Khoảng 2 năm trước, tờ tạp chí công nghệ nổi tiếng Wired đã cho xuất bản một bài viết gây chú ý trên toàn thế giới với tiêu đề: “The Cloud Computing Era Could Be Nearing Its End” (tạm dịch: Kỷ nguyên điện toán đám mây có thể sắp kết thúc). Trong đó, tác giả Jeremy Hsu cho rằng vấn đề về độ trễ, và một số bất lợi khác liên quan đến kỹ thuật lưu trữ có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho điện toán đám mây, đồng thời mở ra kỷ nguyên chiếm lĩnh thị trường của điện toán ranh giới (edge computing).
Tuy nhiên quan điểm “cấp tiến” về tương lai điện toán đám mây của tác giả có vẻ như sẽ không thành sự thực, khi mà nền tảng dịch vụ lưu trữ này đang có những bước chuyển mình tương đối mạnh mẽ. Theo thông tin từ trang mạng xã hội doanh nghiệp lớn nhất thế giới LinkedIn, kỹ năng cứng (hard skill) số 1 mà hầu như tất cả các doanh nghiệp lớn đều đang tìm kiếm đối với nhân viên của mình trong năm 2019 này chính là khả năng làm việc linh hoạt với điện toán đám mây. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào tháng 11 năm ngoái, Daniel Zhang, Giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, cho biết điện toán đám mây không chỉ sẽ trở thành mảng kinh doanh chính yếu của Alibaba, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa, đến mức mọi doanh nghiệp trong tương lai sẽ đều phải hoạt động dựa vào đám mây.
Trên thực tế, hầu hết mọi thứ trong thế giới kỹ thuật số hiện nay đều đã được kết nối với đám mây theo một cách thức nào đó, ngoại trừ những dữ liệu được lưu trữ cục bộ vì lý do bảo mật.
Công trình nghiên cứu “Cloud Vision 2020” của đội ngũ LogicMonitor đã đi tới kết luận có đến 83% khối lượng công việc của các doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ được đưa lên đám mây trong vòng khoảng 1 năm tới. Thêm vào đó, báo cáo của SmartCompany trong năm 2018 cũng cho thấy công nghệ đám mây chỉ đứng sau điện thoại thông minh về mặt tác động đối với doanh nghiệp trong khoảng thời gian 5 năm qua. Có thể nói, dịch vụ đám mây đã vươn ra ngoài phạm vi, nhu cầu của riêng các công ty công nghệ, mà đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc đủ mọi lĩnh vực khác nhau.
Với trường hợp này, không quá khó để tưởng tượng rằng trong tương lai - có thể ngay sau 5 hoặc 10 năm nữa - gần như tất cả các doanh nghiệp sẽ hoạt động chủ yếu trên đám mây, với ý nghĩa chiến lược về hiệu quả chi phí, năng suất cũng như tính linh hoạt mà nền tảng dịch vụ này mang lại.
Thế nhưng theo nhận định của các chuyên gia, nền tảng đám mây mà chúng ta có thể thấy trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa trông sẽ tương đối khác biệt so với những gì mà chúng ta có hiện nay, cụ thể là trên 4 khía cạnh chính. Vậy những khía cạnh này là gì và sự thay đổi sẽ diễn ra như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.
4 khía cạnh chính về sự thay đổi của điện toán đám mây
Trải nghiệm người dùng
Đúng vậy, khía cạnh sẽ xuất hiện sự thay đổi đầu tiên và rõ rệt nhất tất nhiên sẽ là trải nghiệm người dùng. Một trong những lý do chính khiến Apple chiếm lĩnh thị trường điện thoại thông minh là vì trải nghiệm người dùng mà các sản phẩm của hãng mang lại quá tốt, nhận được sự hài lòng cao từ phía khách hàng. CEO huyền thoại, người đặt nền móng cho sự thành công của mảng smartphone Apple, Steve Jobs nổi tiếng là người luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đến mức “ám ảnh” về việc làm sao để mỗi sản phẩm khi xuất xưởng đều phải mang lại trải nghiệm người dùng tối ưu nhất. Jobs đã từng nói rằng thiết kế của một sản phẩm không chỉ dừng lại ở việc sản phẩm đó trông ra sao hay cách thức người dùng cảm nhận sản phẩm như thế nào, mà còn quyết định đến cách thức vận hành của sản phẩm, sao cho có thể đem lại sự thoải mái, tiện lợi tối đa cho người sử dụng.
Ngày nay, trải nghiệm người dùng tiếp tục là yếu tố khác biệt chính trong tất cả các lĩnh vực và không gian đám mây cũng không phải ngoại lệ. Chẳng có lý do gì để các dịch vụ đám mây trì hoãn việc thay đổi nhằm mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Những tổ chức, doanh nghiệp (và sản phẩm) gặt hái được thành công trong một thị trường đông đúc với tính cạnh tranh cao hơn sẽ là những đối tượng có thể kết hợp chức năng với trải nghiệm người dùng theo hướng tối ưu cũng như toàn diện hơn, và lấy đó làm lợi thế cạnh tranh. Trong tương lai gần, chúng ta có thể sẽ phải chú ý nhiều hơn đến việc tạo ra một nền tảng đám mây với thiết kế đơn giản hơn, tối giản hết mức có thể. Và chính sự tối giản này sẽ là nhân tố thu hút người dùng phổ thông, sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh cơ bản, ít ngôn từ mang tính kỹ thuật - nói cách khác, những người bị “dị ứng” với sự phức tạp của công nghệ đám mây hiện nay. Nói về trải nghiệm người dùng, chúng ta đã được chứng kiến IBM tỏ ra nhanh nhạy thế nào trong việc thay đổi mình để hướng tới trải nghiệm tốt hơn so với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác - những người vốn chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề thông qua nỗ lực cải thiện chức năng thuần túy không mấy hiệu quả. Giao diện và khả năng sử dụng của nền tảng đám mây IBM Cloud đã được công nhận rộng rãi tại lễ trao Giải thưởng Thiết kế Indigo 2019 vừa qua, và đó có lẽ là thứ mà chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều hơn trong tương lai.
Dịch vụ máy tính di động (Desktop-as-a-Service)
Chúng ta nhiều khả năng cũng có thể thấy nhu cầu sử dụng rộng rãi hơn đối với dịch vụ máy tính di động (DaaS), mô tả hoạt động cơ sở hạ tầng máy tính để bàn ảo của bên thứ ba. DaaS là một giải pháp an toàn, tiết kiệm chi phí, dễ sử dụng cũng như dễ dàng mang theo - bạn có thể sử dụng giải pháp này trên một chiếc máy tính hay bất kỳ thiết bị nào. DaaS tỏ ra đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp trong bối cảnh việc quản lý máy tính để bàn truyền thống đang gặp nhiều thách thức. Đầu tư vào phần cứng máy tính để bàn có thể xem là một khoản chi phí vốn đáng kể, đặc biệt là với các tổ chức, công ty lớn. Và việc phải quản lý các thiết bị này hằng ngày cũng sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian. Cụ thể hơn, với DaaS, dữ liệu cá nhân của nhân viên một doanh nghiệp có thể được sao chép vào và sao chép từ máy tính để bàn ảo của họ mỗi khi họ đăng nhập hoặc tắt máy, tạo ra một môi trường làm việc ảo tốc độ cao hơn máy tính để bàn thông thường, khả năng bảo mật thông tin chấp nhận được, thời gian chết ít hơn, chi phí vận hành thấp hơn, và hoạt động theo mô hình tổ chức quy mô lớn vô cùng trực quan. Trong khi đó, quyền truy cập vào dữ liệu sẽ độc lập với thiết bị, vị trí hoặc mạng, giúp cho nhu cầu làm làm việc từ xa có thể được triển khai một cách “mượt mà” và đồng thời giúp giảm đáng kể khả năng xảy ra lỗi bắt nguồn từ con người (thường là lỗi tương đối nghiêm trọng). Báo cáo thị trường toàn cầu năm 2018 của DaaS đưa ra dự báo rằng thị trường cho DaaS sẽ tăng từ 650 triệu đô la trong năm 2017 lên mức 4.67 tỷ đô la vào năm 2022, và nếu xét trên tình hình thực tế hiện nay, điều này là hoàn toàn khả thi.
Tích hợp ứng dụng lồng ghép vào đám mây
Về lý thuyết, mọi thứ đều có thể chạy trên đám mây, thế nhưng việc chạy nhiều nền tảng đám mây cùng một lúc có thể đặt ra những thách thức lớn, chẳng hạn như làm thế nào để đảm bảo tuân thủ quy định dữ liệu. Đó là lý do Phần mềm dạng dịch vụ (Software-as-a-Service - SaaS) xuất hiện. SaaS là một mô hình phân phối dành cho phần mềm, theo đó thay vì tải xuống phần mềm để chạy cục bộ trên PC cá nhân, chương trình hoặc ứng dụng sẽ được lưu trữ bởi nhà cung cấp bên thứ ba và sau đó được truy cập bởi người dùng thông qua kết nối internet và hiển thị dựa trên giao diện trình duyệt web. Các ứng dụng SaaS còn được gọi là phần mềm dựa trên web, phần mềm theo yêu cầu và phần mềm được lưu trữ.
Slack - công ty SaaS có tốc độ phát triển nhanh nhất hành tinh - đã từng cho thấy mô hình Phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) có thể hoạt động hiệu quả như thế nào, và thành công của sáng kiến này được thể hiện qua tỷ lệ chuyển đổi từ dùng thử sang trả phí chiếm tới 30%. Về cơ bản, Slack tích hợp với các ứng dụng khác nhau như Trello, Giphy và Simple Poll vào cùng một nền tảng để người dùng có thể truy cập vào tất cả ứng dụng hữu ích này từ một nền tảng duy nhất khi cần thiết, vô cùng tiện lợi cũng như tiết kiệm thời gian. Đây là điều mà chúng ta chắc chắn sẽ được chứng kiến xuất hiện ngày càng phổ biến trong điện toán đám mây khi các nhà cung cấp dịch vụ để ý nhiều hơn đến việc giúp các doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân có trải nghiệm nhiều ứng dụng, tiện ích khác nhau trên nền tảng của họ một cách dễ dàng hơn.
Theo ước tính của Gartner, doanh số SaaS trong năm 2018 đã tăng 23% so với năm 2017, lên 72 tỷ USD, và xu hướng này chắc chắn sẽ được duy trì trong vài năm tới.
Sử dụng đám mây như một dịch vụ mặc định
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều dữ liệu được đưa lên đám mây, ngày càng có nhiều hoạt động diễn ra trên đám mây, thuật ngữ “đám mây” có thể sẽ biến mất hoàn toàn (và các công ty có sử dụng đến từ “cloud” trong tên có thể cần phải suy nghĩ lại về thương hiệu của mình). Thứ mà chúng ta gọi là điện toán đám mây (cloud computing) hiện nay có thể sẽ được thay đổi, chỉ còn đơn giản là “điện toán” (computing) như thông thường. Và có lẽ, nhìn rộng ra hơn nữa, thuật ngữ “as-a-Service” cũng sẽ biến mất, khi SaaS thay thế gần như hoàn toàn cho phần mềm truyền thống.
Sở dĩ nói như vậy là bởi các dịch vụ đám mây trong tương lai có thể được sử dụng rộng rãi đến mức được coi như một dịch vụ mặc định phải có. Trong công nghệ, bạn không bao giờ có thể chắc chắn về bất cứ điều gì thuộc về tương lai. Mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng và theo những cách không ngờ tới, và một số thay đổi mà chúng ta đã thấy trong vòng 10 năm qua vốn trước đây được coi là không tưởng, nhưng thực tế chúng đã diễn ra, và thay đổi cách thức tương tác cũng như vận hành của thế giới công nghệ. Tuy nhiên trong trường hợp này, chúng ta có thể đưa ra dự đoán với “sự tin tưởng cao” về việc điện toán đám mây không chỉ tồn tại như một dịch vụ internet đơn thuần, mà còn được thiết lập để khiến cho sự hiện diện của nó được biết đến theo những cách có tác động rõ rệt hơn bao giờ hết đến cuộc sống hiện đại. Và đó là một triển vọng thú vị không chỉ cho những những tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực công nghệ, mà còn cho tất cả mọi người.