20 nhân vật quyền lực nhất thế giới công nghệ phần 1 - Bạn có biết họ?

Trang thông tin tổng hợp nổi tiếng Business Insider gần đây đã tổng hợp và đưa ra danh sách những nhân vật quyền lực nhất, có thể gây ảnh hưởng đến toàn thế giới và 12 trong số 50 người đứng đầu của danh sách đó là những nhà sáng tạo, CEO và những người có ảnh hưởng khác đến từ thế giới công nghệ. Qua đó có thể thấy rằng công nghệ thông tin đang góp phần chi phối cuộc sống của loài người lớn như thế nào.

Cụ thể hơn, để xác định thứ hạng, các biên tập viên và những nhà quan sát hàng đầu đã xem xét hơn 100 ứng viên có ảnh hưởng nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, chính trị và giải trí và đánh giá tầm ảnh hưởng của họ bằng cách sử dụng các số liệu trong bốn lĩnh vực chính: Sức mạnh kinh tế, uy tín, mức độ nổi tiếng và cuối cùng là tác động đối với cộng đồng - một thước đo chủ quan giúp nắm bắt được tầm quan trọng của một người đối với một cộng đồng cụ thể. Sau đó danh sách đã được thu hẹp xuống chỉ còn những người trong lĩnh vực công nghệ cao. Họ là ai? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

20. Reed Hastings

Reed Hastings

Nghề nghiệp, chức vụ: Đồng sáng lập và CEO của Netflix

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 58

Với vai trò là nhà đồng sáng lập và CEO của Netflix - một dịch vụ truyền thông trực tuyến đã đạt được 100 triệu giờ xem phim và các chương trình truyền hình giải trí, cũng như là chủ nhân của một loạt các bộ phim truyền hình đoạt nhiều giải thưởng cao quý. Có thể nói Reed Hastings là người đàn ông đã định nghĩa lại ý nghĩa của việc xem cũng như sản xuất các chương trình truyền hình.

Mặc dù cổ phần của Netflix luôn tỏ ra khá là bất ổn kể từ khi được ra mắt vào năm 2002, nhưng cổ phiếu của hãng vẫn đạt mức cao kỷ lục 126,45 đô la trong tháng 8 năm 2015, tức là tăng hơn 8 lần so với IPO, và công ty này hiện nay đang được định giá lên tới hơn 50 tỷ đô la.

Lại nói về tầm ảnh hưởng của vị CEO này, Reed Hastings, người có tài sản ròng được ước tính là hơn 3.2 tỷ đô la, là người đàn ông không chỉ giúp thay đổi trải nghiệm xem truyền hình của người dân Mỹ, mà còn là người thay đổi cuộc sống cho nhân viên của mình theo chiều hướng tích cực hơn. Mùa hè vừa qua, ngoài việc mang đến cho nhân viên của mình một kỳ nghỉ không giới hạn, Netflix cũng đã thiết lập lại một số điều khoản, chế độ lao động theo hướng có lợi cho nhân viên hơn. Đơn cử như việc chế độ nghỉ thai sản đã được tăng lên một năm. Ngoài việc đem lại sự thoải mái cho nhân viên, các chính sách đổi mới của Netflix đã mở đường cho các công ty khác có tư duy tiến bộ hơn trong việc nâng cao đời sống cho nhân viên.

19. Reid Hoffman

Reid Hoffman

Nghề nghiệp, chức vụ: Đồng sáng lập và chủ tịch của LinkedIn

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 51

Reid Hoffman là một cái tên không có gì là xa lạ với giới công nghệ bởi ông đã từng là thành viên của rất nhiều các công ty công nghệ nổi tiếng nhất thế giới trước khi tự gây dựng một đế chế của riêng mình. Cụ thể, Hoffman bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1994 với vị trí quản lý sản phẩm tại Apple và sau đó là thành viên của hội đồng quản trị và là phó chủ tịch điều hành cho PayPal. Năm 2003, ông đã sáng lập ra LinkedIn, một dịch vụ mạng chuyên nghiệp có hơn 400 triệu thành viên tại hơn 200 quốc gia và được định giá lên tới 32 tỉ đô la.

