Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một bình bằng đồng chứa rượu từ một ngôi mộ thời Tần, có niên đại hơn 2.000 năm ở tỉnh Thiểm Tây của miền Tây Trung Quốc.
Bình rượu này là một trong số 260 vật được khai quật từ những ngôi mộ cổ thuộc thời đại nhà Tần (221-207 trước Công nguyên). Hầu hết các di tích đều dùng để thờ cúng trong các nghi lễ ở khu vực.
Ông Xu Weihong, một nhà nghiên cứu thuộc Viện khảo cổ học của tỉnh cho biết, khoảng 300ml rượu đã được tìm thấy trong bình, nắp của nó được cố định bằng những sợi dây.
Rượu cổ được tìm thấy là một chất lỏng màu trắng trong suốt. Các nhà nghiên cứu tin rằng nó được làm bằng kỹ thuật lên men vì nó có các axit glutamic.
Bình đựng rượu được tìm thấy
Rượu cổ có màu trắng trong suốt
Các nhà nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu chất rượu để hiểu rõ hơn về công nghệ ủ rượu và văn hóa uống rượu tại Hàm Dương, cố đô của triều đại nhà Tần.
Ngoài ra còn có một thanh kiếm bằng đồng dài 60 cm cũng được phát hiện trong các ngôi mộ. Thanh kiếm có tám cạnh ở giữa, làm tăng hiệu quả chiến đấu, sát thương của vũ khí. Cũng có những dấu vết trên gươm cho thấy nó đã được sử dụng trong chiến tranh.
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng xây dựng một bức tranh về cuộc sống ở cố đô thuộc đế chế đầu tiên của Trung Quốc bằng cách nghiên cứu các di tích, hiện vật được tìm thấy.