Một ngày đẹp trời, bạn dắt xe đạp ra phố, tính đạp vài vòng cho thư giãn đầu óc, không quên bật tính năng theo dõi vị trí trên điện thoại để xem mình đi được bao xa, và rồi đột nhiên bạn gặp rắc rối với pháp luật. Đây chính xác là những gì mà người đàn ông đen đủi này gặp phải.
Anh Zachary McCoy, sống tại Gainesville, Florida, Hoa Kỳ, vô tình đạp xe ngang qua một khu nhà vừa xảy ra vụ trộm, đồng thời bật tính năng theo dõi vị trí trên điện thoại và chính điều này đã biến anh trở thành nghi phạm của vụ án.
McCoy đã sử dụng ứng dụng RunKeeper để theo dõi buổi đạp xe của mình, đồng thời bật tất cả các dịch vụ định vị của Google, cho phép ứng dụng và Google theo dõi vị trí của mình theo thời gian thực. Buổi tập kết thúc, McCoy về nhà và sau đó nhận được một email thông báo từ nhóm hỗ trợ điều tra pháp lý của Google. Nội dung Email cho biết cảnh sát địa phương đã yêu cầu thông tin liên quan đến tài khoản Google của anh do nghi ngờ McCoy liên quan đến vụ trộm. Mặc dù điều này là không đủ để cảnh sát buộc tội McCoy, nhưng đã khiến anh gặp không ít rắc rối với cơ quan điều tra quận Gainesville.
McCoy nói rằng anh ấy không biết nạn nhân và chưa bao giờ đến thăm ngôi nhà này, nhưng cảnh sát yêu cầu anh phải đưa ra bằng chứng ngoại phạm thuyết phục hơn bởi dữ liệu vị trí mà họ thu được từ Google cho thấy anh ở rất gần khi vụ trộm xảy ra. Cha mẹ McCoy phải chi một khoản tiền lớn để thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh. Vị luật sư được thuê đã tìm hiểu kỹ hơn và phát hiện ra rằng email từ Google kể trên có liên quan tới lệnh khám xét theo phạm vi – thứ cho phép phía cảnh sát có thể quét dữ liệu vị trí xung quanh hiện trường vụ án.
Như vậy, Google rõ ràng đã chia sẻ dữ liệu vị trí ẩn danh của McCoy cho cảnh sát. McCoy sử dụng một chiếc điện thoại Android liên kết với tài khoản Google của mình, và cảnh sát dường như muốn truy cập vào tất cả dữ liệu sử dụng và vị trí của anh trong những ngày trước, trong và sau khi vụ trộm diễn ra.
Tuy lo lắng, nhưng McCoy vẫn giữ được bình tĩnh để xâu chuỗi lại sự việc. Anh mở ứng dụng RunKeeper trên điện thoại, tra cứu lộ trình đạp xe của mình vào ngày xảy ra vụ trộm và nhận ra rằng mình đã đi qua ngôi nhà đó tới 3 lần chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Toàn bộ đều được lưu trữ lại, và Google đã thu thập thông tin này để cung cấp cho phía cảnh sát khi được yêu cầu.
Sau nhiều ngày trời đấu tranh, cuối cùng sự cố gắng của McCoy và luật sư đã được đền đáp. Cơ quan hành pháp Gainesville buộc phải thu lại lệnh dò xét của mình, rút lại yêu cầu thu thập dữ liệu Google của McCoy và loại bỏ anh ra khỏi danh sách tình nghi. Tuy nhiên những tranh cãi về cách thức Google thu thập dữ liệu người dùng, sử dụng dữ liệu này ra sao, và vấn đề quyền riêng tư cũng như quyền sở hữu dữ liệu cá nhân sẽ còn được nhắc đến rất nhiều trong thời gian tới.
>> Google thu thập dữ liệu vị trí của Android ngay cả khi đã tắt dịch vụ định vị