Bạn vừa mua gì, Facebook biết ngay, tại sao vậy?

Nhiều người dùng trên Twitter và Reddit đã phản ánh về tình trạng, ngay sau khi người dùng vừa mua trực tuyến hoặc tại cửa hàng truyền thống, Facebook lập tức hiển thị quảng cáo những sản phẩm tương tự.

Theo Business Insider, Facebook hợp tác với các nhà bán lẻ để thu thập thông tin về giao dịch của người dùng cả trực tuyến lẫn ngoài cửa hàng. Hoạt động khai thác dữ liệu này đã được thực hiện kể từ tháng 8/2019 và được gọi là "hoạt động ngoài Facebook, off - Facebook Activity”. Công cụ quảng cáo này được Facebook triển khai trên toàn cầu và cung cấp cho các đối tác trên nền tảng nhằm hiển thị quảng cáo mục tiêu dựa trên những gì người dùng muốn.

Facebook biết bạn mua gì

Theo Facebook, trước khi khớp với tài khoản Facebook, dữ liệu về giao dịch của người dùng đã được mã hóa. Điều này có nghĩa là Facebook không lưu trữ lịch sử giao dịch của người dùng mà chỉ giữ lại danh sách các nhà bán lẻ "khớp" với tài khoản người dùng.

Để hiểu rõ về công cụ quảng cáo dựa trên dữ liệu hoạt động ngoài Facebook, mời các bạn cùng tìm hiểu về quy trình hoạt động của nó.

Thông tin mua sắm của người dùng sẽ được gửi cho Facebook

Quy trình này bắt đầu khi người dùng mua một sản phẩm. Các nhà bán lẻ sẽ lưu giữ lại thông tin về người dùng và giao dịch.

Những thông tin này sẽ được gửi cho Facebook nếu nhà bán lẻ hợp tác quảng cáo với Facebook. Các thông tin được gửi bao gồm tên, số điện thoại, tỉnh thành, quốc gia, giới tính, tuổi, địa chỉ email… Từ những thông tin đó, Facebook sẽ tạo ra "đối tượng tùy chỉnh" hoặc nhóm người dùng được xác định đã mua sắm tại đó.

Sau khi được mã hóa bằng "hàm băm" (hash), những dữ liệu đó sẽ tải lên Facebook. Khi hệ thống khớp người dùng với các nhà bán lẻ cụ thể khác, dữ liệu đó sẽ bị xóa đi. Phần còn lại chỉ là dữ liệu khớp giữa người dùng và nhà bán lẻ phù hợp với các sản phẩm mà họ kinh doanh.

Dựa vào đó, các đối tác của Facebook sẽ hiển thị quảng cáo trực tiếp cho nhóm người dùng được xác định.

Tại Mỹ, nhiều nhà bán lẻ đã sử dụng công cụ quảng cáo dựa trên dữ liệu hoạt động ngoài Facebook của người dùng để kéo người mua quay lại và mở rộng phạm vi khách hàng mới.

Người dùng có thể lựa chọn đồng ý hoặc từ chối theo dõi hoạt động ngoài Facebook. Để từ chối, người dùng truy cập vào mục Cài đặt -> chọn "Quảng cáo" -> vô hiệu hóa tùy chọn "Quảng cáo dựa trên dữ liệu từ đối tác".

Người dùng có thể từ chối theo dõi hoạt động ngoài Facebook. Ảnh: Business Insider.
Người dùng có thể từ chối theo dõi hoạt động ngoài Facebook. Ảnh: Business Insider.

Người dùng cũng có thể tự kiểm tra tại sao bị quảng cáo mục tiêu nhắm đến bằng cách bấm vào mũi tên ở góc bên phải bài đăng quảng cáo -> chọn: "Tại sao tôi thấy quảng cáo này?".

Kiểm tra tại sao bị quảng cáo mục tiêu nhắm đến. Ảnh: Business Insider.
Kiểm tra tại sao bị quảng cáo mục tiêu nhắm đến. Ảnh: Business Insider.

Quảng cáo đóng góp lớn vào doanh thu của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới. Với cơ sở dữ liệu nhân khẩu học khổng lồ, Facebook có thể cung cấp cho các đối tác công cụ quảng cáo siêu mục tiêu (hyper-targeted ads). Trong quý III/2019, quảng cáo đem lại cho Facebook 17,3 tỷ USD.

Chủ Nhật, 15/12/2019 06:58
3,84 👨 2.028
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