Sự xuất hiện của thế hệ CPU 32nm mới
Nếu như 2009 là năm của các dòng sản phẩm 45nm thì công nghệ chủ đạo trong 2010 sẽ là các loại 32nm – ít nhất là về phía Intel. Trong khi hiện tại, những mẫu CPU AMD vẫn đang trung thành với quy trình sản xuất 45nm thì Intel đã rậm rịch bước sang sử dụng quy trình mới 32nm cùng kiến trúc mới Arrandale. Bên cạnh những điểm lợi thường thấy của một quy trình sản xuất nhỏ hơn như tỏa ít nhiệt, tiết kiệm điện cho phép nâng cao sức mạnh tính toán thì các CPU mới còn có đồ họa tích hợp, khối điều khiển bộ nhớ tích hợp (tương tự Core i5 và i7)… cùng những công nghệ tích hợp khác cho phép đạt hiệu năng tốt hơn các thế hệ 45nm hiện nay.
Mặc dù phải tới 2011, các dòng sản phẩm 32nm cho máy tính để bàn mới được Intel đưa vào thị trường nhưng ngay từ hiện tại, cuộc chơi di động đã bắt đầu nóng lên. Điển hình có thể kế tới như hai mẫu máy ASUS K42F (có giá bán lẻ chưa tới 1000 USD vào thời điểm ra mắt) và ASUS G73Jh/X77 (máy chơi game chuyên dụng) vừa được ASUS giới thiệu ngay dịp năm mới. Trong khi đó, Acer cũng cho biết sẽ gia nhập cuộc chơi sớm nhất có thể. Số lượng các MTXT sử dụng nền tảng mới chắc chắn sẽ bùng nổ trong những tháng sau khi triển lãm CES kết thúc. Nói ngắn gọn, người dùng máy tính trong 2010 sẽ sớm được tiếp cận công nghệ 32nm mới trên thị trường di động trong khi đó quy trình 45nm với các mẫu CPU dòng Nehalem, Lynnfield sẽ vẫn là át chủ bài của Intel trong suốt năm.
nVIDIA Fermi và Radeon RV870 trên mặt trận DX11
Trong khi Intel đã chính thức tuyên bố trì hoãn kế hoạch đồ họa rời mang tên mã Larrabee của mình, cuộc chiến truyền thống giữa nVIDIA và ATI lại bắt đầu nóng lên – đặc biệt là trong thời đại DirectX 11 và GPU đa chức năng (GPGPU) mới. Theo một số nguồn tin trực tuyến, ngay trong CES Las Vegas 2010 này, nVIDIA sẽ trưng bày các sản phẩm Fermi hoàn thiện ngay từ những ngày đầu tiên. Trong khi đó, lịch trình của hãng cho thấy Q1-2010 sẽ là thời điểm các sản phẩm Fermi hoàn thiện được tung ra thị trường. Tuy nhiên, AMD với các mẫu GPU RV870 (tương ứng card Radeon HD 5870 và 5970) hiện đang giữ ngôi “vua” của thị trường DirectX 11. Trong khi đó, hãng đã xúc tiến việc ra mắt các mẫu GPU DirectX 11 mới (tên mã Cypress) với sức mạnh lớn hơn để đáp trả lại Fermi. Sự trì hoãn của nVIDIA có thể đem lại nhiều rắc rối và giới hạn đáng kể lựa chọn của người dùng so với mọi dự đoán trước đây.
Bên cạnh vấn đề thời gian, một trục trặc mà cả hai nhà sản xuất này cũng như người dùng sẽ phải đối mặt trong 2010 chính là việc thiếu hụt hàng bán. Bạn có thể thấy hiện tại vấn đề này đã tác động rất lớn tới thị trường (kể cả Việt Nam). Những mẫu Radeon HD 5970 đã xuất hiện chính thức nhưng hàng bán lẻ rất hiếm – hầu như chỉ có hàng mẫu. Giá của chúng cũng khá cao (vào khoảng 15 triệu đồng cho các sản phẩm MSI, Gigabyte hoặc ASUS). Trong khi đó nhiều website bán hàng uy tín nước ngoài như New Egg cũng rất ít khi có hàng để bán. Lý do chính là bởi số lượng GPU mà hai người khổng lồ đồ họa cấp cho các đối tác sản xuất card không đủ. Như vậy, có thể thấy rằng đồ họa máy tính 2010 sẽ là kết quả của cuộc chiến DirectX 11 chủ yếu giữa nVIDIA và ATI cùng với bài toán khó về sản lượng. Nếu như kết quả không tốt, người dùng sẽ có thể gặp phải nhiều khó khăn trong việc mua sản phẩm như ý muốn.
Bộ nhớ RAM 2010- "sao đổi ngôi" với DDR3
Một trong những xu thế đã thấy khá rõ từ 2009 và sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong 2010 chính là sự đổi ngôi của DDR2 và DDR3 trên cả hai mảng máy tính để bàn và máy xách tay. Vào cuối 2008, một thanh nhớ DDR3 cho máy để bàn như Kingmax 2GB bus 1600 MHz có giá tới 2,700T đồng thì cùng mức này trong thời điểm cuối 2009, bạn có thể mua được bộ kit 3 thanh nhớ 2GB tốc độ tương đương được thiết kế riêng cho các nền tảng Core i7. Có thể thấy mặc dù không giảm giá mãnh liệt theo kiểu tuột dốc như DDR2 trong nửa đầu 2009 nhưng rõ ràng các dòng DDR3 đang ngày một rẻ hơn. Giá thị trường chung của các thanh nhớ DDR3 cũng bắt đầu tụt xuống bằng hoặc thấp, thậm chí thấp hơn DDR2 nếu nhìn ở gốc độ hiệu năng vận hành.
