Thương lục nhầm với nhân sâm, thuốc xổ nhầm với thuốc bổ nguy hiểm khôn lường

Cây thương lục là một cây thuốc nhưng nó lại rất độc, nếu sử dụng quá liệu có thể bị ngộ độc nặng và gây tử vong. Mà rễ và củ cây thương lục có hình dạng rất giống củ nhân sâm nên dễ khiến nhiều người nhầm lẫn. Điều này rất nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.

Củ cây thương lục có hình dạng rất giống củ sâm
Củ cây thương lục có hình dạng rất giống củ sâm.

Nhận biết cây thương lục

Thương lục, còn gọi bạch mẫu kê, sơn la bạc, kim thất nương, dã la bạc, trưởng bất lão, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb.

Cây thương lục là loại cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng 1,5m. Thân hình trụ có màu xanh lục, nhẵn, ít phân nhánh. Lá cây thương lục mọc so le, dài 12 – 25cm, rộng 5 – 10cm.

Cây thương lục  Cây thương lục.

Hoa của cây thương lục mọc đối diện với lá nhưng không gắn trước lá. Cây có quả mọng, hình cầu dẹt, khi chín có màu tía đen, hạt đen.

Rễ củ mập, sau 6-7 tháng cho củ to bằng cổ tay có hình dạng rất giống củ sâm. Ngoài ra, củ cây thương lục có mùi vị rất giống mùi nhân sâm khi ngâm rượu nên rất khó nhận biết. Nhiều người đã đào rễ cây thương lục về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, cắt rễ củ thành lát, đem phơi khô hoặc ngâm với rượu, mật ong để dùng vì tưởng đó là củ sâm.

Cây thương lục trong đông y

Cây thương lục cũng được dùng trong đông y như một vị thuốc nhưng được xếp vào nhóm thuốc có độc. Thương lục có tác dụng tiêu đờm nhưng không giảm ho suyễn; chữa trị một số bệnh ngoài da, nâng cao tính miễn dịch của cơ thể...

Ngoài ra, cây thương lục còn là một vị thuốc có công dụng công hạ (tẩy xổ) mạnh, có thể gây sảy thai. Những người trẻ, khỏe dùng nhiều trong thời gian dài sẽ bị tổn thương gân cốt và hại thận.

Củ cây thương thục

Cây thương lục là loại cây có độc ở tất cả các bộ phận. Rễ củ, quả, lá… của cây đều có chứa chất có tên là phytolaccatoxin, chất độc gây co giật và kích thích tuần hoàn.

Khi ăn phải lượng nhiều, nạn nhân sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi; nôn mửa, tăng tiết đờm nhớt, co giật, tụt huyết áp, đau bụng, vã mồ hôi, liệt hô hấp, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Chính vì mức độ ngộ độc cực kỳ nguy hiểm đó, người dân cần cận trọng, phân biệt giữa cây thương lục và nhân sâm để tránh nhầm lẫn. Để đảm bảo an toàn, khi mua các sản phẩm sâm, rễ cây về sử dụng, cần hỏi các chuyên gia đông y để nhận biết chính xác. Việc sử dụng cây thương lục làm thuốc điều trị cần phải được các bác sỹ đông y kê và hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn.

Thứ Hai, 24/07/2017 17:03
52 👨 1.454
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Thế giới thực vật