NASA: 5G làm khả năng dự báo thời tiết chậm đến 2 ngày

Ngành công nghiệp không dây toàn cầu đang trong cuộc chạy đua nước rút cho việc phổ biến 5G - công nghệ kết nối không dây tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Kỷ nguyên của 5G đang đến gần với chúng ta hơn bao giờ hết. Nhân loại hiện đang nắm trong tay những con chip 5G, modem và bây giờ là cả các thiết bị và ứng dụng đầy tiềm năng. Có thể nói, chuẩn kết nối này sẽ đặt nền móng cho một mô hình tiếp theo trong sự phát triển của nền tảng công nghệ toàn cầu, cũng như cách thức chúng ta kiểm soát cuộc sống. Những lợi ích về kinh tế và xã hội sẽ cho phép mang đến một mức độ dịch vụ mang tính cách mạng, với khả năng kết nối sâu rộng và ưu việt hơn. Như vậy có thể thấy lợi ích mà 5G mang lại về mặt lý thuyết là không phải bàn cãi, tuy nhiên đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

5G

Trên thực tế, cuộc sống của nhân loại hoàn toàn có thể bị đe dọa nghiêm trọng khi 5G được sử dụng phổ biến, và “chất xúc tác” ở đây chính là biến đổi khí hậu. Điều này nghe có vẻ chẳng liên quan nhưng hãy khoan thắc mắc, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu vấn đề ngay sau đây.

Tờ The Washington Post và trang tin công nghệ CNET mới đây đã trích dẫn một thông báo quan trọng của người đứng đầu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), trong đó đưa ra cảnh báo khẩn về vấn đề sóng 5G khi được triển khai dày đặc trên quy mô toàn cầu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực khí tượng thủy văn, khiến năng lực dự báo thời tiết của nhân loại quay trở về thời kỳ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, cụ thể là làm giảm khả năng dự đoán đường đi của những cơn bão chết người và từ đó ảnh hưởng đến quỹ thời gian sơ tán an toàn. Thêm vào đó, những cơn bão nhiệt đới hiện nay ngày càng có xu hướng xuất hiện nhiều, cường độ mạnh và diễn biến khó lường hơn do tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu.

Nguyên nhân chính ở đây có liên quan đến một trong những tần số không dây quan trọng dành cho sóng milimet mạng 5G tốc độ cao: Băng tần 24GHz - vốn rất gần với tần số được sử dụng bởi các vệ tinh vi sóng nhằm quan sát trạng thái của hơi nước để qua đó phát hiện sớm những thay đổi về mặt thời tiết (băng tần 28.5GHz). Và theo nhận định của các chuyên gia NASA cũng như NOAA, điều này có thể can thiệp nghiêm trọng đến mức làm trì hoãn quy trình chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt.

5G ảnh hưởng tiêu cực khả năng dự báo thiên tai

Tuần trước, người đứng đầu NOAA, Tiến sĩ Neil Jacobs đã lên tiếng cảnh báo nếu kế hoạch triển khai 5G hiện tại được thực hiện đúng theo lộ trình đã đề ra, toàn bộ các vệ tinh của NOAA sẽ mất đi khoảng 77% lượng dữ liệu mà hiện chúng có thể thu thập được, qua đó làm giảm đáng kể khả năng dự báo, lên tới 30% so với năng lực dự báo hiện tại.

“Phân tích cho thấy năng lực dự báo thời tiết của nhân loại vào những năm 1980 kém hơn hiện tại khoảng 30%, và sự phổ biến của 5G sẽ kéo ngành khí tượng thủy văn nói chung về lại thời điểm đó. Nói cách khác, thời gian dự báo cũng như theo dõi các cơn bão sẽ chậm hơn khoảng 2 đến 3 ngày so với thời điểm hiện tại, trong khi chúng ta đều biết rằng thời gian để sơ tán dân cư trước khi thảm họa tự nhiên ập đến quý giá đến từng giờ, từng phút”.

Khả năng dự báo sớm sẽ kém hiệu quả hơn từ 2-3 ngày

Nếu không nắm trong tay đủ lượng dữ liệu cần thiết, các nhà khí tượng học sẽ không thể đưa ra dự báo đối với hướng đi và cường độ của cơn bão một cách nhanh chóng với độ chính xác cao. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học châu Âu đã cho thấy với lượng dữ liệu thấp hơn 77%, các mô hình dự báo khí tượng sẽ chỉ có thể đoán được hướng đi của cơn bão ngoài khơi, chứ không thể xác định chính xác địa điểm cũng như thời điểm mà nó sẽ đổ bộ vào đất liền. Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Neil Jacobs, NOAA, một trong những cơ quan đi đầu thế giới về công nghệ khí tượng thủy văn hiện nay, hoàn toàn không sở hữu bất cứ công nghệ nào khác để quan sát trạng thái hơi nước và đưa ra những dự đoán chính xác hơn. Như vậy các cơ quan khí tượng thủy văn khác trên thế giới cũng khó mà có thể sở hữu công nghệ vượt trội hơn NOAA trong lĩnh vực này.

Siêu bão

Trong một động thái liên quan, Jim Bridenstine, Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã đưa ra nhận xét tương tự trong một cuộc họp với Ủy ban Khoa học Hạ viện Hoa Kỳ vào ngày 19/4 vừa qua. “Phổ điện từ là yếu tố cần thiết để đưa ra dự đoán về hướng đi cũng như vị trí mà một cơn bão sẽ đổ bộ. Nếu yếu tố này bị ảnh hưởng bởi sự phổ biến của sóng 5G, các nhà khí tượng sẽ khó có thể đưa ra được dự báo nhanh chóng và chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phòng chống cũng như sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm và khi đó, thiệt hại sẽ là rất lớn, cả trên phương diện vật chất lẫn tính mạng con người”.

