Năm 2017 đã chính thức qua đi, đây là một năm có không ít những biến động của làng công nghệ. Bên cạnh những thành tựu, phát minh mới thì cũng có không ít những vụ scandal gây chấn động toàn thế giới.
Hãy cùng chúng tôi điểm lại những câu chuyện, sự kiện nổi bật nhất năm trong 2017 vừa qua, những câu chuyện này được lựa chọn dựa trên tiêu chí có ảnh hưởng toàn cầu, ồn ào trên truyền thông, mang tính bước ngoặt khiến thay đổi bộ mặt của giới công nghệ về sau.
1. WannaCry mã độc lây nhiễm toàn cầu
Vào hồi tháng 5 vừa qua, có lẽ những người sử dụng mạng trên toàn thế giới phải một phen chao đảo với mối đe dọa từ mã độc mang tên WannaCry. Mã độc này lan truyền một cách nhanh chóng, ăn cắp toàn bộ dữ liệu quan trọng của những hệ thống từ bệnh viện, ngân hàng đến các cơ quan công quyền trên 150 quốc gia và đòi người dùng phải thanh toán một khoản tiền ảo trong vòng 3 ngày để lấy lại các tệp tin và dữ liệu đó. Không những thế, mã độc này còn khiến cho hệ thống máy tính ở đồn cảnh sát và cây xăng ở Trung Quốc bị tê liệt hoàn toàn. Đến cuối năm 2017, Mỹ và phương Tây đã chính thức lên tiếng cho rằng mã độc WannaCry phát tán là do Triều Tiên đứng sau điều khiển, thế nhưng thông tin này không đưa ra được bằng chứng cụ thể.
2. Các tượng đài công nghệ bán mình
Trong năm 2017 vừa qua, ông lớn Internet một thời của những thanh niên thế hệ 8x Yahoo đã chính thức bán cổ phần của mình cho nhà mạng Verizon với giá 4.5 tỷ USD. Sau khi thỏa thuận với Verizon hoàn tất, Yahoo sẽ đổi tên thành Altaba – một công ty với tài sản chủ yếu là cổ phần tại tập đoàn Alibaba Group và 35,5% cổ phần tại Yahoo Nhật Bản. Trước đó, vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 BlackBerry cũng hoàn tất thương vụ bán mình cho TCL, một tập đoàn điện tử của Trung Quốc.
3. Nhà vua Nokia chính thức trở lại, lợi hại khác xưa
Sau nhiều năm vắng bóng trên thị trường công nghệ, thì năm 2017 vừa qua nhà vua Nokia một thời đã chính thức quay lại với thị trường smartphone để tuyên chiến với những hãng di động khác. Màn tái xuất trở lại của thương hiệu Nokia sau khi thuộc về HMD Global tiêu tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Với sự trở lại của mình, Nokia đã đem đến cho thị trường smartphone ba mẫu điện thoại di động bao gồm Nokia 3, Nokia 5 và Nokia 6 cùng dòng điện thoại phổ thông Nokia 3310 phiên bản 2017 với hy vọng sẽ tìm lại vị trí thống trị của mình như trước đây.
4. Chiến tranh giữa các ông lớn
Từ trước tới nay những kẻ mạnh trong giới công nghệ chưa bao giờ là ngừng đối đầu nhau, và những cú bắt tay chỉ mang tính tạm thời. Năm 2017 vừa qua, cả thế giới công nghệ đã chứng kiến vụ tranh chấp pháp lý giữa Qualcomm và Apple, khi táo khuyết tố tập đoàn thiết bị viễn thông Mỹ quá tham lam khi muốn hưởng % từ mỗi chiếc iPhone được bán ra. Trong khi đó, Amazon nổi lên như một hiện tượng khi dần nuốt chửng thị trường bán lẻ, nội dung số. Đế chế của Bezos cũng đang căng thẳng với Google và đôi bên đang có những màn đáp trả xấu xí.
