Nhiều nhà phát triển AI của Trung Quốc đã tìm ra cách tiếp cận mới mà không cần nhập khẩu chip từ Mỹ. Họ đã tìm đến các cựu thợ đào Bitcoin để vượt rào cấm vận.
"Hợp đồng thông minh"
Derek Aw, cựu thợ đào Bitcoin là một trong số đó. Tính đến tháng 6, công ty của Aw đã xây dựng hơn 300 máy chủ với chip Nvidia H100 cho một trung tâm dữ liệu ở Brisbane, Australia. Và các máy chủ này bắt đầu xử lý thuật toán AI cho một công ty ở Bắc Kinh chỉ sau đó 3 tuần.
Việc thuê sức mạnh tính toán từ xa đã xuất hiện từ lâu, nhiều công ty toàn cầu đang dùng dịch vụ từ Google Cloud, Microsoft Azure và AWS. Tuy nhiên, theo lệnh cấm vận của Mỹ, những công ty này bị cấm cung cấp sức mạnh tính toán cho công ty Trung Quốc.
Aw đã ứng dụng blockchain vào việc mua và bán, để "ẩn danh khách hàng". Với blockchain, các giao dịch được thực hiện qua smart contract (hợp đồng thông minh), cho phép theo dõi online, nhưng bảo vệ được danh tính của những người tham gia. Việc thanh toán sẽ sử dụng tiền mã hóa.
Để bảo mật, các công ty AI Trung Quốc thường thực hiện giao dịch thông qua công ty con đặt ở Singapore hoặc nơi khác nên ngay cả Aw cũng không rõ danh tính thực sự của người mua.
Aw cho biết, khách hàng của anh tăng đáng kể từ cuối năm ngoái, phần lớn cần chip Nvidia.
Nvidia không đưa ra bình luận, nhưng khẳng định luôn tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
GPU phi tập trung
Trong hai năm qua, những nền tảng như của Aw đã xuất hiện trong lĩnh vực tiền số. Nhiều dự án kêu gọi người dùng toàn cầu đóng góp sức mạnh tính toán từ những máy tính không dùng, sau đó cho các nhà phát triển AI thuê lại để đào tiền số.
Dịch vụ bán sức mạnh tính toán phân tán được gọi là mô hình GPU phi tập trung và được nhiều khách hàng Trung Quốc sử dụng để có sức mạnh tính toán từ khi Mỹ hạn chế bán chip tiên tiến cho quốc gia này vào năm 2022.
GPU Nvidia được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng AI và được săn đón trên các nền tảng này. Tuy nhiên, các mạng phi tập trung thường không thể đào tạo mô hình AI lớn như ChatGPT vì cần hàng nghìn chip để truyền dữ liệu nhanh chóng giữa chúng.
Tuy nhiên, nhiều người lo lắng việc dùng blockchain vượt rào lệnh cấm chip có thể có lỗ hổng cho phép tin tặc đánh cắp mã và dữ liệu của công ty. Blockchain bảo vệ quyền riêng tư của người dùng nhưng nếu sự cố xảy ra rất khó để buộc ai đó chịu trách nhiệm. Nhưng do không có nhiều lựa chọn nên nó vẫn được nhiều công ty Trung Quốc sử dụng.
Các cơ quan chức năng Mỹ đã phát hiện vấn đề và đang theo dõi chặt chẽ các mạng lưới mua sắm bất hợp pháp và tìm cách trấn áp.
Mỹ cấm Intel, Qualcomm bán chip cho Huawei (9/5/2024)
Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố quy định mới, các nhà sản xuất chip của Mỹ như Intel và Qualcomm về cơ bản bị cấm bán bất kỳ sản phẩm nào cho Huawei. Điều này bao gồm việc hủy bỏ các giấy phép xuất khẩu chip không dùng cho mạng 5G cho Huawei.
Quyết định này được Mỹ đưa ra sau khi máy tính xách tay Huawei MateBook X Pro sử dụng chip xử lý Intel được ra mắt. MateBook X Pro 2024 trở thành laptop đầu tiên của Huawei được tích hợp mô hình ngôn ngữ lớn Pangu nhờ khả năng xử lý AI của chip Intel cho phép MateBook X Pro 2024.
Động thái này nhằm siết chặt hơn nữa các hạn chế xuất khẩu đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến an ninh quốc gia và vị thế thống trị công nghệ.
Chính phủ Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại về mối quan hệ giữa Huawei với chính phủ Trung Quốc nên vào năm 2019 đã đưa ra lệnh cấm Huawei, hạn chế quyền truy cập vào các công nghệ Mỹ như chipset 5G, chip modem và các dịch vụ của Google.
Trước đây, các công ty lớn của Mỹ như Intel và Qualcomm được cấp phép cung cấp một số sản phẩm công nghệ không dùng cho mạng 5G cho Huawei. Nhưng những giấy phép phải gia hạn định kỳ.
Quyết định không gia hạn các giấy phép này của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, cắt đứt hoàn toàn quyền truy cập của Huawei vào chip do Mỹ sản xuất.
Hiện, Huawei vẫn chưa lên tiếng về các hạn chế mới nhất của Mỹ.
Các hạn chế mới nhất đối với việc bán chip cho Huawei của Mỹ dự kiến sẽ có khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng và giá chip có thể tăng đối với người tiêu dùng khi Huawei. Ngoài ra, động thái này có thể làm leo thang thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ đang diễn ra.