Nhắm trực tiếp vào đối thủ mới "ra lò" Canon EOS 500D và Olympus E-620, Nikon D5000 khuếch trương thế mạnh bằng màn hình lật xoay độc đáo.
Nikon D5000 - đối thủ của Canon 500D và Olympus E620. Ảnh: Cnet. |
Thiết kế đáng giá nhất của D5000 là màn hình lật và xoay 2,7 inch 230.000 điểm ảnh. Mặc dù, đây không phải là DSLR có màn hình xoay đầu tiên khi mà Olympus ở hai phiên bản E-3 và E-620 đã tích hợp, nhưng thay vì kiểu lật ngang của hai phiên bản đi trước này, D5000 cho phép lật màn hình xuống dưới và xoay ngang tới 270 độ. Kiểu thiết kế gập này cho phép người chụp khi không dung máy có thể úp ngược màn hình vào trong để bảo vệ. Hơn nữa, kiểu gập này còn giúp ích rất nhiều trong trường hợp người chụp muốn chụp với máy giơ cao quá đầu hay thấp dưới hông hay kể cả tự chụp mình cũng đều không gặp khó khăn gì cả.
Với trọng lượng 560 gram không kể pin và thẻ nhớ, có thể coi đây D5000 thuộc dòng máy nhẹ trong họ DSLR, thân máy to hơn dòng D40/D60 và nhỏ hơn D80/90 của hãng. Tay cầm bọc cao su đủ sâu và chắc chắn vốn là một lợi thế thiết kế đặc trưng của Nikon cũng được tái hiện ở model này.
Những người yêu thích Nikon sẽ chẳng gặp khó khăn gì trong điều khiển bởi thiết kế cũng khá tương đồng giữa các đời máy. Nút bật tắt được bao vòng quanh nút chụp ảnh, các phím điều khiển chính nằm ở mặt sau bên trái, nút điều chỉnh bốn hướng và nút xem ảnh sống để ngay bên phải giúp cho người chụp có thể dễ dàng thao tác bằng ngón cái khi cầm một tay.
Màn hình xoay lật. Ảnh: Cnet. |
Tương tự như Nikon D90, D5000 cũng có khả năng quay video HD ở mức 720p nhưng chỉ ở mức 24 khung hình/giây và chỉ được 5 phút ở chế độ 1.280 x 720 pixel. Mặc dù đối thủ mà D5000 nhắm tới là Canon 500D có thể quay video full HD, nhưng đại diện của Nikon cũng không quá tỏ ra yếu thế khi cho rằng 720p là chất lượng hợp lý ở một máy ảnh DSLR vì theo khảo sát tại Mỹ và Nhật, người dân thực sự cũng không quá quan tâm xem liệu máy ảnh có quay video full HD hay không.
Chức năng xem ảnh sống LiveView ở DSLR thực ra bây giờ đã không còn quá đặc biệt nữa. Vì thế thêm vào khung nhìn LiveView, D5000 tích hợp hệ thống lấy nét kiểu tracking, cho phép máy luôn dõi theo đối tượng chừng nào đối tượng vẫn còn nằm trong khung hinh, để từ đó nhận diện và tự động căn nét theo.
Theo bản mô tả kỹ thuật, D5000 có thể chụp liên tục ở tốc độ 4 khung hình/giây, hơn nửa khung so với EOS 500D. Tương tự như các DSLR bình dân đã tràn ngập thị trường, D5000 cũng được tích hợp một số tính năng của các máy PnS bình dân như tăng cường các chế độ chụp sẵn và khả năng nhận diện khuôn mặt.
D5000 có thể chụp liên tục ở tốc độ 4 khung hình mỗi giây. Ảnh: Cnet. |
Đại diện Nikon cho biết D5000 cũng sở hữu cảm biến 12,3 triệu điểm ảnh và hệ thống lấy nét 11 điểm Multi Cam như của D90. Dải ISO mặc định của D5000 là từ 200-3.200. Tuy nhiên qua menu cài đặt người dùng có thể hoặc đẩy xuống tới 100 hay tăng lên cao tới 6.400. Mặc dù chưa bằng đối thủ EOS 500D với ISO được đẩy tới 12.800, nhưng trên thực tế hiếm có tay máy nào lại chụp ở ISO quá 1.600 chỉ bởi một lẽ đơn giản khi để ISO quá cao, bức ảnh sẽ trở nên vô cùng nhiễu, hạt và còn bị mất nét.
D5000 hỗ trợ cả thẻ SD và SDHC để lưu ảnh và phim. Pin sử dụng ở model này là EN-EL9a, bản nâng cấp của pin EN-EL9 của dòng D40/D60, vì thế người chụp cũng có thể dùng lẫn pin của các model này. Tương tự như các dòng DSLR mới đây của Nikon, D5000 cũng có khe hỗ trợ nhận tín hiệu GPS lắp ngoài. Một điều đáng lưu ý nhỏ là do màn hình gập xuống dưới nên Nikon cho biết họ sẽ không sản xuất báng pin cho D5000.
Thật khó có thể chọn lựa giữa Nikon D5000 và Canon 500D. Về cơ bản hai model này đều là các dòng DSLR bình dân với các thông số kỹ thuật tương tự nhau. Vấn đề là ở chỗ bạn cần xác định nhu cầu của mình: thích một màn hình xoay để có thể chụp mọi tư thế hay thích chức năng quay phim full HD hơn.