Hiện tại, Hoffman là một đối tác tại công ty cổ phần VC Greylock Partners, nơi ông đã tư vấn và làm việc với các chuyên gia công nghệ cao như Facebook và Airbnb từ nhiều năm trước. Những năm tháng lăn lộn ở nhiều công ty với các vị trí khác nhau cùng với không ít lần đứng lên từ thất bại đã giúp Reid Hoffman trở thành một trong những nhà đầu tư có giàu kinh nghiệm và mát tay” nhất trong cộng đồng các nhà doanh nghiệp trẻ và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Năm ngoái, vị tỷ phú tự thân, người nắm trong tay khối tài sản có giá trị ít nhất là 5 tỷ đô la, đã cho ra mắt cuốn sách có tên “The Alliance: Managing Talent in the Networked Age” và đã nhận được sự thành công vang dội. Ngoài ra, mùa thu năm nay, Reid Hoffman cũng đã quyết định mở một lớp học về sự thành công khi khởi nghiệp tại Stanford, cùng với sự góp mặt của nhiều tên tuổi đình đám tại thung lũng Silicon như John Lilly, Allen Blue và Chris Yeh. Như vậy để thấy rằng Reid Hoffman không những thành công, giàu có, mà tầm ảnh hưởng và tâm huyết mà ông dành cho cộng đồng cũng là rất đáng ghi nhận.

18. Peter Thiel

Peter Thiel

Nghề nghiệp, chức vụ: Đồng sáng lập và chủ tịch của Palantir

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 51

Peter Thiel - đồng sáng lập PayPal, nhà đầu tư Facebook đầu tiên, và tác giả của cuốn sách bán chạy nhất "Zero to One" - có tài sản hơn 2.5 tỷ USD và là một trong những nhà đầu tư được kính trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ cao. Mặc dù ông đã bán hầu hết cổ phiếu Facebook của mình vào năm 2012, nhưng vị tỷ phú này vẫn còn nắm trong tay một số dự án “hái ra tiền” trên khắp thung lũng Silicon. Đáng chú ý nhất, công ty dữ liệu lớn bí mật của ông là Palantir đã đạt giá trị lên đến 20.2 tỷ USD vào tháng 10/2015.

Nhờ có Peter Thiel và các khoản đầu tư từ quỹ Founders Fund trị giá 100 triệu đô la của ông, kể từ năm 2005 cho đến nay, đã có không ít những công ty khởi nghiệp cũng đã đạt được những sự thành công đáng ghi nhận, có thể kể đến như trang web cung cấp dịch vụ cho thuê nhà Airbnb, dịch vụ vận tải Lyft và nổi bật nhất là ứng dụng nghe nhạc Spotify.

Ngoài ra, Peter Thiel cũng là người điều hành Thiel Foundation - Một tổ chức khích lệ tinh thần sáng tạo của những start-up. Mỗi năm, Thiel Foundation sẽ tiến hành trao giải thưởng cho 20 doanh nghiệp trẻ tiêu biểu nhất với số tiền 100.000 USD cho mỗi doanh nghiệp để giúp họ có thêm kinh phí theo đuổi những ý tưởng kinh doanh của mình. Một trong những yêu cầu khá thú vị của Peter Thiel đối với các nghiên cứu sinh của ông là họ sẽ phải từ bỏ học đại học trong khoảng hai năm để theo đuổi một dự án của riêng mình. Nói chung, vị tỷ phú này rất quan tâm và luôn muốn nâng đỡ những người trẻ tuổi, đó cũng là lý do tại sao ông là một trong những nhà đầu tư được kính trọng nhất trong lĩnh vực này.

17. Jack Dorsey

Jack Dorsey

Nghề nghiệp, chức vụ: Đồng sáng lập và CEO của Twitter và Square

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 42

Jack Dorsey có lẽ rất tự hào vì ông có một bản lý lịch ấn tượng khi tuổi đời vừa qua 40: Ông là người đồng sáng lập và CEO của hai công ty công nghệ có giá trị hàng tỷ đô la, đó là Twitter và Square, và nắm trong tay khối tài sản ròng đáng giá hơn 4.6 tỷ đô la.

Dorsey bước vào vị trí Giám đốc điều hành tạm thời của Twitter vào tháng 7/2015 trong bối cảnh công ty đang gặp phải những khủng hoảng nghiêm trọng và có hiệu suất không như mong đợi. Ngay lập tức, Jack Dorsey đã có động thái thay máu nhân sự khi quyết sa thải toàn bộ những nhân viên yếu kém đồng thời tặng hơn 200 triệu đô la giá trị cổ phiếu Twitter của mình cho những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và ngay lập tức chính sách này đã phát huy hiệu quả. Đây là cột mốc đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Jack Dorsey ở vị trí CEO. Trong quá khứ, Jack Dorsey cũng đã từng làm việc ở chức vụ này cho đến năm 2008 khi ông đánh mất ưu thế vì bị phân tâm bởi sở thích cá nhân cũng như những dự án phụ và cuối cùng đã được yêu cầu từ chức.

