Theo TelegraphIndia, các nhà khoa học Ấn Độ đã tổng hợp một loại vật liệu tinh thể hữu cơ có cấu trúc phân tử bên trong độc đáo, có khả năng tự phục hồi khi bị hư hỏng. Để chứng minh khả năng tự phục hồi này, các nhà khoa học đã sử dụng một kim nhọn để kích hoạt các vết nứt từ nhẹ đến nặng trên vật liệu này. Sau khi rút vật nhọn hoặc ngừng tác động lực lên vật liệu thì nó sẽ tự phục hồi trong chưa đầy một giây.
Vật liệu tự phục hồi đã được phát hiện cách đây khá lâu, ở nhiều dạng khác nhau, nhưng thường là mềm và vô định hình. Nói một cách đơn giản hơn, chúng cần một số yếu tố kích thích bên ngoài như nhiệt, ánh sáng hoặc một số tác nhân hóa học để tự phục hồi.
Chilla Malla Reddy, giáo sư Khoa học hóa học thuộc Viện Khoa học giáo dục và Nghiên cứu Ấn Độ (ISSER), là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Vật liệu tự phục hồi của chúng tôi cứng hơn 10 lần so với các vật liệu tự phục hồi khác. Nó có cấu trúc tinh thể, được sắp xếp có trật tự, cấu trúc được ưa chuộng trong hầu hết các ứng dụng điện tử và quang học”.
Nói cách khác, vật liệu này có thể được áp dụng trong các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Một trong những nhà nghiên cứu cũng nói thêm rằng: “Tôi có thể tưởng tượng ứng dụng nó vào trong một thiết bị được sử dụng hàng ngày. Những vật liệu như vậy thậm chí có thể được sử dụng cho màn hình điện thoại di động, loại màn hình này sẽ tự phục hồi nếu chúng bị rơi và có các vết nứt”.