Thực ra, ý kiến nêu trên của 2 chuyên gia đầu ngành về khí tượng thủy văn vốn không phải là vấn đề mới mẻ trong ngành công nghiệp viễn thông cũng như Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC). Đã có không ít những cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề giữa 5G và ngành khí tượng nổ ra trong vài năm trở lại đây khi công nghệ kết nối hiện đại này “manh nha” được đề xuất triển khai đại trà. Trên thực tế, các quy định gần đây đối với tiêu chuẩn kỹ thuật 5G NR của 3GPP đã yêu cầu các nhà cung cấp công nghệ kết nối này phải bổ sung thêm một vài yếu tố nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng gây ra đối với các dịch vụ thời tiết vệ tinh, cụ thể là bằng cách giảm mức phát xạ của tín hiệu 5G lân cận trong khoảng từ 24.25 đến 27.5GHz.

5G ảnh hưởng đến sóng vệ tinh khí tượng

Tuy nhiên phía NOAA lại cho rằng các yêu cầu về phát thải như hiện tại không đủ và cần phải được giới hạn chặt chẽ hơn nữa. “Tôi rất lạc quan về triển vọng có thể đưa ra một giải pháp phù hợp hơn cho vấn đề này. Khi đó, cảm biến vi sóng thụ động dùng trong ngành khí tượng và 5G có thể cùng tồn tại mà không gây ra bất cứ xung đột nào”, Tiến sĩ Jacobs chia sẻ.

5G vẫn đang trên đà phổ biến rộng khắp

Theo báo cáo từ Space News, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross và Giám đốc NASA Jim Bridenstine đã từng gửi thư thực tiếp cho Chủ tịch FCC Ajit Pai để thảo luận về các biện pháp bảo vệ ngành khí tượng trước tác động của 5G vào ngày 28 tháng 2 - tức là chỉ một vài tuần trước khi FCC bắt đầu bán đấu giá phổ tần 24GHz ngày 14 tháng 3. Tuy nhiên người đứng đầu FCC đã từ chối thảo luận, tuyên bố rằng không có bất cứ cơ sở kỹ thuật nào có thể biện minh cho sự phản đối. Như vậy, FCC rõ ràng đã được cảnh báo về vấn đề.

Vệ tinh thời tiết

Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Ron Wyden (D-OR) và Maria Cantwell (D-WA) cũng đã gửi thư cho ông Ajit Pai vào ngày 13 tháng 5 vừa qua, trong đó nêu: “Việc FCC tiếp tục cố chấp triển khai kế hoạch đã đề ra, tiếp tục phớt lờ những báo động nghiêm trọng mà cộng đồng khoa học đang cảnh báo, có thể dẫn đến những tác động nguy hiểm đến an ninh quốc gia, đến các ngành công nghiệp khác của nước Mỹ, người dân Mỹ, đồng thời tạo tiền lệ tiêu cực cho các quyết định triển khai 5G bất chấp hệ quả mà nó gây ra đối với ngành khí tượng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới”. 2 chính trị gia cũng không quên yêu cầu FCC từ chối trao giấy phép sử dụng phổ tần 24GHz cho bất kỳ doanh nghiệp nào, hoặc cho phép các nhà mạng hoạt động ở băng tần 24GHz cho đến khi các cơ chế bảo vệ sóng vệ tinh khí tượng được đưa ra và đồng thời được NASA và NOAA chấp thuận.

Vào hồi đầu tuần, hiệp hội thương mại công nghiệp không dây Hoa Kỳ CTIA đã cố gắng “chế giễu” những yêu cầu nêu trên và “cáo buộc” Space News đưa tin giả, bằng cách công bố một quan điểm tranh luận cho rằng các tuyên bố của cộng đồng khoa học được đưa ra dựa trên một loại cảm biến thời tiết đã 13 năm tuổi và chưa bao giờ thực sự được sử dụng phổ biến.

Quan điểm trên của CTIA đã nhanh chóng bị giới khoa học chỉ trích nặng nề. Trong đó có nhà khí tượng học nổi tiếng Jordan Gerth.

Hiện tại vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu tiêu chuẩn nào có thể xác nhận liệu quan điểm mà CTIA đưa ra có chính xác hay không. Tuy nhiên phía CTIA cho rằng ngành khí tượng trên thực đế đã sử dụng một loại cảm biến mới hơn ít nhạy cảm hơn với nhiễu từ 5G, do đó quan điểm cho rằng 5G có thể ảnh hưởng đến sóng vệ tinh khí tượng không còn chính xác nữa.

5G vẫn đang trên đà phổ biến rộng khắp

Suy cho cùng, đây vẫn sẽ là cuộc chiến giữa 2 “phe”: Một bên là các cơ quan khoa học uy tin và phía đối lập chính là các tổ chức, doanh nghiệp sẽ thu lợi từ việc tung ra mạng 5G càng nhanh càng tốt. Sẽ còn rất nhiều điều phải làm trong tương lai, không loại trừ sự can thiệp mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính phủ.

Thứ Tư, 29/05/2019 11:02
4,25 👨 485
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