Công cụ tìm kiếm của Google được bổ sung tính năng kiểm tra ngữ pháp tích hợp

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công cụ tìm kiếm web thời gian gần đây, đặc biệt là Microsoft Bing, Google đang tích cực bổ sung thêm hàng loạt tính năng hữu ích giúp nâng cao trải nghiệm người dùng đối với công cụ tìm kiếm đã làm nên tên tuổi của mình.

Trong thông báo mới đây, Google cho biết đã ra mắt một tính năng kiểm tra ngữ pháp chuyên dụng, tích hợp trực tiếp vào thanh công cụ tìm kiếm của công ty với tên gọi Grammar Check.

Cách sử dụng không có gì phức tạp. Người dùng chỉ cần nhập câu mẫu muốn kiểm tra, kèm theo cụm từ khóa được chỉ định để kích hoạt tính năng này như "grammar check", “grammar checker” hoặc "check grammar" trong thanh tìm kiếm bên cạnh văn bản. Người dùng có thể thêm cụm từ khóa vào cuối câu hoặc đầu văn bản. Có lỗi sai về ngữ pháp, sẽ có phần sửa ở dưới hiện ra, kèm theo gạch chân và bôi đen để dễ nhận ra lỗi sai cụ thể ở đâu, cũng như đề xuất cách chỉnh sửa phù hợp.

Ngược lại, dấu tích màu xanh lá cây sẽ hiển thị nếu văn bản đầu vào chính xác về ngữ pháp. Tuy nhiên, Google cho biết công cụ kiểm tra sẽ không cho phép nội dung thuộc các danh mục như gây nguy hiểm, quấy rối, thù hận, y tế, tục tĩu, khủng bố, bạo lực, v.v.

Công ty cho biết trong một tài liệu hỗ trợ rằng tính năng kiểm tra ngữ pháp này sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích ngôn ngữ tự nhiên và có thể không chính xác 100%, đặc biệt là khi xử lý các không hoàn chỉnh. Nhưng chất lượng có thể được cải thiện theo thời gian. Hiện tính năng chỉ hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Anh, tương lai sẽ có thêm các ngôn ngữ khác.

Google kỳ vọng tính năng mới có thể được sử dụng làm thước đo để giúp người dùng soạn thảo văn bản chuẩn chỉnh, sử dụng cho các mục đích cần sự chính xác cao. Ngoài ra, đây cũng là một phần trong kế hoạch của Google nhằm xây dựng công cụ tìm kiếm web trở thành một khu tương tác giữa người dùng với AI - hướng đi mà nhiều dịch vụ đối thủ cũng đang nhắm đến.

Thứ Ba, 08/08/2023 20:34
31 👨 88
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