Các chuyên gia bảo mật lo ngại Apple có thể thay đổi mã hóa bất kỳ lúc nào để có thể đọc được nội dung tin nhắn trên hệ thống iMessage.
Apple khẳng định ngay cả hãng cũng không thể đọc được nội dung iMessage.
Trong tháng sáu vừa qua, Apple từng cho biết các giao tiếp qua hệ thống iMessage được bảo vệ bởi mã hóa từ đầu tới cuối (end-to-end encryption). Do đó, ngay cả công ty cũng không thể giải mã được các dữ liệu đó. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới lại đang cho thấy điều ngược lại.
Trong một hội nghị về bảo mật ở Kuala Lumpur, Malaysia, công ty an ninh mạng Quarkslab có trụ sở tại Paris, Pháp, đã trình bày kết quả nghiên cứu cho thấy Apple thực tế có thể giải mã được thông điệp. Việc này có thể do yêu cầu của chính phủ hoặc theo cách riêng của các nhân viên khi nhận được yêu cầu đặc biệt.
"Tuyên bố của Apple cho rằng họ không thể đọc được các tin nhắn được mã hóa trên iMessage chắc chắn không đúng sự thật", QuarksLab khẳng định về phát hiện của mình. "Đúng như mọi người đều nghi ngờ: Họ có thể!".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết chưa có dấu hiệu cho thấy Apple hay chính phủ đang muốn đọc tin nhắn của người dùng cụ thể nào đó. Nghiên cứu chỉ khẳng định việc xâm phạm đời tư là có thể.
Trong thực tế, Ars Technica cho biết sẽ rất khó khăn để một tin tặc có thể xắp xếp lại các mã hóa để tìm ra nội dung tin nhắn thật sự. Việc này là rất phức tạp bởi còn liên quan đến kiểm soát vật lý của các thiết bị, cài đặt phần mềm độc hại hay chứng nhận giả mạo.
Vì vậy, mối đe dọa thực sự có thể đến từ một nhân viên, làm việc theo lệnh của tòa án nhằm tìm ra đầu mối thông tin nào đó. "Họ có thể thay đổi mã hóa bất kể lúc nào họ muốn, do đó việc đọc nội dung tin nhắn là rất khả thi".
Apple không đưa ra bình luận nào về các cáo buộc nói trên.