Google và nhiều công ty công nghệ lớn khác đang lặng lẽ triển khai những dự án có thể thay đổi trật tự thế giới internet

Google đã bỏ túi hàng tỷ đô la lợi nhuận thu được từ các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây, và bây giờ, họ đang sử dụng số tiền này để đầu tư cho một công trình vĩ đại, có thể gây ảnh hưởng sâu rộng cho toàn bộ thế giới internet - đó chính là tuyến cáp ngầm “xương sống”, nối liền 2 đầu lục địa châu Mỹ.

Vào tháng 2 vừa qua, gã khổng lồ Mountain View đã chính thức tuyên bố bắt đầu triển khai đầu tư và xây dựng tuyến cáp Curie - một tuyến cáp quang ngầm dưới biển mới, trải dài từ California, Hoa Kỳ đến quốc gia nam Mỹ Chile. Nếu thành công, đây sẽ là tuyến cáp internet liên lục địa đầu tiên trên thế giới được thiết kế, xây dựng và quản lý bởi một công ty tư nhân không hoạt động trong lĩnh vực viễn thông. Được biết, trước đây Google cũng đã từng là một trong những công ty tư nhân đầu tiên chế tạo thành công một tuyến cáp ngầm (với quy mô nhỏ).

Tuyến cáp Curie

Trên thực tế, đa số các tuyến cáp ngầm trên thế giới đều thuộc quyền sở hữu của các nhóm công ty tư nhân lớn - chủ yếu là những tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, đến năm 2016, lĩnh vực này đã có những thay đổi đáng kể với sự góp mặt của nhiều nhà cung cấp nội dung khổng lồ. Các tập đoàn như Facebook, Microsoft, Google và Amazon dường như đều ấp ủ nguyện vọng thống trị thế giới cáp ngầm dưới đáy đại dương trong bối cảnh mà nhu cầu lắp đặt những tuyến cáp biển mới đang ngày càng trở nên cấp thiết trước sự phát triển bùng nổ của internet toàn cầu hóa.

Có thể nói nhân loại đang dần bước chân vào kỷ nguyên tiếp theo trong sự phát triển chung của thế giới internet, và sự đổi mới rõ rệt nhất nhiều khả năng sẽ xuất hiện trong lĩnh vực khai thác các tuyến cáp ngầm - một nơi mà chỉ “những người chơi lớn”, có đủ năng lực và trách nhiệm mới có thể thực sự trở thành kẻ chiến thắng.

Khai thác các tuyến cáp ngầm

Sẽ nhanh thôi, có thể là từ ngay ngày mai, người tiêu dùng sẽ cần phải sớm đưa ra quyết định về việc họ thực sự muốn đặt bao nhiêu niềm tin vào các công ty cung cấp dịch vụ internet cũng như chịu trách nhiệm quản lý những sợi dây kết nối thế giới đang nằm sâu dưới đại dương kia. Vấn đề không chỉ nằm ở việc phải đảm bảo một kết nối nhanh, ổn định, mà còn có thể kéo theo những vấn đề về cuộc sống riêng tư của mỗi chúng ta trong thế giới internet.

Đã bao giờ bạn thắc mắc về quy mô của các tuyến cáp quang đang nằm sâu hàng chục, hàng trăm mét nước dưới đáy biển chưa? Những tuyến cáp ngầm này nằm rải rác dưới đáy tất cả các đại dương trên toàn trái đất, gánh trọng trách truyền tải từ 95 đến 99% dữ liệu mạng quốc tế thông qua các bó cáp quang có đường kính tương đương với một chiếc vòi nước trong vườn nhà bạn. Theo thống kê, có tới hơn 700.000 dặm (tương đương với khoảng 1.126.541km) cáp ngầm đang được sử dụng ngày nay.

Nếu dự án xây dựng tuyến cáp Curie được hoàn thành vào cuối năm nay theo đúng như dự kiến, gã khổng lồ Mountain View sẽ chính thức nắm trong tay 16.790km cáp ngầm quốc tế dưới đáy biển.

