Các vụ phóng tên lửa bất kể từ NASA, SpaceX hay Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc đều có sự tương đồng về địa điểm và hình dáng tên lửa nhằm bảo vệ an toàn cho người dân và phóng tên lửa vào không gian với ít sức lực nhất.
Đầu tiên, địa điểm phóng phải gần biển.
Vài phút đầu tiên sau khi phóng tên lửa rất quan trọng. Tên lửa được cài đặt để nếu phóng thất bại sẽ rơi xuống đại dương vắng vẻ thay vì khu dân cư đông đúc.
Một số cảng vũ trụ không gần biển như Baikonur ở Kazakhstan nhưng tên lửa được cài đặt để bay theo lộ trình không ngang qua nơi người dân sinh sống để đảm bảo an toàn.
Một yêu cầu khác về địa điểm phóng tàu vũ trụ là vĩ độ. Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA tại Florida nằm ở 28 độ vĩ bắc, bãi phóng vũ trụ Văn Xương nằm ở 19 độ vĩ bắc, cơ sở Starbase của SpaceX nằm ở 25 độ vĩ bắc và Trung tâm ở Guiana của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) nằm ở 5 độ vĩ bắc.
Có đặc điểm chung này là do nếu có trợ lực từ Trái Đất thì tên lửa dễ bay vào không gian hơn.
Ở xích đạo, Trái Đất quay 1.650 km/h so với tâm hành tinh. Càng gần xích đạo việc bay vào không gian càng tốn ít nhiên liệu hơn do có thể tận dụng tốc độ quay này.
Tên lửa phóng gần xích đạo sẽ bắt đầu bay ở 5% tốc độ cần thiết để lên tới quỹ đạo, giảm đáng kể nhiên liệu, giúp tăng đáng kể khối lượng hàng.
Tàu vũ trụ Soyuz của Nga phóng từ xích đạo mang được nhiều hàng hóa hơn 60% so với tàu phóng từ Kazakhstan.
Tuy nhiên, việc phóng gần xích đạo rất hữu ích đối với nhiều quỹ đạo nhưng không phải tất cả. Có những cảng vũ trụ nằm xa hơn về phương bắc do không cần tăng cường tốc độ.