5. Facebook, YouTube xuống cấp
Trong năm 2017, Facebook đã dính vào nhiều vụ bê bối lan truyền tin giả mạo, đặc biệt là trước thềm các cuộc bầu cử ở Mỹ và Anh. Dư luận rộ lên nhiều ý kiến cho rằng Facebook đã tiếp tay phát tán tin tức giả có lợi cho các ứng cử viên mặc dù Mark Zuckerberg tuyên bố anh không nghĩ tin tức giả mạo có thể tác động đến kết quả bầu cử vì chúng chỉ "chiếm một lượng nội dung rất nhỏ" trên mạng xã hội. Bên cạnh đó năm 2017, cũng là năm YouTube cũng đối mặt với scandal lớn khi nhiều thương hiệu toàn cầu đồng loạt ngừng quảng cáo trên nền tảng này vì chúng xuất hiện cạnh những video thu hút kẻ ấu dâm, dung tục, gây tranh cãi.
6. Bitcoin và giấc mơ đổi đời
2017 cũng là năm của cơn sốt Bitcoin khi loại tiền này tăng từ 1.000 USD vào tháng 1 và chạm mốc 19.000 USD trong tháng 12. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc là ba thị trường tiền kỹ thuật số sôi động nhất, nhưng Trung Quốc mới là nước sở hữu những "mỏ đào bitcoin" lớn nhất. Ngoài Bitcoin, loạt các loại tiền điện tử khác như Etherium, Bitcoin Cash, Litecoin, Dashcoin, Ripple… cũng thăng hạng và thu hút sự chú ý của cả các nhà đầu tư lẫn hacker.
Thị trường tiền điện tử có thể nói phát triển như vũ bão và một số ngân hàng lớn đã manh nha chuyển dịch cơ cấu để bắt nhịp với xu hướng giao dịch của tương lai. Mặc dù trước dự đoán "vỡ bong bóng" của nhiều chuyên gia kinh tế, cơn sốt tiền điện tử vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Không ai đoán được điều gì sẽ đến với Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số nói chung. Công nghệ Blockchain sẽ được ứng dụng rất nhiều trong tương lai gần và tiền thuật toán chỉ là bước khởi đầu.
7. AI, AI và AI
Năm vừa qua Google, Facebook, Apple chạy đua với việc phát triển trí tuệ nhân tạo AI. Ở cấp độ quốc gia, Mỹ, Trung Quốc là hai cường quốc về trí tuệ nhân tạo. AlphaGo của Google đánh bại Ke Jie, kỳ thủ cờ vây số 1 thế giới và bắt đầu được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực nghiên cứu, thống kê, y học. Ở Arab Saudi, người ta cấp quyền công dân cho một con robot có suy nghĩ và phát ngôn như người thật. Trong khi đó, CEO Elon Musk của Tesla và Mark Zuckerberg của Facebook chỉ trích nhau do bất đồng quan điểm về tương lai của AI. Nhiều startup bắt đầu ứng dụng các khái niệm cơ bản về deep learning và machine learning để giải quyết các vấn đề hoặc thay thế vai trò của con người.
8. iPhone X: Chuẩn mực mới của smartphone
Apple ra mắt iPhone X và đồng thời đẩy giới hạn của một chiếc smartphone thêm xa hơn: màn hình chiến trọn mặt trước, không có phím home, nhận diện gương mặt, cách điều khiển mới... và mức giá lên trên 1.000 USD. Như mọi năm, iFan vẫn đổ xô đi mua iPhone mới và các trang công nghệ không ngừng cập nhật những tin tức, hình ảnh về mẫu di động này.
9. Bình minh của xe tự lái
Cùng với AI, thì năm 2017 là năm xe tự lái trở thành hiện thực. Công nghệ này thật sự có một tác động sâu sắc đến cách hàng hóa và con người di chuyển khắp nơi trong tương lai. Hãy tưởng tượng trên đường phố hoàn toàn 100% xe tự lái, chúng trang bị cảm biến và AI để tự "thỏa hiệp" với nhau, tối ưu tốc độ và hạn chế tai nạn. Hoặc nếu bị hacker phá hoại, tất cả sẽ cùng đâm vào nhau và... bốc cháy.
10. Sự công bằng của Internet đã chết
Net Neutrality sụp đổ ở Mỹ, đồng nghĩa các nhà mạng và ISP có quyền ưu tiên tốc độ truy cập vào các dịch vụ nội dung do chính họ tạo ra, bóp nghẹt tốc độ tải trang của các dịch vụ đối thủ, nhỏ lẻ. Hậu quả là người dùng phải trả thêm phí phát sinh nếu muốn dùng Internet thoải mái như trước, và các doanh nghiệp nội dung số vừa và nhỏ sắp hết đất sống nếu không bán mình hoặc hợp tác với các ông lớn.
Xem thêm: