LG Wing: Cảm nhận ban đầu
LG Wing là mẫu smartphone đầu tiên trong dự án Explorer Project của LG. Đây là dự án khá tham vọng, nhằm tìm ra những thiết kế sáng tạo trong thị trường smartphone.
Điểm nhấn của LG Wing là 2 màn hình với thiết kế để màn hình chính phía trên có thể xoay ngang làm lộ ra màn hình phụ thứ hai. Ngoài ra, LG đã rất sáng tạo khi đặt camera trước 32MP ở nửa trên của phần bên dưới, chỉ lộ ra khi màn hình chính xoay ngang.
Thông số kỹ thuật của LG Wing bao gồm chip Snapdragon 765 5G, 8GB RAM, dung lượng lưu trữ 128 hoặc 256GB và pin 4.000mAh. Mặc dù không có con chip mạnh nhất nhưng bù lại camera của LG Wing khá ổn (về mặt thông số).
Màn hình chính của LG Wing có kích thước 6.8 inch, tỷ lệ 20.5:9, sử dụng công nghệ OLED với độ phân giải 2460x1080 pixel. Trong khi đó, màn hình phụ có kích thước 3.9 inch, tỷ lệ 1.15:1, OLED, độ phân giải 1240x1080 pixel.
Phía sau LG Wing có cụm camera khá thú vị, bao gồm camera chính 64MP, camera góc siêu rộng 13MP và một camera "Ultra Wide Big Pixel" 12MP. LG cũng cho biết họ sẽ trang bị cho Wing tính năng "Gimbal Motion Camera" cho camera 12MP của Wing và người dùng có thể sử dụng phần màn hình phụ như tay cầm gimbal.
Chi tiết về màn hình phụ của LG Wing
LG Wing có thể được sử dụng ở hai chế độ: Cơ bản và Xoay. Ở chế độ cơ bản, bạn sẽ dùng Wing như những smartphone bình thường khác. Còn khi ở chế độ xoay, LG cho biết một số ứng dụng nhất định có thể dùng cả hai màn hình hoặc người dùng có thể mở 2 ứng dụng cùng lúc trên mỗi màn hình (như video dưới đây).
Trong các video rò rỉ trước đó, LG Wing tỏ ra rất hữu ích khi hỗ trợ lái xe, chơi game... LG còn đưa ra ví dụ về việc người dùng có thể vừa xem video trên màn hình chính vừa nhắn tin trên màn hình phụ...
Hiện tại vẫn chưa rõ có bao nhiêu ứng dụng hỗ trợ LG Wing. Tuy nhiên, chắc chắn số lượng ứng dụng hỗ trợ Wing và sự hữu ích của smartphone này sẽ được cải thiện theo thời gian.
LG cũng cung cấp một tính năng có tên Multi App, cho phép người dùng tạo phím tắt để khởi động nhanh một cặp ứng dụng cùng lúc trên hai màn hình. Ví dụ, bạn có thể cài đặt YouTube và Google Chrome thành một cặp và khởi động chúng bằng một phím tắt khi cần vừa xem video vừa lướt web...
Về độ bền, LG nói rằng bản lề của Wing có thể chịu được 200.000 lần xoay, tương đương hơn 100 lần xoay mỗi ngày trong 5 năm. Mặt sau của màn hình chính cũng được trang bị một loại vật liệu đặc biệt để không làm xước màn hình phụ và giúp chuyển động xoay mượt mà hơn.
‘Giải phẫu’ LG Wing: Cơ cấu bản lề xoay cực kỳ độc đáo, kết cấu linh kiện siêu phức tạp
LG từ trước đến nay là nhà sản xuất luôn được đánh giá cao ở khả năng sáng tạo, và LG Wing chính là một trong những sản phẩm thể hiện rõ tinh thần đó. Với cơ chế hai màn hình xoay ngang kiểu chữ T độc đáo, không quá khi nói rằng đây là chiếc smartphone “phải sở hữu” đối với những người yêu thích sự độc, lạ.
