3 năm sau “thảm họa” WannaCry, chúng ta đã học được gì?

WannaCry là một phần mềm độc hại mã hóa dữ liệu đòi tiền chuộc (ransomware) tự lan truyền trên các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows. Sau khi bị phát hiện lần đầu vào tháng 5/2017, nó đã nhanh chóng sở thành một trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất lịch sử an ninh mạng toàn cầu với hàng triệu máy tính bị lây nhiễm, gây thiệt hại ước tính lên tới 8 tỷ USD, kéo theo đó là sự sụp đổ của hàng trăm ngàn tổ chức, doanh nghiệp.

Bằng nỗ lực của cả nhân loại, WannaCry được cho là đã bị “đánh bại” vào cuối năm 2017. Tuy nhiên những ký ức đọng lại về loại mã độc đáng sợ này chắc hẳn vẫn chưa thể phai nhòa trong tâm trí của chúng ta, ở cái thời điểm mà danh sách nạn nhân tăng theo cấp số nhân qua từng giờ. Sau 3 năm, có thể nói chúng ta không quên, nhưng điều quan trọng là chúng ta đã học được gì, có áp dụng bất kỳ bài học nào cho chiến lược bảo mật tổng thể của mình không?

WannaCry
WannaCry

Mối đe dọa vẫn còn đó

Trong năm 2017, WannaCry chủ yếu lây nhiễm trên các hệ thống máy tính và máy chủ lỗi thời, chưa được vá lỗi, cũng như chưa được cập nhật lên phiên bản mới. Chiến thuật này giúp nó nhanh chóng mã hóa thành công lượng lớn dữ liệu và đánh sập các tổ chức, doanh nghiệp trong thời gian ngắn. Số liệu thống kê thời điểm đó cho thấy có tới hơn 95% các hệ thống máy tính nhiễm WannaCry đang chạy những phiên bản chưa được vá lỗi bảo mật của Windows 7. Liên hệ với tình hình hiện tại, vẫn có rất nhiều tổ chức “xem nhẹ” tầm quan trọng của việc cập nhật các hệ thống Windows của mình lên phiên bản mới.

Trên thực tế, một nghiên cứu của Service Now và Ponemon Institute cho thấy 65% doanh nghiệp thừa nhận họ thường không quá quan tâm đến việc cập nhật, vá lỗi hệ thống thường xuyên. Nếu một ngày xấu trời nào đó, “WannaCry thế hệ 2” xuất hiện, không ngạc nhiên khi những kẻ “lười thay đổi” tiếp tục trở thành nạn nhân. Viễn cảnh này không phải không có cơ sở khi ransomware tiếp tục trở thành một trong những phương thức tấn công mạng phổ biến nhất hiện nay.

Khả năng phòng thủ và phục hồi của hệ thống mạng

Vá lỗi và cập nhật hệ thống là những khuyến nghị bảo mật hàng đầu, nhưng chỉ vậy là không đủ để ngăn chặn các hoạt động tội phạm mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. Chúng có thể sử dụng các kỹ thuật tiên tiến xâm nhập và ẩn náu trong hệ thống mạng của doanh nghiệp. Khai thác các lỗ hổng chưa được vá (như đã chứng kiến với WannaCry) và nhắm mục tiêu vào bất cứ sơ hở nào.

Đã đến lúc các tổ chức, doanh nghiệp phải có một cách tiếp cận chủ động hơn đối với vấn đề an ninh mạng, hay đúng hơn là khả năng phòng thủ và phục hồi của hệ thống mạng. Đây là những yếu tố giúp họ giảm thiểu hoặc phòng tránh rủi ro trước các mối đe dọa, và nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay cả khi kẻ tấn công đã vượt qua được hàng rào phòng thủ và xâm phạm tài sản mạng của họ.

Các tổ chức nên đầu tư xây dựng chiến lược an ninh mạng phù hợp, có khả năng phục hồi dựa trên giả định rằng các tác nhân xấu đã thâm nhập được vào hệ thống mạng của họ, và họ phải áp dụng các bước tích cực để bảo vệ tính toàn vẹn của các hệ thống, bao gồm việc triển khai các giải pháp ở bảo vệ 3 thành phần bao gồm:

  • Bảo vệ hệ thống truyền thông/mạng: Cung cấp cho các tổ chức những công cụ cần thiết để phân tích và phát hiện mối đe dọa theo thời gian thực.
  • Bảo vệ hệ điều hành/phần mềm: Mang đến các tổ chức khả năng giữ ổn định hệ điều hành, xác thực tất cả các hoạt động thực thi và chủ động bảo vệ tính toàn vẹn của các ứng dụng cũng như dữ liệu.
  • Bảo vệ cấp phần cứng: Đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống phần cứng trong khi ngăn chặn và xử lý các vấn đề bảo mật.

Về cơ bản, chính sách bảo mật của doanh nghiệp cần được xây dựng thông qua việc xác định cụ thể những loại tài sản dữ liệu, thông tin cần thiết hoặc đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng hoạt động ổn định của bộ máy. Trong đó, nhiệm vụ phát hiện các mối đe dọa có thể xảy đến đối với loại tài sản thông tin này là vai trò của hệ thống phát hiện và phản hồi (detection and response system).

Lịch sử hoàn toàn có thể lặp lại. “Con sâu độc” ransomware tiếp theo có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Các tổ chức cần phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để đối mặt mật với một cuộc tấn công ransomware và đảm bảo hệ thống của họ vẫn kiên cường giữa sự tàn phá nặng nề nhất.

Thứ Ba, 16/06/2020 08:58
32 👨 2.309
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