Trong năm 2015, Dorsey cũng đã đạt được thành công lớn khi cổ phiếu của công ty thanh toán Square đã tăng từ mức 9 đô la ban đầu lên mức 14.78 đô la. Đây là một dấu hiệu tích cực sau một tuần hỗn loạn trước thềm IPO. Chỉ tính riêng trong ngày hôm đó, Dorsey đã bỏ túi được gần 300 triệu USD.

16. Marc Andreessen

Marc Andreessen

Nghề nghiệp, chức vụ: Đồng sáng lập Andreessen Horowitz

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 47

Tất cả các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon đều muốn nhận được sự đầu tư từ Andreessen Horowitz - công ty đầu tư mạo hiểm được thành lập vào năm 2009 bởi Marc Andreessen và Ben Horowitz. Bây giờ, sau 9 năm, Andreessen Horowitz gần như đã trở thành một phần không thể thiếu của Silicon Valley. Công ty 9 tuổi này đã từng có ảnh hưởng rất lớn tới một số tên tuổi lớn nhất về công nghệ, bao gồm BuzzFeed, Facebook, Pinterest, Skype, Slack và Twitter.

Là một trong những cái tên được kính trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khả năng của Marc Andreessen trong việc đảm bảo hoặc phá hủy tương lai của một startup khởi nghiệp chỉ với một quyết định đầu tư duy nhất khiến ông trở thành một trong những nhà đầu tư quyền lục nhất trong thung lũng Silicon. Ông được tôn trọng và kính nể với những ý tưởng lớn, lòng kiên nhẫn và khả năng phân tích tuyệt vời.

Marc Andreessen đã là một trong những người đi đầu trong thế giới công nghệ từ năm 1994, khi ông đồng sáng lập ra Netscape Communications, một trình duyệt web đầu tiên. Ông đã thành công trong việc đưa công ty này ra với công chúng vào năm 1995, góp phần vào sự bùng nổ của thế giới công nghệ trong những năm 90 và mở ra kỷ nguyên Internet sau này.

15. Travis Kalanick

Travis Kalanick

Nghề nghiệp, chức vụ: Người sáng lập và cựu CEO của Uber

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 42

Nắm trong tay một tập đoàn công nghệ đa quốc gia được định giá lên tới hơn 50 tỷ đô la, không khó hiểu khi CEO Travis Kalanick sở hữu khối tài sản 5.9 tỷ USD.

Mặc dù vẫn đang vướng phải nhiều cuộc tranh cãi cũng như phải nỗ lực vượt qua các rào cản về mặt pháp lý, không có gì có thể ngăn cản Uber tiếp tục phát triển. Tung ra các tính năng hữu ích như UberEats và UberRush, bổ sung các dịch vụ giao hàng và chuyển phát thực phẩm vào danh mục phụ của công ty cùng với tính năng lựa chọn tài xế theo yêu cầu đều là những bước đi đúng đắn của Travis Kalanick trong quá khứ. Công ty hoạt động ở 311 thành phố và 58 quốc gia trên toàn thế giới, và vẫn chiếm ưu thế so với các công ty đối thủ như Lyft hay Grab. CEO hiện tại của Uber là Dara Khosrowshahi từ khi nhậm chức vào cuối năm 2017 đã nỗ lực đưa Uber vượt qua nhiều khó khăn trước đó để có thể giúp công ty sớm IPO. Uber có thể được định giá 120 tỷ USD theo đề xuất của các ngân hàng trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm tới.

Uber không phải là nỗ lực đầu tiên của Kalanick trong việc gia nhập thung lũng Silicon. Ông đã bỏ dở chương trình học Stanford để làm việc trên công cụ tìm kiếm ngang hàng Scour, và đã bị phá sản vào năm 2000. Nhưng Kalanick cũng đã nhanh chóng quay trở lại lĩnh vực công nghệ gần như ngay lập tức với công ty phần mềm mạng Red Swoosh mà sau đó ông đã bán cho Akamai vào năm 2007 với giá 23 triệu đô la - một số tiền tương đối ít ỏi so với tài sản của ông kể từ khi sáng lập ra Uber.

14. Meg Whitman

Meg Whitman

Nghề nghiệp, chức vụ: CEO của Quibi, chủ tịch của HP Inc.