Để tạo ra một sản phẩm công nghệ sáng tạo như vậy, bên cạnh các yếu tố như ý tưởng và thiết kế bên ngoài, cách sắp xếp linh kiện phần cứng bên trong sao cho hoàn hảo cũng là yếu tố tối quan trọng. Ở khoản này, có thể nói LG Wing là một “kỳ quan” trong thế giới smartphone đương đại. JerryRigEverything vừa có màn giải phẫu mẫu smartphone mới nhất của LG để tìm hiểu xem nhà sản xuất Hàn Quốc đã làm thế nào để tạo ra một sản phẩm độc đáo như vậy, và kết quả đã không khiến người xem thất vọng:
LG đã sử dụng cơ chế xoay đặc biệt để đảm bảo chuyển động xoay của bản lề được diễn ra trơn tru: kết hợp giữa lò xo, ray dẫn và ống giảm chấn thủy lực siêu nhỏ. Một lò xo sẽ đảm nhận nhiệm vụ giúp màn hình chính phía trên xoay ngang hoàn toàn 90° khi ở trạng thái mở, sau đó một lò xo khác giúp đưa màn hình về tư thế dọc ban đầu. Trong khi làm mượt chuyển động chính là nhiệm vụ của một hệ thống van điều tiết thủy lực siêu nhỏ.
Bên cạnh đó, để chống trơn trượt, bụi bẩn và tránh trầy xước màn hình phụ phía dưới, LG đã sử dụng chất liệu Polyoxymethylene nhiệt dẻo phủ vào mặt sau của màn hình chính, đồng thời thiết kế một khoảng lõm nhỏ ngăn không cho bụi bẩn lọt vào giữa 2 màn hình.
LG đã thử nghiệm cơ chế xoay của Wing và cho biết bản lề này có độ bền ít nhất 200.000 chu kỳ. Nói cách khác, nếu mỗi ngày bạn xoay lật 100 lần thì chiếc máy vẫn hoạt động tốt sau 5,5 năm. Bản thân cơ chế này cũng ưu việt ở chỗ nó sử dụng bản lề hình chữ O cho phép cáp ribbon đi xuyên qua một lỗ khoét ở giữa và cấp nguồn cho màn hình chính. Với cơ chế xoay ngang màn hình như của LG Wing, sợi cáp này cần khá nhiều không gian do chuyển động tạo ra là tương đối lớn.
Để đảm bảo khả năng chống nước cho sản phẩm, LG đã sử dụng công nghệ phủ lớp chống nước lên toàn bộ phần linh kiện điện tử, phòng trường hợp nước lọt vào bên trong khung máy và gây hư hại linh kiện. Đây là cách làm phù hợp mới một thiết bị màn hình xoay như LG Wing vốn có khá nhiều khoảng trống. Đồng thời đi ngược lại cơ chế chống nước truyền thống - ngăn nước lọt vào máy ngay từ đầu - của đa số các mẫu smartphone hiện nay.
Lưu ý rằng nguyên mẫu trong video của JerryRigEverything mới chỉ là phiên bản demo. Phiên bản thương mại của sản phẩm có thể được hoàn thiện tốt hơn rất nhiều.
Mức giá và thời điểm lên kệ của LG Wing
Sau gần một tháng giới thiệu LG Wing ra thị trường, nhà sản xuất Hàn Quốc mới chính thức tiết lệ lộ những thông tin đầu tiên về giá bán cũng cũng như thời điểm mở bán của sản phẩm.
Cụ thể theo công bố của LG, LG Wing sẽ lên kệ đầu tháng 10 tới đây tại quê nhà Hàn Quốc, sau đó sẽ tiếp tục cập bến các thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu - hai trong số những thị trường truyền thống của của LG - ngay trước dịp mua sắm cuối năm, theo dự kiến là vào tháng 11.
Về giá bán, mẫu smartphone này sẽ có giá khởi điểm từ KRW1.098.900 (tương đương 21,7 triệu đồng), phù hợp với những gì đã được báo cáo trước khi sản phẩm được công bố chính thức. Tất nhiên giá bán cuối cùng sẽ có sự chênh lệch nhẹ giữa các thị trường, tuy nhiên về tổng thể, đây là mức giá cực kỳ “đáng yêu” đối với một sản phẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố đẹp, độc, lạ, thương hiệu tốt như LG Wing. Đặc biệt là khi so sánh với các đối thủ ở phân khúc smartphone màn hình gập/hai màn hình vốn đều có giá bán trên 1000 USD. Chẳng hạn, Microsoft Surface Duo hai màn hình riêng biệt với bản lề 360 độ có giá khởi điểm 1.399 USD, trong khi Samsung Galaxy Z Fold 2 màn hình gập thậm chí còn có giá bán lên tới 1.999 USD.
Như thường lệ, do LG không còn phân phối sản phẩm chính hãng tại thị trường Việt Nam, nếu bạn muốn sở hữu chiếc smartphone này, cách duy nhất có lẽ là mua máy xách tay. Điểm trừ của các sản phẩm xách tay là sự bất tiện trong bảo hành, hậu mãi. Tuy nhiên sản phẩm lại có giá bán rẻ hơn đáng kể. LG Wing có lẽ cùng phông phải ngoại lệ.