Ngoài ra, trong khi trước đây, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thường đầu tư xây dựng những tuyến cáp biển nhằm tận dụng quyền sở hữu đối với tuyến cáp để bán băng thông internet, thì ở thời điểm hiện tại, các nhà cung cấp nội dung như Facebook, Microsoft, Google... lại đang có cách tiếp cận với chủ đích hoàn toàn khác biệt.

Google hiện đang là nhà cung cấp nội dung đi đầu trong trong việc đầu tư xây dựng những tuyến cáp ngầm của riêng mình. Nếu dự án xây dựng tuyến cáp Curie được hoàn thành vào cuối năm nay theo đúng như dự kiến, gã khổng lồ Mountain View sẽ chính thức nắm trong tay 16.790km cáp ngầm quốc tế dưới đáy biển.

Kết hợp với số km cáp ngầm đang được sở hữu bởi những công ty lớn khác như Facebook, Microsoft, và Amazon, đang có tổng cộng khoảng 102.362km cáp ngầm được sở hữu bởi các doanh nghiệp tư nhân nằm ngoài lĩnh vực viễn thông. Số cáp này tương đương với gần 2.5 lần chiều dài đường xích đạo (trong đó nhiều tuyến cáp vẫn chưa được đưa vào vận hành).

Động lực nào đứng đằng sau các dự án cáp ngầm của Google

Sự bùng nổ trong nhu cầu đầu tư vào các dự án cáp ngầm trên toàn thế giới nói chung và của Google nói riêng hoàn toàn có thể được giải đáp nhanh chóng khi bạn nhìn vào sự tăng trưởng trong lưu lượng truy cập internet toàn cầu đã diễn ra trong thập kỷ qua.

Ví dụ, tại khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, các nhà cung cấp nội dung chiếm hơn một nửa tổng nhu cầu về băng thông cáp ngầm trong năm 2017. Trên thực tế nhu cầu sử dụng dữ liệu của nhà cung cấp nội dung đã tăng vọt từ dưới 8% lên gần 40% trong 10 năm trở lại đây.

Cáp quang internet

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý ở đây rằng các số liệu thống kê tương tự sẽ thấp hơn đáng kể khi nói đến khu vực Châu Phi và Trung Đông. Điều này cho thấy các quốc gia phát triển có nhu cầu cao hơn rõ rệt, và ứng dụng đám mây chính là động lực làm nên xu hướng này. Ngoài ra, cũng phải nhắc đến tình hình sử dụng băng thông quốc tế tổng thể giữa các quốc gia vốn có sự chênh lệch không hề nhỏ theo khu vực cũng như thói quen sử dụng internet của người dân mỗi nước. Lấy ví dụ đơn giản, trong cả năm 2017, Ấn Độ chỉ sử dụng cả thảy 4.977Mbps băng thông quốc tế, trong khi Hoa Kỳ đã sử dụng tới 4.960.388Mbps - một mức chênh lệch đáng kinh ngạc.

Thực tế mà nói thì việc đẩy mạnh tư nhân hóa cơ sở hạ tầng internet sẽ giúp làm giảm giá dịch vụ nói chung, và đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chắc chắn là người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn liên quan đến đạo đức mà bây giờ chúng ta phải đối mặt: Liệu việc xuất hiện thêm một mạng internet riêng có thực sự mang lại lợi ích đủ lớn? Hay chúng ta sẽ tiếp tục duy trì và “bảo tồn” nền tảng World Wide Web như hiện tại?

Thật không may đây lại là những câu hỏi thực sự “hóc búa”. Khi nhìn về tương lai của thế giới internet, chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi đại loại như internet thực sự sẽ trông như thế nào khi các nhà cung cấp dịch vụ nội dung vốn thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người nay cũng có thể kiểm soát những tuyến đường internet riêng, và mặc sức quản lý theo ý mình. Cơ sở hạ tầng internet được tư nhân hóa có thể mang lại lợi ích chưa từng có cho người tiêu dùng trong thời gian ngắn, nhưng những hệ lụy lâu dài mà nó gây ra cũng rất đáng để suy xét!

Thứ Hai, 08/04/2019 09:15
52 👨 272
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