Bão thường có gió mạnh, mưa lớn, có thể có sấm, chớp, mưa đá, vòi rồng. Vậy, bão là gì, nguyên nhân hình thành bão và tại sao bão hay vào miền Trung nước ta? Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Mục lục bài viết
Bão là gì?
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển thường có gió mạnh, mưa lớn, có thể có sấm, chớp, mưa đá, vòi rồng, bão tuyết, bão cát, bão bụi. Đây là một loại hình thời tiết cực đoan.
Bão (và áp thấp nhiệt đới) là hệ thống xoáy mạnh đặc trưng bởi khí áp thấp tại tâm, gió và hệ mây phát triển mạnh bố trí theo hình xoắn đi kèm với dông và mưa lớn.
Cấu trúc của bão
Cấu trúc của bão gồm:
- Mắt bão ở giữa tâm bão, thường là vùng trời quang, gió nhẹ. Các cơn bão mạnh thường sẽ có mắt bão rõ rệt hơn so với các cơn bão yếu. Mắt bão có thể tồn tại khá lâu (hơn 1 giờ) song cũng có thể chỉ trong vài phút. Nếu gặp mắt bão thì nên tìm chỗ trú ẩn an toàn.
- Thành mắt bão bao quanh mắt bão, là nơi mây tạo thành một bức tường lên cao (hàng km) và là nơi gió thổi mạnh nhất.
- Hoàn lưu bão ở bên ngoài thành mắt bão, nơi có các dải mây gây mưa. Các dải mây này đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ bay hơi - ngưng tụ nhằm cung cấp năng lượng để duy trì cơn bão.
Sức gió là tốc độ gió duy trì trong một thời gian dài, là căn cứ để đánh giá độ mạnh yếu của bão.
Các cơn bão còn xuất hiện gió giật, chỉ kéo dài vài giây đến dưới 1 phút nhưng có tốc độ rất lớn và là nguyên nhân chủ yếu gây ra tác hại của bão. Vì vậy, thông tin về gió giật, sức gió luôn xuất hiện trong các bản tin dự báo bão.
Nguyên nhân hình thành bão
Các cơn bão sẽ hình thành khi có đủ cả 3 điều kiện gồm nhiệt độ, độ ẩm và động lực để tạo xoáy.
Thời gian hoạt động chính trong năm của bão, áp thấp nhiệt đới ở Bắc Bán Cầu là từ tháng 6 đến tháng 11, ở Nam Bán Cầu là từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Khoảng thời gian này nước biển có nhiệt độ cao (ít nhất từ 26 độ trở lên), khí quyển thuận lợi cho sự phát triển đối lưu và chuyển động xoáy quy mô lớn. Đây là những điều kiện thuận lợi để bão hình thành và phát triển.
Để hình thành bão cần phải có một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất 50m. Vì vậy, hiện tượng thiên nhiên này thường hình thành gần đường xích đạo và có khuynh hướng đi về 2 cực của Trái đất nên vùng gần đường xích đạo thường ít chịu ảnh hưởng từ các cơn bão. Bão thường đi men theo rìa các áp cao, chịu lực hút từ các vùng áp thấp và càng đi xa, vận tốc của bão càng lớn.
Tại sao bão hay vào miền Trung nước ta?
Ở nước ta, miền Trung là nơi phải hứng chịu gió phơn Tây Nam, loại gió mang hơi ẩm nhiều nên thường gây mưa. Khi bão hình thành ở biển Đông, do bị ảnh hưởng bởi gió phơn nên sẽ bị đẩy lên phía Bắc. Khi gió yếu đi, bão có xu hướng dịch chuyển dần về miền Trung.
Hàng năm, miền Trung nước ta thường phải hứng chịu những trận mưa lớn do những trận bão biển và gió mùa Đông Bắc gây nên. Và do biến đổi khí hậu nên những trận bão biển, mưa lớn xảy ra khốc liệt hơn.
Mùa mưa bão ở miền Trung thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Mỗi năm trung bình có khoảng 5 - 8 cơn bão.
Bờ biển miền Trung dài 1200km, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp do dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển. Đa số các sông ở đây đều ngắn, có độ dốc lớn và lưu vực thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Bên cạnh đó, các cửa sông lại hay bị bồi lấp khiến việc thoát lũ cho vùng đồng bằng bị cản trở.
Các sông ngòi ở miền Trung không có hệ thống đê ngăn lũ và không có các hồ chứa nước lớn ở vùng thượng lưu để giảm thiểu lũ lụt ở vùng đồng bằng nên khi có mưa lớn thường gây ra ngập úng cho các khu đông dân cư ở hai bên bờ sông.