2 năm vừa qua chính là khoảng thời gian “ác mộng” với các game thủ cũng như những người có nhu cầu sở hữu card đồ họa rời nói chung, nhưng có hầu bao không quá dư giả. Thị trường card đồ họa toàn khí đó ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở mức tồi tệ chưa từng có, dẫn đến giá bán GPU tăng gần như mất kiểm soát, cao gấp nhiều lần so với giá niêm yết ban đầu của nhà sản xuất.
Về cơ bản, có hai nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này:
- Đầu tiên là sự thiếu hụt các thành phần GPU trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường đang là rất cao. Bên cạnh đó là sự đứt quãng trong chuỗi cung ứng do tác động từ đại dịch.
- Thứ hai, vô số bo mạch đồ họa được mua để đào coin trước khi bán lẻ, điều này làm giảm đáng kể nguồn cung vốn đã hạn chế.
Hiện tại, chuỗi cung ứng đã được nối lại do COVID-19 đươc kiểm soát tốt trên toàn cầu, cùng sự tụt dốc của thị trường tiền điện tử đã mang giá bán GPU “trở về mặt đất”. Cụ thể, giá bán và tính khả dụng của thị trường card đồ họa toàn cầu đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây. Hầu hết các model ăn khách của NVIDIA, AMD đều đã trở về với mức giá niêm yết, và việc sở hữu cũng không quá khó khăn.
Trong báo cáo tài chính quý 2/2022, NVIDIA đã xác nhận vấn đề "hàng tồn kho dư thừa" của dòng sản phẩm RTX 3000-series đã được giải quyết hiệu quả, vì “nguồn cung cuối cùng đã bắt đầu ổn định so với nhu cầu của thị trường”.
Giám đốc điều hành NVIDIA, CEO Jensen Huang, cho biết công ty của ông đã “lên kế hoạch và triển khai hàng loạt chương trình định giá các sản phẩm hiện tại để "chuẩn bị cho sự ra đời của những sản phẩm thế hệ tiếp theo”. Không có khả năng công ty sẽ điều chỉnh giá niêm yết các sản phẩm mang thương hiệu NVIDIA của riêng mình (trước đây được gọi là card “Founders Edition”), nhưng đổi lại, công ty lại đang lên kế hoạch giảm giá cho các đối tác phần cứng lớn như EVGA, ASUS và MSI. Do đó, hầu hết các mẫu card đồ họa GeForce bán ra trên thị trường thời gian tới có thể trở nên rẻ hơn, đặc biệt nếu các đối tác NVIDIA đang xử lý lượng hàng tồn kho dư thừa.
Ngoài ra, việc giảm giá cũng sẽ được các bên triển khai mạnh mẽ khi NVIDIA chuẩn bị tiết lộ dòng card đồ họa thế hệ mới trong tháng 9 này. Vấn đề không chỉ ở chỗ giảm giá sản phẩm cũ để dọn đường cho sản phẩm mới, mà bản thân NVIDIA cũng đang phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn bao giờ hết. Đơn cử như việc chip M-series đang được Apple tiến tới sử dụng trong các dòng máy trạm MacBook Pro và Mac Studio cao cấp có thể xử lý một số khối lượng công việc hiệu quả không kém gì card đồ họa GeForce (mặc dù vẫn thiếu hỗ trợ cho hầu hết các trò chơi PC). Đó là còn chưa kể việc Intel thì cũng đang tỏ ra rất quyết tâm và nghiêm túc với dòng sản phẩm GPU Arc của riêng mình. Tóm lại, việc giảm giá sản phẩm là yêu cầu tất yếu mà NVIDIA buộc phải chấp nhận, cho dù có muốn hay không.