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 62

Sau khi nắm quyền điều hành công ty CNTT Hewlett-Packard vào năm 2011 trong bối cảnh các vụ bê bối nội bộ của công ty đang lên đến cao trào, Meg Whitman đã lên kế hoạch cải tổ toàn diện và khôi phục lợi nhuận và doanh thu vốn đang trên đà giảm dần. Bà đã thẳng tay gạt bỏ các thương vụ mua bán không có kết quả, thực hiện hàng ngàn quyết định sa thải và cuối cùng tách HP ra thành hai công ty riêng biệt. Sau khi giúp Hewlett-Packard lấy lại được vị thế, Meg Whitman đã từ chức giám đốc điều hành của HPE vào tháng 2 năm 2018 nhưng vẫn ở trong hội đồng quản trị của công ty. Ngoài ra, bà cũng ngồi trong ban giám đốc của Procter & Gamble và Dropbox. Meg Whitman hiện là giám đốc điều hành của thương hiệu mới Quibi, nền tảng xem video dạng ngắn mới của Jeffrey Katzenberg. Vào tháng 4 năm 2018, startup này đã kêu gọi được số vốn tài trợ là hơn 1 tỷ đô la.

Trước đây, Meg Whitman cũng là CEO của trang thương mại điện tử eBay trong nhiều năm, giá trị tài sản cá nhân của bà ước đạt ở mức 3,1 tỷ USD. Khi Meg Whitman còn đảm nhận vị trí tại eBay, công ty chỉ có 30 nhân viên và 4 triệu đô la doanh thu, nhưng đến khi bà rời đi sau 10 năm, eBay đã tạo ra 8 tỷ đô la doanh thu hàng năm và có hơn 15.000 nhân viên.

Whitman cũng là một nhân vật không xa lạ gì với chính trị. Năm 2010, bà đã thất bại trong cuộc tranh cử chức thống đốc bang California, mặc dù đã chi rất nhiều tiền cho chiến dịch của mình (ít nhất là 119 triệu đô la), hơn rất nhiều so với bất kỳ chính trị gia tự tài trợ chi phí tranh cử nào khác trong lịch sử.

13. Ma Huateng

Ma Huateng

Nghề nghiệp, chức vụ: Nhà sáng lập và CEO của Tencent.

Quốc gia: Trung Quốc

Tuổi: 47

Ma Huateng còn có biệt hiệu là Pony Ma, là một ông trùm kinh doanh Trung Quốc, nhà đầu tư, nhà từ thiện, kỹ sư, nhà doanh nghiệp về Internet và công nghệ. Ông là người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Tencent, công ty có giá trị nhất châu Á, một trong 5 tập đoàn lớn nhất thế giới. Công ty kiểm soát dịch vụ nhắn tin di động lớn nhất của Trung Quốc và các công ty con cung cấp phương tiện truyền thông, giải trí, hệ thống thanh toán, điện thoại thông minh, dịch vụ liên quan đến Internet, dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ quảng cáo trực tuyến, cả ở Trung Quốc và trên toàn cầu. Tencent tự hào có gần một tỷ người dùng hàng tháng trên các dịch vụ nhắn tin QQ của mình, và đang trên đà mở rộng quy mô ra quốc tế vào các khu vực như Đông Nam Á và Ấn Độ.

Ma Huateng từng là Đại biểu Quốc hội Trung Quốc khóa XII. Ông là người giàu thứ 2 Trung Quốc với khối tài sản lên đến 48,4 tỉ USD. Ma Huateng là một câu chuyện huyền thoại về khả tạo dựng lên những điều lớn lao từ một khởi đầu khiêm tốn, là một tấm gương sáng rất nhiều người lấy làm chuẩn mực để noi theo. Ông cũng là một mạnh thường quân đích thực trong giới siêu giàu ở Trung Quốc.

12. Ginni Rometty

Ginni Rometty

Nghề nghiệp, chức vụ: Chủ tịch và CEO của IBM

Quốc gia: Hoa Kỳ

Tuổi: 61

Kể từ khi trở thành CEO vào tháng 1 năm 2012, Ginni Rometty đã dẫn dắt IBM vượt qua nhiều sự chuyển đổi quan trọng bậc nhất trong lịch sử của công ty, cũng như hồi sinh lại công ty để trở lại vị thế dẫn đầu trong kỷ nguyên mới của AI, blockchain, an ninh mạng và công nghệ lượng tử, tất cả được cung cấp trên nền tảng đám mây mạnh mẽ trên quy mô doanh nghiệp của IBM. Một trong những bước đi thành công nhất của Ginni Rometty trên cương vị này là quyết định IBM sẽ đầu tư 4 tỷ đô la để tăng 40 tỷ đô la doanh thu trong các lĩnh vực như điện toán đám mây, di động và dữ liệu lớn vào năm 2018. Kế hoạch này sẽ tăng gần gấp đôi những gì IBM đang tạo ra ở các thị trường này, mặc dù điều đó cũng có nghĩa là đi ngược lại hoàn toàn với trọng tâm tập trung vào phần cứng mà IBM đã xác định trong nhiều thập kỷ, và cuối cùng Ginni Rometty đã chứng minh được quyết định của mình là hoàn toàn chính xác. Một minh chứng rõ nét cho điều này là việc vào tháng 10 năm 2018, IBM đã mua Red Hat với giá 34 tỷ đô la, đặt công ty vào vị trí cạnh tranh sòng phẳng với Amazon và Microsoft trong điện toán đám mây.

