Ba tuần đầu của tháng 9 đã chứng kiến các vụ sáp nhập với giá trị lên tới 19,3 tỷ USD, tăng so với con số 2,5 tỷ USD trong tháng 8 và 11 tỷ USD trong tháng 9 năm trước, theo hãng nghiên cứu tài chính Thomson Financial. Trong khi đó, có nhiều công ty nộp đơn niêm yết cổ phiếu ra công chúng (IPO) hơn, ví dụ mới đây nhất là hãng sản xuất pin A123 Systems. Đầu tư mạo hiểm cũng đang tăng mạnh. Dịch vụ tiểu blog Twitter vừa được tăng vốn đáng kể từ các nhà đầu tư và hiện được định giá khoảng 1 tỷ USD.
Thương vụ Dell thâu tóm công ty dịch vụ công nghệ Perot Systems là một ví dụ sinh động về sự sôi động trở lại của ngành công nghệ Mỹ. |
Nếu điều đó đúng, đó là tin tốt lành cho nền kinh tế Mỹ nói chung. Mark M. Zandi nói rằng nhiều lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, gồm tài chính và bất động sản, vẫn còn gặp khó khăn trong khi công nghệ là một trong số ít ngành có thể thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, vì chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn yếu, tăng trưởng kinh tế sẽ dựa trên đầu tư của doanh nghiệp và xuất khẩu, cả hai lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ bởi ngành công nghệ.
Các ngân hàng, chuyên gia công nghệ và các nhà đầu tư cho rằng chắc chắn sắp tới sẽ có nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập hơn. Nhiều công ty công nghệ đang có nguồn tài chính mạnh để đầu tư cho các thương vụ mua bán. Các thị trường tín dụng cũng đang cải thiện, là tín hiệu tốt hỗ trợ hoạt động này. Và điều quan trọng hơn, những người mua và người bán đang dễ đi đến thỏa thuận giá hơn. Đầu năm nay, với giá cổ phiếu thấp, các công ty còn chần chừ trong việc bán. Hiện nay, người mua muốn đẩy nhanh hoạt động mua sắm trước khi giá cổ phiếu tăng trở lại. “Bây giờ, việc định giá đã nhanh chóng hơn một chút, bởi vì nhận thức về giá của người mua và người bán đã khớp nhau hơn”, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của eBay John Donahoe nói.
Thương vụ mua lại nhà cung cấp dịch vụ công nghệ Perot Systems của hãng Dell vào ngày 21/9 là một ví dụ của sự thay đổi trong tâm lý. Các lãnh đạo của Dell nói họ bắt đầu đàm phán với chủ tịch của Perot Systems, ông Ross Perot Jr., từ năm 2007, nhưng trong thời gian đó Dell cũng thương thảo với nhiều nhà cung cấp dịch vụ công nghệ khác, trong đó nhiều công ty đưa ra giá tốt. Thương thảo với Perot nóng lên vào cuối hè vừa qua khi thị trường cổ phiếu công nghệ bắt đầu tăng. Cuối cùng, Dell đã quyết định chi 3,9 tỷ USD để mua lại Perot.
Sẵn sàng dốc hầu bao
Chủ tịch kiêm giám đốc đốc điều hành của Dell, Michael S.Dell nói giá đó là hợp lý và Perot sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng của Dell và củng cố vị thế cạnh tranh của hãng này. Trong khi đó, Dell cũng đang xem xét tăng thêm các thương vụ sáp nhập và mua lại khác. “Chúng tôi đang muốn làm nhiều việc hơn trong lĩnh vực dịch vụ, phần cứng và cả phần mềm”, Brian Gladden, giám đốc tài chính của Dell nói.
Các chuyên gia phân tích và ngân hàng chỉ ra một số lĩnh vực trong ngành công nghệ đang sôi động hoạt động mua bán và sáp nhập. Đặc biệt “hot”, theo Scott Kessler, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Standard & Poor là các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn và các công ty phần mềm cung cấp sản phẩm qua mạng như Taleo và SuccessFactors. Ông này cho biết thêm các công ty phần mềm nhỏ và vừa như Tibco Software và Sybase cũng có thể là đích đến. Amity Millhiser, chuyên gia của PricewaterhouseCoopers cho hay các công ty công nghệ đang thực sự vào cuộc săn tìm các thương vụ hấp dẫn để mua sắm. “Thực sự là đang có nhiều nhu cầu mua bán ở lĩnh vực công nghệ”, Millhiser nói.
Sebastian Thomas, giám đốc nghiên cứu công nghệ của RCM Capital Management, quỹ hiện quản lý tài sản 13 tỷ USD, nói sự phát triển công nghệ như điện toán đám mây sẽ thúc đẩy các hãng lớn như Cisco hay EMC bỏ tiền mua những công nghệ quản lý hệ thống, mạng và lưu trữ. Các công ty như Brocade Communications Systems, 3PAR, BMC Software, Riverbed Technology, và Blue Coat Systems đều là đích nhắm hấp dẫn với các hãng lớn.
Sự lạc quan của ngành công nghệ đang thổi luồng sinh khí sang một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế Mỹ. Số công ty niêm yết cổ phiếu ra công chúng ở những lĩnh vực như khách sạn, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thịt, bất động sản, y tế và ngành giải trí ở Mỹ tăng đều trong suốt 9 tuần vừa qua. Đây là kỷ lục tăng trưởng số công ty IPO trong thời gian dài nhất ở Mỹ suốt một năm qua.