Google tiết lộ cách thức các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba hoạt động trong Android 12

Tháng 9 năm 2020, Google đã đưa ra một thông báo khiến cộng đồng nhà phát triển ứng dụng smartphone một phen dậy sóng, đó là sẽ tạo điều kiện cho các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba hoạt động dễ dàng hơn trên điện thoại Android, bắt đầu từ phiên bản Android 12.

Đây được cho là động thái có sức nặng nhằm đáp lại những lời chỉ trích dữ dội từ phía Epic Games đối với bản chất khép kín của hệ sinh thái ứng dụng trên cả hai nền tảng Android và iOS. Cụ thể hơn, phía Epic cho rằng sự kiểm soát theo kiểu “độc quyền” của Google và Apple thông qua Play Store và App Store khiến các nhà phát triển bên thứ ba gặp khó trong việc phân phối phần mềm của họ bên ngoài các cửa hàng ứng dụng do chủ sở hữu nền tảng tương ứng làm chủ. Tuy nhiên, Google lúc đó không nói rõ về việc họ sẽ làm cho quá trình này trở nên dễ dàng hơn như thế nào.

Mới đây, trên sân khấu sự kiện thường niên I/O 2021, cùng với việc chính thức công bố Android 12, Google đã một lần nữa nhắc lại về vấn đề tạo điều kiện cho cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba hoạt động trên Android, và mọi thứ đã trở nên sáng tỏ hơn.

Android 12

Theo đó, bắt đầu từ Android 12, Google sẽ cung cấp cho các nhà phát triển ứng dụng khả năng truy cập vào một thông số mới được gọi là requestUserAction khi sử dụng quyền REQUEST_INSTALL_PACKAGES - quyền cho phép các ứng dụng được cài đặt ngay từ đầu. Hiện tại, bất cứ khi nào người dùng cài đặt ứng dụng bên ngoài Play Store trên điện thoại Android của mình, ngay cả khi đó là một bản cập nhật cho một ứng dụng hiện có, người dùng sẽ vẫn phải cấp quyền cho trình cài đặt ứng dụng, và sau đó xác nhận từng gói cài đặt riêng lẻ. Tuy nhiên với requestUserAction, khi ứng dụng được cấp quyền cài đặt, người dùng sẽ không cần thực hiện thêm bất cứ hành động nào để xác nhận từng gói cài đặt như trước kia.

Tuy nhiên, cũng sẽ có một số yêu cầu đi kèm. Đầu tiên, tham số requestUserAction cần được đặt thành false. Sau đó, ứng dụng đang được cài đặt cần nhắm đến API phiên bản 29, là Android 10 hoặc mới hơn. Ngoài ra, cửa hàng ứng dụng cũng cần khai báo quyền UPDATE_PACKAGES_WITHOUT_USER_ACTION.

Khi tất cả yêu cầu cần thiết được đáp ứng, các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba có thể dễ dàng cài đặt bản cập nhật cho các ứng dụng hiện có trên thiết bị. Tuy nhiên, quy trình cài đặt nhìn chung vẫn sẽ phức tạp sơn so với việc cài đặt ứng dụng từ Play Store. Mặt khác, việc làm cho quá trình dễ dàng hơn cũng có thể gây ra rủi ro bảo mật tiềm ẩn cho người dùng.

Thứ Năm, 20/05/2021 20:30
31 👨 302
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