Trạm Vũ trụ Quốc tế vừa phải “quay xe” để tránh va chạm với một vệ tinh

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) mới đây đã buộc phải thực hiện một pha chuyển hướng khẩn cấp để tránh nguy cơ va chạm với một vệ tinh trôi nổi trong Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) vào đầu tuần này.

Trên thực tế, việc ISS phải thay đổi tốc độ cũng như quỹ đạo để né các mảnh vỡ không xác định trôi nổi ngoài không gian không phải hiếm. Đặc biệt là khi lượng rác thải vũ trụ không ngừng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, vụ việc lần này thu hút nhiều sự quan tâm bởi vệ tinh được cho là có thể va chạm với ISS vẫn đang còn hoạt động.

Theo một thông báo được đăng tải bởi NASA, vệ tinh được đề cập nhiều khả năng là Nusat-17, một vệ tinh quan sát Trái Đất của Argentina, được phóng vào năm 2020 và vận hành bởi công ty dữ liệu không gian địa lý Satellogic. Ngay khi các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ va chạm, các động cơ đẩy trên tàu tiếp tế Progress 83 (hiện đang cập cảng ISS) đã kích hoạt khoảng 6 phút để nâng quỹ đạo của trạm, nhằm ngăn chặn rủi ro tiềm tàng.

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)

Khoảng 20 phút trước khi Progress bắn các động cơ đẩy để nâng quỹ đạo của trạm, các bộ điều khiển đã có thể xác nhận rằng vệ tinh sẽ đi qua ở khoảng cách khoảng 1,7 dặm (2,7 km) ngay cả khi không thay đổi độ cao. Về lý thuyết đây là khoảng cách an toàn, nhưng để đảm bảo không có bất cứ sai số nào, quyết định cuối cùng đã được đưa ra.

Trong vài năm trở lại đây, NASA và các đối tác liên tục theo dõi quỹ đạo của các vệ tinh cũng như mảnh vỡ không gian lớn gần Trái đất, vì vậy việc điều chỉnh quỹ đạo của ISS không phải là hiếm.

Không chỉ xả rác ra môi trường thiên nhiên dưới mặt đất, chúng ta còn để lại đầy rẫy “dấu ấn của thế giới văn minh” bên ngoài vũ trụ. Theo ước tính của các nhà khoa học, hiện có khoảng 34.000 vật thể nhân tạo đường kính hơn 10cm đang quay quanh Trái đất với vận tốc gấp 10 lần tốc độ của một viên đạn.

Đây có thể là các vệ tinh đang hoạt động cũng như đã hỏng hóc, ngừng hoạt động, và vô số mảnh vỡ của các tên lửa cũ đã từng được sử dụng trong những chuyến thám hiểm không gian suốt hơn nửa thế kỷ qua của con người. Nếu một trong số chúng va phải tàu vũ trụ hay các trạm nghiên cứu ngoài không gian, thiệt hại có thể rất thảm khốc.

Mặc dù hầu hết các quyết định điều chỉnh quỹ đạo của ISS đều được lên kế hoạch đúng lúc, sự cố khẩn cấp thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Trước đó vào năm 2021, ISS từng bị một mảnh vụn vệ tinh va vào, tạo một lỗ thủng có đường kính 5mm trên cánh tay robot Canadianarm2.

Thứ Năm, 30/03/2023 01:37
51 👨 260
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