Đại dịch đã có tác động thế nào đến xu hướng sử dụng thiết bị của người dùng công nghệ?

Doom-scrolling là một tiếng lóng mới ra đời trong “thời đại” COVID-19 hoành hành toàn cầu. Ý nghĩa của nó là ám chỉ việc mọi người gần như không rời mắt khỏi điện thoại và máy tính, lướt liên tục trên điện thoại, tìm kiếm và cập nhật tin tức mới nhất trên các mạng xã hội, báo điện tử. Đây là điều người ta hay làm để xem có nội dung gì mới hay không do quá rảnh rỗi trong thời gian giãn cách xã hội, hoặc chỉ đơn giản muốn cập nhật liên tục tin tức mới về đại dịch.

Nghiên cứu mới nhất từ công ty phân tích thị trường App Annie đã cho thấy sự ra đời của “Doom-scrolling” là hoàn toàn có cơ sở. Thống kê thực tế cho thấy người dùng công nghệ trên toàn thế giới đã dành tới hơn 3,3 nghìn tỷ giờ “dán mắt” vào màn hình điện thoại, máy tính bảng - tăng tới 25% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, báo cáo của App Annie cũng cho thấy rằng việc nhiều người trong số chúng ta có thói quen lướt Twitter, Facebook hoặc Instagram một cách “vô thức” cả ngày lại không phải là yếu tố có đóng góp lớn nhất cho mức tăng 25% này. Ngược lại, việc nhiều người phải làm việc tại nhà do cách ly xã hội đã khiến thời gian dành cho các ứng dụng hội nghị trực tuyến và công việc như Zoom, Microsoft Teams tăng mạnh, qua đó đóng góp vào sự bùng nổ về thời lượng online của người dùng Android trên toàn thế giới trong năm 2020.

Người dùng dành gấp đôi thời gian cho các ứng dụng dành cho doanh nghiệp trong năm nay
Người dùng dành gấp đôi thời gian cho các ứng dụng dành cho doanh nghiệp trong năm nay

Cụ thể, các chuyên gia App Annie đã thống kê được rằng do ảnh hưởng từ đại dịch và văn hóa làm việc tại nhà, mọi người dành thời gian trên các ứng dụng hỗ trợ tương tác từ xa nhiều gấp đôi so với năm ngoái.

Xu hướng này được dự báo vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới không những không được kiểm soát triệt để, mà còn có dấu hiệu tệ đi trong vài tháng qua. Bên cạnh đó, thời lượng người dùng dành cho các ứng dụng phát video trực tuyến cũng tăng 40%, trò chơi tăng 35%, tài chính và mua sắm tăng 25%, mạng xã hội tăng 20%.

Ngoài ra, cũng có một số yếu tố khác khiến người dùng dành nhiều thời gian hơn với thiết bị của mình trong năm 2020. Tổng số lượt download các ứng dụng di động trong năm nay đã tăng 10% so với năm ngoái, vượt mốc 90 tỷ. Trong đó, trò chơi chiếm 45%, tăng 40% so với năm 2019. Không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ, Brazil và Indonesia là những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho tổng lượt download ứng dụng di động toàn cầu.

Danh sách thống kê về ứng dụng
Danh sách thống kê về ứng dụng

Thống kê cụ thể cho thấy TikTok là ứng dụng di động được download nhiều nhất trên các nền tảng hệ sinh thái di động iOS và Android trong năm 2020. Trong khi Tinder đứng đầu danh sách chi tiêu của người dùng và Facebook có lượng người dùng hoạt động thường xuyên theo tháng cao nhất. Các ứng dụng hội nghị trực tuyến như Zoom và Google Meet cũng nằm trong top về lượt download.

Danh sách thống kê về game
Danh sách thống kê về game

Các trò chơi nhiều người chơi (multiplayer) như Among Us và Ludo King đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm khi mọi người muốn dành thời gian tương tác với nhau nhiều hơn trong thời kỳ cách ly xã hội. Nhìn chung, những trò chơi mang nặng tính tương tác giữa người chơi đều đạt được thứ hạng cao trong danh sách.

Chủ Nhật, 20/12/2020 08:34
51 👨 586
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