AMD dường như đang lên kế hoạch cho một sự đổi mới trong việc công khai thông số kỹ thuật của sản phẩm và chiến lược xây dựng thương hiệu cho các CPU Ryzen, cả ở hiện tại lẫn trong tương lai khi dòng chip hybrid của công ty tiếp tục được mở rộng hơn nữa.
Cả Intel và AMD đều đang bán ra thị trường các mẫu CPU không chỉ sở hữu một mà là nhiều loại lõi, đi kèm với hàng tá thông số kỹ thuật khác nhau như số lượng lõi, tốc độ xung nhịp, lượng bộ nhớ đệm, v.v. Điều này đã dẫn đến không ít sự nhầm lẫn cho người dùng. Cả hai công ty đều đang cố gắng hết sức để cung cấp cách diễn đạt thông số kỹ thuật theo cách chi tiết mà đơn giản, giúp người dùng dễ dàng nắm được cấu hình chính xác và chi tiết về những gì họ đang mua.
Intel đã khởi đầu mạnh mẽ triết lý thiết kế lai của mình với dòng sản phẩm Alder Lake thế hệ thứ 12. Ở giai đoạn triển khai ban đầu, công ty đã bị phàn nàn rất nhiều về việc thiếu thông tin sản phẩm. Nhưng hiện tại, Intel luôn rất chu đáo ở khía cạnh cung cấp các thông số kỹ thuật chi tiết về bộ xử lý, chẳng hạn như tốc độ xung nhịp riêng lẻ (cơ bản/boost cho cả P-Cores (các lõi hiệu suất) và E-Cores (các lõi hiệu quả) tách biệt. Công ty cũng liệt kê đầy đủ số liệu TDP ở các mức công suất khác nhau như Base Power, Maximum Turbo Power, Minimum Assured Power, và Maximum Assured Power. Mỗi lõi được đề cập riêng với số lượng lõi cụ thể, cho phép khách hàng biết được họ đang nhận được bao nhiêu lõi P, lõi E hoặc lõi LP, vì việc CPU sở hữu nhiều lõi P hoặc nhiều lõi E hơn có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất tổng thể của hệ thống.
Trong khi đó, nếu xem trang thông số kỹ thuật các sản phẩm của AMD, người dùng sẽ chỉ thấy số lượng lõi Zen 4 và Zen 4C liệt kê đầy đủ, nhưng tốc độ xung nhịp lại không được đề cập độc lập cho từng loại lõi mà CPU sử dụng. Ngoài ra, TDP chỉ nằm trong dải công suất mặc định và có thể định cấu hình, hơi sơ sài so với mô tả của Intel.
Một khía khác mà AMD thường thiếu là mô tả về các loại dữ liệu AI, điều mà Intel đã đề cập rất chi tiết trong tài liệu giới thiệu về các mẫu CPU Core Ultra "Meteor Lake" mới ra mắt gần đây. Chẳng hạn, AMD trên thực tế có cung cấp NPU XDNA trên cả APU Ryzen 7000 và Ryzen 8000, nhưng lại không nhắc chi tiết này.
Tuy nhiên, thực trạng này có thể sắp thay đổi bởi trong một tuyên bố gần đây với Tom's Hardware, AMD đã xác nhận rằng họ sẽ cung cấp thông số kỹ thuật chính xác và chi tiết hơn đối với các CPU Ryzen hiện tại và trong tương lai của mình.
Một vấn đề khác cần phải chỉ ra đó là chiến lược về kiến trúc CPU “lai” của AMD cho đến nay vẫn không giống cách làm của của Intel. AMD đã nói rõ rằng họ sẽ không tuân theo thiết kế P-Core/E-Core của Intel cho tương lai lai của mình. Mặc dù “Team Đỏ” cũng dựa vào hai loại lõi khác nhau trong một số SKU trong dòng AMD 7000/8000 của mình, nhưng ISA (Kiến trúc bộ lệnh) cơ bản gần như tương đồng, với sự khác biệt duy nhất về tốc độ xung nhịp, bộ nhớ đệm và mức tiêu thụ điện.
Trong khi đó, các tiếp cận lõi lai của Intel độc đáo hơn nhiều và sử dụng hai kiến trúc lõi hoàn toàn chuyên biệt, không thể so sánh được với nhau và đồng thời cũng đi kèm với nhiều thiết kế khác nhau. Điều này phần nào giải thích cho việc các trang thông số kỹ thuật của Intel thường chi tiết và chứa đựng nhiều thông số hơn AMD.
Về phía AMD, như đã nói, các trang thông số kỹ thuật của hãng hiện đều không đề cập đến tốc độ xung nhịp cho riêng hai lõi Zen 4 và Zen 4C. Các lõi Zen 4 được tối ưu hóa cho xung nhịp cao hơn trong khi lõi Zen 4C được tối ưu hóa để đạt hiệu suất cao hơn (do đó xung nhịp thấp hơn). Điều này vẫn chưa được làm rõ và đó là một trong những lĩnh vực mà AMD sẽ cải thiện trong tương lai. Sau đây là tổng quan về danh sách trang thông số kỹ thuật do Intel và AMD cung cấp trên các trang web chính thức:
Thật tuyệt khi thấy AMD đang hành động nhanh chóng và sẽ sớm cung cấp các thông số kỹ thuật chính xác và chi tiết hơn trên trang web chính thức của mình. Cả Intel và AMD đều đã đi một chặng đường dài trong việc cung cấp thông số kỹ thuật phù hợp cho khách hàng.