Máy ảnh phim không có nhiều ưu điểm như DSLR nhưng lại là thiết bị ghi hình mang lại nhiều cảm xúc cho người chơi.
Phong trào chơi máy ảnh phim âm thầm nhưng rất thấm. (Ảnh: Hiển Xăm).
Chụp ảnh bằng máy phim đang là thú chơi mới trong cộng đồng người đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam. Giống như thú chơi xe cổ, phong trào chơi máy ảnh phim âm thầm nhưng như một "liều thuốc" có khả năng lây lan trong cộng đồng người chơi ảnh. Nhiều topic về máy ảnh phim đã được lập trên các diễn đàn để các thành viên chia sẻ đam mê về thiết bị một thời bị lãng quên.
Những người đam mê chụp phim cũng thừa nhận loại máy ảnh này không có nhiều ưu điểm như máy số, nhưng lại là thiết bị ghi hình mang lại nhiều cảm xúc cho người chụp. Thành viên Tuanchip của diễn đàn Xóm Nhiếp Ảnh chia sẻ, "cảm xúc khi chụp bằng máy phim khác hẳn với máy số. Có thể so sánh chụp bằng DSLR giống như đi một chiếc xe phân khối lớn để ngắm cảnh, bạn có thể chụp rất nhanh, thấy rất đẹp. Còn máy phim thì phải chậm rãi ngắm nghía, chọn bố cục, khung hình, lấy nét, đo sáng và chụp. Chụp phim giống như đi xe đạp vậy."
Theo thành viên January Chopin của diễn đàn Xóm Nhiếp Ảnh, phần đông dân chơi DSLR bây giờ đã sở hữu thêm một máy phim. "Nếu vô tình bạn gặp một người đang lang thang, tỉ mẩn chụp những con phố ở Hà Nội với chiếc máy cổ cổ cũ cũ, đích thị họ đang dùng máy phim", anh nói.
Một ảnh chụp bằng máy phim - màu sắc tốt hơn máy số. (Ảnh: Hiển Xăm).
Ưu điểm chính của máy ảnh phim là chất lượng màu sắc luôn được đánh giá cao hơn DSLR do thiết bị này dùng phim 35mm và dải tương phản động (HDR) của phim luôn cao hơn so với cảm biến điện từ của DSLR.
Bên cạnh đó, giá cả máy cũng hợp lý. Nếu với máy số, người chơi phải bỏ ra hàng nghìn USD thì mới sở hữu được một DSLR full frame, thì với máy phim, chỉ cần vài triệu đồng (đôi khi là vài trăm nghìn nếu may mắn), bạn sẽ mua được một máy ảnh (SLR-Single Lens Reflex) sử dụng phim 135mm (tương đương cảm biến full-frame).
Máy ảnh phim cũng có chất lượng thiết kế cao hơn DSLR nên độ bền cao. Có những chiếc với tuổi đời hơn 20 năm chỉ cần tra dầu là lại hoạt động bình thường. Người chơi cũng không phải lo lắng về vấn đề bụi trên cảm biến hay lỗi cảm biến mà DSLR hay gặp vì máy cơ có 36 kiểu cảm biến và sẽ tự thay sau mỗi lần chụp và lên phim.
Ống kính để sử dụng cho máy ảnh phim trước đây cũng được thiết kế thủ công, do đó có độ tinh xảo kỹ càng hơn ống kính được sản xuất hàng loạt hiện nay. Tuy không thể so sánh với các ống cao cấp như dòng L của Canon, hay Nano của Nikon… nhưng ống kính cho máy phim có thể "ăn đứt" các dòng thông thường khác, mà giá lại rẻ.
Một buổi chụp phim bên Hồ Gương (Hà Nội) của các bạn trẻ. (Ảnh: Hiển Xăm).
Tuy nhiên, máy ảnh phim cũng tồn tại một số nhược điểm mà những người đã dùng DSLR rồi khó làm quen.
Những dòng máy phim cổ đòi hỏi người chụp phải rất cẩn thận và chậm rãi. Người chụp phải lấy nét bằng tay, đo sáng bằng mắt, sau khi chụp cũng không thể xem lại ngay lập tức mà phải mang đi tráng. Công đoạn tráng rửa nếu chỉ cần sai sót một chút về thuốc tráng, có thể sẽ mất cả cuộn phim.
Hạn chế về độ nhạy sáng của phim cũng khiến người dùng gặp nhiều khó khăn. Khi đang sử dụng cuộn có ISO 200, người chơi sẽ không thể chụp tốt trong điều kiện thiếu sáng, hoặc đang sử dụng phim có ISO 800 thì khó có thể chụp hoàn hảo ngoài trời nắng. Ngoài ra, khi đã lắp một cuộn phim vào máy, bạn sẽ phải chụp hết cuộn đó rồi mới thay. Và tất nhiên, chất lượng màu sắc của một bức ảnh còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng của cuộn phim bạn dùng.
Máy ảnh cơ có ưu điểm là giá thành đầu tư ban đầu rẻ, nhưng sau đó, người chụp phải đầu tư nhiều tiền hơn vào phim và chi phí tráng rửa. Nếu trước đây một cuộn phim Fuji Superia 200 chỉ có giá 20.000 đồng, nay đã lên tới 35.000 đồng. Giá tráng - scan phim tại Hà Nội trước đây chỉ 15.000 đồng một cuộn, nay cũng lên tới 35.000 đồng. Điều này khiến việc duy trì thú chơi máy ảnh phim với nhiều người cũng còn khó khăn.
>> Một vài kiểu ảnh đẹp về Hà Nội được chụp bằng máy phim.
Tác giả: Hiển Xăm.
Tác giả: Hiển Xăm.
Tác giả: Hiển Xăm.
Tác giả: Pagchun.
Tác giả: Pagchun.
Tác giả: Pagchun.
Tác giả: Pagchun.
Tác giả: Tuanchip.
Tác giả: Tuanchip.
Tác giả: Tuanchip.