Nếu cảm thấy giao diện gốc của chiếc dế chạy Android đã cũ và nhàm chán, người sử dụng có thể tìm tới một trong ba bộ giao diện của ba đại gia Samsung, Motorola và HTC, được xem là đẹp nhất hiện nay.
Không như iOS của Apple, Android cho phép các nhà sản xuất phát triển các bộ giao diện chạy đè lên hệ điều hành. Những bộ giao diện đó không chỉ thay đổi vẻ ngoài của Android mà còn thêm vào những tính năng mới không hề có sẵn trong máy. Đương nhiên những bộ giao diện đó đều có ưu và khuyết.
Motorola Motoblur
Motoblur được cung cấp trên tất cả các dòng điện thoại chạy Android của Motorola (trừ chiếc Motorola Droid). Đối với những ai gắn bó với mạng xã hội và muốn cập nhật thông tin thật nhanh chóng, Motoblur là một lựa chọn sáng giá. Nó đưa ra nhiều widget đa dạng liên kết với Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác.
Motoblur không đụng chạm đến phần lớn hệ điều hành, mà thêm vào những tính năng mới như xoá dữ liệu từ xa (nếu điện thoại bị mất cắp, bạn có thể xoá toàn bộ dữ liệu trên máy bằng tài khoản Motoblur trên một PC), định vị GPS, và những widget động giúp cập nhật thông tin từ các mạng xã hội theo thời gian thực. Motoblur sao lưu dữ liệu vào server riêng nên nếu dữ liệu bị mất, bạn có thể khôi phục lại bằng cách đăng nhập vào tài khoản Motoblur.
Tuy nhiên, nhiều lúc Motoblur trở nên khá khó chịu, nó có thể làm màn hình chính của điện thoại tràn ngập các cập nhật từ Facebook và Twitter. Motoblur thay thế ứng dụng Gallery có sẵn trong hệ điều hành bằng ứng dụng riêng, và rất lạ là bạn không thể truy cập Google Picasa từ ứng dụng Gallery của Motoblur. Những người quen dùng Picasa có thể sẽ bỏ qua Motoblur.
Samsung TouchWiz 3.0
TouchWiz 3.0 (có trên dòng smartphone Galaxy S) làm cho Android trở nên màu mè và sống động, cũng như dễ dàng điều khiển hơn. Nhưng Samsung đã phát triển TouchWiz hơi "quá tay" nên bộ giao diện nhìn không còn cảm giác như Android nữa. Nó mang hơi hướng hoạt hoạ, không thanh nhã như HTC Sense, và đồng thời cũng làm chậm hoạt động của máy. Tất cả các máy Galaxy S dùng để kiểm tra có bộ vi xử lý 1GHz, nhưng đều gặp một vấn đề: Điện thoại bị "lag" khi chạy ứng dụng, chuyển qua lại giữa các menu, cuộn danh bạ hoặc lướt Web.
Tuy nhiên, TouchWiz rất phù hợp với những người mới dùng Android, bởi nó cho người dùng những tuỳ biến rất đơn giản. Bạn có thể tạo ra tối đa bảy màn hình chính với những shortcut và widget tuỳ chọn; có thể xoá bớt đi nếu cảm thấy quá nhiều. Bạn cũng có thể tuỳ ý sắp xếp lại thứ tự các màn hình đó. TouchWiz còn cung cấp những widget và hình nền của Samsung ngoài những thứ có sẵn trong kho của Android.
Cũng như HTC và bộ giao diện Sense, Samsung có ứng dụng tổng hợp mạng xã hội riêng tên Social Hub, tập trung các thông tin mới từ Facebook, MySpace, và Twitter lại cùng một nơi. Đó là một tính năng khá tiện dụng và đơn giản để nắm bắt thông tin từ mạng xã hội.
Một tính năng thú vị khác là Mini Diary, cho phép bạn viết blog kèm hình ảnh, thông tin về thời tiết, tin nhắn v.v... Những đoạn blog đó có thể được đưa lên các mạng xã hội tuỳ chọn (Facebook và MySpace) hoặc gửi cho ai đó qua hệ thống MMS.
HTC Sense
HTC Sense có mặt trên tất cả các dòng điện thoại chạy Android của HTC (trừ Google Nexus one và các mẫu điện thoại do T-Mobile phát hành). Đây có thể được coi là bộ giao diện rời hoành tráng nhất cho Android. Bóng bẩy và sáng loáng, HTC Sense đem lại cho hệ điều hành đơn sơ một vẻ ngoài tinh tế. Tất cả mọi chi tiết hiển thị đều mang một diện mạo mới.
HTC Sense cho phép người sử dụng tạo ra những "scene", là những màn hình chính khác nhau phù hợp với từng khía cạnh cuộc sống. Chẳng hạn, bạn có thể tạo ra giao diện "công việc", loại bỏ hết những ứng dụng và widget liên quan đến mạng xã hội hoặc giải trí, chỉ để lại những ứng dụng liên quan đến công việc như Gdocs hay Quickoffice.
Ngoài những widget sẵn có của Android, HTC Sense cũng có những tiện ích riêng (được thiết kế rất phong cách). Một trong số đó là tiện ích Friend Stream, tập hợp tất cả các mạng xã hội (mà bạn đã thiết lập từ trước) tại một màn hình duy nhất, đồng thời cho phép bạn đăng thông tin lên nhiều mạng xã hội cùng một lúc, nhanh hơn nhiều so với việc phải vào từng ứng dụng một cho từng mạng xã hội.
Một tính năng hữu dụng khác là bạn có thể "cấu" vào màn hình để quan sát tất cả các màn hình chính theo góc nhìn từ trên xuống. Ngoài ra, ứng dụng thời tiết cũng khá thú vị, nó hiển thị lên màn hình chính những hình ảnh động vui nhộn tuỳ theo thời tiết bên ngoài (chẳng hạn những giọt nước mưa và cần gạt nước).
Ứng dụng Address Book của HTC Sense cũng cải tiến sổ địa chỉ sẵn có của Android. Khi gõ vào một số liên lạc, bạn sẽ thấy những cập nhật mới nhất của người đó trên Facebook và Twitter (tất nhiên phải lưu địa chỉ từ trước); cũng như những tin nhắn, cuộc gọi và e-mail trao đổi giữa bạn và người đó.
HTC Sense chỉ có một nhược điểm duy nhất là mất khá lâu để cập nhật thông tin từ các mạng xã hội, đặc biệt là nếu danh bạ của bạn có quá nhiều người. Tổng quan lại, những người cảm thấy nhàm chán với giao diện gốc của Android có thể chọn một chiếc điện thoại có HTC Sense.
Dù những bộ giao diện trên khá hữu ích (không phải với tất cả người sử dụng), nên nhớ là các nhà sản xuất có lý do riêng để đưa phần mềm của mình đè lên hệ điều hành. Giao diện điện thoại có thể tạo lợi nhuận lớn nếu biết tận dụng, vì thế các nhà sản xuất đều muốn tạo ra thương hiệu cho riêng mình.
Vì giao diện là một phần quan trọng trong hệ điều hành, khi mua điện thoại bạn có thể căn cứ vào đó để chọn cho mình một chiếc dế phù hợp. Nó có thể cải thiện những gì bạn thường làm với chiếc điện thoại của mình, nhưng trong trường hợp nó gây phiền hà thì bạn nên xem xét lại.