Nhiệm vụ của Rometty là duy trì sự phát triển và tăng trưởng một trong những công ty mang tính biểu tượng nhất trong thế giới công nghệ, với hơn 380.000 nhân công (ngang tầm với dân số New Orleans). Với sự lãnh đạo của Ginni Rometty, IBM là công ty công nghệ duy nhất từng được vinh danh bốn lần với giải thưởng Catalyst uy tín trong việc thúc đẩy sự đa dạng và các sáng kiến của phụ nữ, và họ cũng là công ty công nghệ duy nhất giành được sự công nhận này trong 20 năm qua.

11. Robin Li

Robin Li

Nghề nghiệp, chức vụ: Đồng sáng lập và CEO của Badu

Quốc gia: Trung Quốc

Tuổi: 49

Có một bộ ba trống thị thế giới Internet ở Trung Quốc, được gọi chung là "BAT", bao gồm Baidu, Alibaba và Tencent. Về phần mình, Robin Li là người điều hành và thống trị thị trường tìm kiếm trên Internet ở Trung Quốc với tư cách là chủ tịch và CEO của Baidu, có thể coi là Google của Trung Quốc.

Robin Li là người giàu thứ ba ở Trung Quốc đại lục (sau Jack Ma và Ma Huateng) với giá trị tài sản ròng lên tới 12,2 tỷ USD vào tháng 12 năm 2013. Ông cũng được xếp hạng thứ 119 trong danh sách những người đàn ông giàu nhất thế giới năm 2014.

Cũng giống như Google, nền tảng cốt lõi làm lên sự thành công và phát triển của Baidu chính là ở chính sách đầu tư cho tương lai. Ví dụ, vào tháng 5 năm 2015, Baidu đã công bố sự hợp tác với Daimler, nhà sản xuất Mercedes-Benz Trung Quốc, để cung cấp phần mềm cho xe hơi của họ, cho phép người lái xe truy cập nội dung từ điện thoại thông minh của mình. Ngoài ra, Baidu cũng kết hợp với BMW để xây dựng một nguyên mẫu xe tự lái mà họ hy vọng sẽ có thể cho ra mắt trong tương lai gần.

Về thành tích cá nhân, năm 1998, Robin Li đã xuất bản cuốn sách “Cuộc chiến kinh doanh ở Thung lũng Silicon”. Sau đó ông đã nhận được giải thưởng George W. Thorn - một giải thưởng chi được trao cho các cựu sinh viên của Đại học Buffalo dưới 40 tuổi có những đóng góp đóng góp mang tầm cỡ quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực của họ. Ngoài ra, Năm 2001, ông có tên trong danh sách top 10 người Trung Quốc về sáng tạo. Năm 2002 và 2003, ông đã liên tục có tên trong danh sách "những IT nổi tiếng" thế giới. Vào tháng 4 năm 2004, ông có mặt trong danh sách "top 10 lập trình viên Trung Quốc trẻ xuất sắc". Ngày 23 tháng 8 năm 2005, ông được nhận "Giải thưởng thanh niên ASEAN" được tổ chức lần thứ 12. Ngày 28 tháng 12 năm 2005, ông được nhận giải thưởng "Giải Kinh tế CCTV Trung Quốc năm 2005" Ngày 10 tháng 12 năm 2006, ông có mặt trong danh sách "Lãnh đạo Kinh doanh thành công nhất thế giới" năm 2006 của American Business Weekly (theo Wikipedia).

Trên đây là những cái tên ở nửa đầu của danh sách 20 nhân vật quyền lực nhất thế giới công công nghệ. Ở phần tiếp theo bạn sẽ bắt gặp những gương mặt quen thuộc hơn rất nhiều bởi đơn giản thôi, nếu không có họ, cuộc sống của chúng ta không còn là cuộc sống hiện đại nữa!

Xem thêm:

Thứ Năm, 27/12/2018 08:49
52 👨 409
0 Bình luận
Sắp xếp theo