Paul Maritz, CEO của VMware cho rằng, trong những năm tới, những dòng dữ liệu khổng lồ sẽ tạo nên đặc điểm của những thiết bị mới, và dẫn đến những thay đổi quan trọng trong hoạt động của các công ty CNTT.
"Thời đại máy tính cá nhân đã mở ra con đường dẫn đến một thế giới tập trung quanh dữ liệu - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Công ty VMware Paul Maritz nói trong bài phát biểu tại Hội nghị GigaOM Structure tại San-Fransisco - Các thiết bị và hạ tầng được tạo nên nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người dùng. Tôi đồng ý với Steve Jobs ở điểm, thời đại máy tính cá nhân đã bước vào giai đoạn kết thúc. Có lẽ, về dài hạn đã đến lúc phù hợp để nói về thời đại "hậu tài liệu".
Máy tính cá nhân (PC) đã được sáng chế nhằm tự động hoá nơi làm việc, nơi các công nhân cổ cồn trắng làm việc chủ yếu để tạo ra những tài liệu được trau chuốt. Nhưng, hiện nay, nhiệm vụ chính đang đặt ra trước mắt mọi người lại liên quan đến việc lọc và đẩy mạnh sự lan truyền những luồng dữ liệu".
Nói cách khác, theo Paul Maritz, giờ đây người ta hấp thu những dòng chảy (stream) thông tin liên tục và hành động dựa trên đó, một sự thay đổi về hành vi mới xảy ra mà chúng ta chưa có từ vựng để diễn tả. Chúng ta bị cuốn vào những dòng chảy đó.
Theo Paul Maritz, chính những luồng dữ liệu đó chứ không phải là những yếu tố nào khác sẽ định hình các đặc tính cho những thiết bị mới, vì dữ liệu sẽ sống lâu hơn và vượt ra ngoài bất kỳ thiết bị phần cứng cụ thể nào mà nó trú ngụ (đây là một đặc điểm cơ bản của dữ liệu đám mây). Trong thời đại mới, mỗi người sẽ được xác định là một tập hợp thông tin cá nhân. Tập hợp thông tin này gắn với họ suốt cuộc đời. Tuy nhiên, có thể có những xung đột trong việc tổ chức, quản lý và khai thác những dữ liệu đó để tạo lợi nhuận. Bài học từ những công ty "hướng khách hàng" như Facebook - một công ty đang phải vật lộn để xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ do người dùng tạo ra - là đừng để bị văng ra bên lề những xu hướng công nghệ chủ đạo.
Khi nói về đám mây, Maritz phân biệt giữa hai loại. Loại thứ nhất là đám mây hướng đến người dùng cá nhân, nơi dữ liệu của người này hay người khác tồn tại mà không bị trói buộc vào thiết bị nào. Với đám mây này, câu hỏi cần làm rõ là ai sở hữu dữ liệu và những ai có quyền đối với dữ liệu người dùng. Nhưng có một điều đã rõ, là thời mà dữ liệu chỉ tồn tại trên một thiết bị duy nhất đã bắt đầu kết thúc. Loại đám mây thứ 2 nhắm đến việc làm giảm sự phức tạp về CNTT trong các doanh nghiệp, nhờ khả năng tự động mở rộng quy mô hạ tầng CNTT.
"Mọi người đang ở trong tình thế phải phát triển những kiến trúc mới có thể xử lý những khối lượng thông tin lớn hơn nhiều lần so với những gì đang lưu hành trong doanh nghiệp - Maritz nhấn mạnh - Do đó, những kiến trúc dữ liệu mới, kiểu như Hadoop, đang được không chỉ các công ty lớn hoạt động trên Internet mà cả các công ty thông thường sử dụng. Các công ty đủ loại đang cố gắng đạt hiệu quả cao hơn bằng việc tổ chức quản lý hạ tầng thông tin. Tự động hoá theo cách lưu chuyển và tối ưu luồng công việc trong môi trường ảo đang là ưu tiên hàng đầu của VMware", Paul Maritz nói.
"Chúng tôi không cho phép bản thân tạo nên những ứng dụng không hỗ trợ các quy trình uyển chuyển và không thể thay đổi quy mô. Mà điều đó lại đòi hỏi những mô hình nào đó khác để xử lý dữ liệu. Các nhà phát triển đã chấp nhận những môi trường lập trình mới, như Ruby và Spring, có thể giúp mở rộng quy mô mà không phải suy nghĩ. Trong công việc của mình, chúng tôi cũng đang cố chứng tỏ đạt hiệu quả cao hơn và chúng tôi sẽ thành công. Tôi tự hào bởi VMware hàng năm cung cấp một phiên bản mới cho phần mềm rất phức tạp của mình. Phiên bản tiếp theo của vSphere sẽ được phát hành cuối năm nay", Maritz nói tiếp.