Thanh nhớ DDR2 Kingbox 2GB bus 800 MHz (dòng phổ thông) hiện có giá 912.000 đồng (12-2009) trong khi đó DDR3 Kingmax 2GB bus 1333 chỉ có giá là 950.000 đồng trong cùng kỳ. Điều này cho thấy, người dùng thay vì mua DDR2 sẽ có nhiều lựa chọn DDR3 với cùng giá nhưng lại đạt hiệu năng cao hơn. Bên cạnh đó, xu hướng xuất hiện các bộ kit với 2 hoặc 3 thanh RAM đi cùng nhau dành cho các nền tảng chuyên biệt như Intel Core i7 hay Core i5 cũng ngày càng rõ nét hơn.
Ở mảng MTXT, hầu hết các mẫu MTXT mới đều được trang bị DDR3 với dung lượng tối thiểu 2GB (đặc biệt là các dòng máy Centrino 2). Hầu như DDR2 chỉ còn xuất hiện trên các mẫu phổ thông hoặc netbook. Tốc độ cao cùng khả năng tiết kiệm điện là những điểm mạnh khiến cho DDR3 chiếm ưu thế so với đàn anh đi trước – đặc biệt là trên mặt trận di động. Thậm chí Intel cũng cho biết trong năm nay sẽ đưa ra các mẫu Atom N450 mới với khả năng hỗ trợ DDR3. Điều này sẽ càng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ bộ nhớ vốn đã âm ỉ vài năm trở lại đây.
Màn hình LCD với đèn nền LED sẽ thay thế đèn CCFL
Ở mảng máy để bàn, ngày càng có nhiều sản phẩm màn hình sử dụng đèn nền LED. Nối tiếp sau Dell, ViewSonic… Mới đây, BenQ cũng vừa tung ra thêm 2 màn hình full HD nữa với số hiệu lần lượt là G2222HDL (21.5”) và G2420HDBL (24”). Cả hai màn hình mới được trang bị đèn nền LED với thông số gần như giống nhau. Chúng cùng có độ phân giải 1920x1080, panel TN, độ tương phản 1000:1 (tương phản động 5.000.000:1), tần số đáp ứng 5ms, độ sáng 250cd/m2. Giao tiếp hỗ trợ gồm DVI và D-sub. Đây là những điển hình cho xu thế màn hình LCD trên thị trường. Việc tận dụng panel TN cùng công nghệ LED là sự kết hợp khá tốt. Trong khi giá dự kiến cho hai màn hình với vào khoảng trên 240 USD cho mẫu G2222HDL và khoảng trên 270 USD cho mẫu G2420HDBL thì chúng lại đồng thời có những ưu điểm tốt của công nghệ LED như không bị tối dần theo thời gian, tiết kiệm điện… Độ sáng cao hơn của đèn LED cũng hỗ trợ phần nào cho những khiếm khuyết về khả năng hiển thị của panel TN so với các loại PVA hay IPS cao cấp hơn.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng số lượng MTXT với đèn nền LED sẽ chiếm tới 60-70% tổng số MTXT xuất xưởng trong 2010 còn HDTV với LED sẽ chiếm khoảng 15-20%. Trong khi giá của đèn nền LED vẫn cón khá cao thì các công nghệ tấm LCD lại có khả năng giảm do sự phát triển nhanh của công nghệ. Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ xu hướng màn hình với đèn nền LED đang ngày càng tới gần. Nếu như trong giai đoạn 2008-2009, nó còn là thứ gì đó xa xỉ thì 2010 sẽ đánh dấu sự xuất hiện ngày càng nhiều thiết bị hiển thị với đèn nền LED ở thị trường phổ thông.
Nhu cầu di động - MTXT CULV hay Netbook?
Mặc dù cơn sốt netbook còn chưa kết thúc nhưng trong năm 2010 tới đây, doanh số bán ra của các loại netbook sẽ không còn đạt được mức tăng trưởng nhanh như năm vừa qua. Lý do chính là bởi sự xuất hiện của một dòng máy tính mới mỏng và nhẹ với nền tảng CULV (sử dụng các CPU tiết kiệm điện Intel CULV hoặc AMD Neo). Mặc dù sự ra mắt của chúng không ồn ào như netbook cách đây vài năm nhưng thực sự CULV đang trở thành đối thủ đáng gờm của netbook.
Ví dụ, trên thị trường đã có Acer Timeline 3810TZ với cấu hình Core 2 Duo SU4100/2GB DDR3/250GB HDD/GMA X4500 có giá bán lẻ là: 11,500T. Trong khi đó, ASUS EEE PC 1008HA (Atom N280 1,66GHz/1GB DDR2/HDD 160GB/GMA 950) có giá 10,161T hoặc thậm chí là S101H (đẹp hơn và có đồ họa nVIDIA ION): 12,500T. Điều này không chỉ là vấn đề với hai mẫu ví dụ mà là tình trạng chung các nhà sản xuất cũng như người dùng đang và sẽ phải đối mặt trong năm tới. Có thể thấy rõ rằng cùng với một mức tiền chênh không đáng kể, người dùng sẽ có khả năng xử lý tốt hơn, RAM nhiều hơn, đĩa cứng lớn hơn… Mặc dù, bạn vẫn có thể mua được một số mẫu netbook với giá khá rẻ (từ 6-8T cho máy mới) nhưng thực tế những gì mà máy CULV đem lại quả thực hấp dẫn. Đó là chưa tính đến các dòng MTXT truyền thống với giá rẻ kỹ lục cũng tạo thêm sức ép ở thị trường phổ thông.