Làm việc 8 tiếng mỗi ngày từ lâu đã trở thành thói quen, quy định ở nhiều quốc gia. Vậy, văn hóa làm việc 8 tiếng mỗi ngày có nguồn gốc từ đâu?
Một sự thật không phải ai cũng biết đó là làm việc 8 giờ mỗi ngày, 40 giờ mỗi tuần xuất phát không theo căn cứ khoa học nào cả, cũng không phải do các nhà quản lý "lo" người lao động làm việc quá sức.
Giáo sư về kinh tế Robert Whaples cho biết, trước những năm 1800, con người phải làm việc 70 giờ mỗi tuần, tức là gần 12 tiếng mỗi ngày trong một tuần làm việc 6 ngày để chạy đua với thời gian. Nhưng trong giai đoạn từ sau những năm 1800 đến chiến tranh thế giới thứ II, số giờ làm việc của người lao động đã giảm đi đáng kể.
Vào năm 1926, công ty Ford Motor - một nhà sản xuất ô tô đa quốc gia được thành lập vào năm 1903, là nơi đầu tiên tiên phong cho văn hóa làm việc 8 tiếng mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần. Quyết định của Ford chẳng đến từ một nghiên cứu hay lý do khoa học nào hay do quan tâm tới sức khỏe của nhân viên. Đơn giản, mục đích của ông là giảm giờ làm để mọi người có thời gian đi ra ngoài và mua sắm thứ gì đó, bao gồm cả ô tô.
Tuy nhiên trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhà từ thiện người Mỹ Kellogg đã đưa ra ý tưởng ngày làm việc 6 tiếng và được ủng hộ để tạo thêm việc làm cho nhiều người lao động.
Nhưng đến cuối những năm 1950, phần lớn người lao động đã tiếp tục chọn làm việc 8 tiếng mỗi ngày vì nhu cầu muốn kiếm nhiều tiền hơn.