Google đang thách thức chính mình bằng việc chạy hệ thống Contributor. Dịch vụ này sẽ yêu cầu người dùng đóng một khoản phí hàng tháng để không bị quảng cáo trên website làm phiền.
Dự án bí mật của Google bảo vệ sự trong sạch của quảng cáo
Cụ thể, những ai trả một khoản phí từ 1 – 3 USD hàng tháng sẽ vào website mà không nhìn thấy quảng cáo của Google ads. Thay vào đó, họ sẽ nhận được thông điệp cảm ơn vì sự đóng góp của mình. Một phần của khoản tiền này sẽ được chi trả cho những publisher (những người sở hữu và tạo nội dung cho website). Khách hàng cũng sẽ không bị Google theo dấu nữa.
Hiện tại Google Contributor mới chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm và giới hạn số lượng tham gia. Chỉ những người dùng được mời mới có thể đăng ký dịch vụ này. Hiện chỉ mới có 6 website tham gia vào đợt thử nghiệm này, bao gồm Imgur, Mashable, The Onion, wikiHow, Urban Dictionary và Science Daily.
Vì Google chỉ là một nền tảng quảng cáo, nên người dùng đóng phí cho Google vẫn sẽ thấy những quảng cáo từ mạng lưới khác bình thường.
Google muốn gì?
Google không nói rõ tại sao họ lại đưa vào tính năng này. Nếu nhìn qua, có thể thấy tính năng Contributor rất đối lập với mảng kinh doanh cốt lõi của hãng. Hiện 90% doanh thu của Google đến từ quảng cáo trực tuyến.
Việc yêu cầu người dùng trả một khoản tiền nhỏ để mua nội dung không phải là ý tưởng mới. Một số trang web như Flattr còn trả một khoản thưởng nho nhỏ cho những publisher và những người tạo nội dung. Mặc dù vậy, đưa ra Contributor chắc chắn là một bước đi có suy tính của Google.
Một khi Contributor đã "đè" lên mảng kinh doanh cốt lõi là quảng cáo, thì mức phí hàng tháng mà Google thu vì chí ít cũng phải tương xứng với số tiền họ có thể lấy từ túi người dùng nhờ quảng cáo.
Hiện chưa rõ hệ thống này sẽ làm thế nào để mang lại lợi ích cho những nhà xuất bản (publisher). Thực tế, các publisher có thể yêu cầu thu phí riêng và thu về 100% khoản tiền đó (không phải chia với Google), đồng thời vẫn có thể treo quảng cáo bình thường.
Darin Brown, EMEA CEO của Possible cho biết: "Kể từ khi có publisher trên Internet, chúng ta đã bàn tới một mô hình người dùng trả phí". Với Contributor, người dùng có thể sẽ tiếp nhận được nhiều nội dung tốt hơn trước.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng hầu hết thế giới Internet sống nhờ tiền từ quảng cáo. Trả lời Wall Street Journal, Netflix cho biết, họ thích mô hình như Contributor nhưng vẫn khá hoài nghi rằng mô hình này có thể hoạt động trên quy mô lớn.
Nick Stringer, phát ngôn viên của IAB Anh trích dẫn số liệu cho thấy đa số người dùng một lượng lớn website trên Internet sẽ “biến mất” nếu không có quảng cáo. “Quảng cáo là nguồn tiền để tạo ra một lượng lớn nội dung và dịch vụ trên internet, cũng như giúp người tiêu dùng tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu. Để lôi kéo người dùng thay đổi thói quen này, Contributor nên bổ sung thêm một số tính năng, chẳng hạn như "free-mium" (cho phép dùng miễn phí những tính năng thông thường và trả phí cho những tính năng cao cấp", Stringer nhận định.
Ý tưởng thiên tài?
Ở mặt ngược lại, một số chuyên gia lại đánh giá ý tưởng này của Google là “thiên tài”, khi đánh giá Contributor sẽ mang lại những giá trị lớn cho cả nhà tiếp thị lẫn Google.
Andrew Frank, chuyên gia của But Gartner cho rằng, thông qua Contributor, Google sẽ tạo ra một lớp người dùng “rất khó tiếp cận” bằng quảng cáo thông thường. Sau đó, Google sẽ giúp các nhà tiếp thị tìm tới những cá nhân đặc biệt này.
Kể cả khi người dùng trả phí không còn “theo dấu” nữa, Google vẫn có thể so sánh thói quen người dùng thông qua những website họ chặn quảng cáo và những website không, sau đó bán thông tin này cho nhà tiếp thị.
Tính năng Contributor cũng sẽ tăng vị thế của Google trong mắt các publisher, nhóm lo ngại nhất về vai trò độc tôn của Google trên thị trường tìm kiếm online. Liên minh châu Âu đang đòi Google tách riêng mảng tìm kiếm ra để ngăn chặn sự thống trị này.
Mặc dù vậy, Frank cũng nhận định Contributor sẽ khó có thể hoạt động như một cách độc lập. Rủi ro lớn nhất vẫn là việc Contributor không thể thu hút người dùng, vốn đã quen với việc đọc nội dung miễn phí và chấp nhận xem quảng cáo. Còn với những người "cực ghét" quảng cáo, họ có thể sử dụng các phần mềm chuyên chặn quảng cáo, vốn rất phổ biến trên Internet.
"Kể cả khi trường hợp đó xảy ra, đó vẫn là kịch bản thành công với Google khi cho thấy, người tiêu dùng sẵn sàng ngồi xem quảng cáo ngay cả khi họ có lựa chọn trả tiền để được xem trực tiếp nội dung", Frank nhận định.