Solar Orbiter, một trong những con tàu vũ trụ hiện đại nhất mà con người từng chế tạo ra, đang trên đường hướng tới quỹ đạo Mặt Trời để thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng của mình: Tìm hiểu tác động của mặt trời đến môi trường.
Solar Orbiter đã lao vút vào không gian trước sự reo hò và chứng kiến của hàng ngàn nhà khoa học tại căn cứ Cape Canaveral, Florida, Hoa Kỳ, sau một vụ phóng “hoàn hảo đến từng chi tiết” diễn ra vào sáng 10/2 (giờ Việt Nam) (11:03 p.m. EST).
Sứ mệnh mà Solar Orbiter phải đảm nhiệm là vô cùng nặng nề, nhưng cũng đầy đầy tham vọng. Được phát triển và giám sát bởi 2 cơ quan hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới hiện nay: ESA và NASA (ESA là đơn vị chịu trách nhiệm chính phát triển tàu vũ trụ, trong khi NASA sẽ chịu trách nhiệm về quy trình phóng tàu), Solar Orbiter sẽ mang đến cho chúng ta những cái nhìn cụ thể, chính xác hơn về các vùng cực chưa được khám phá của Mặt Trời, và đặc biệt là những tác động của nó đến môi trường vũ trụ nói chung, trong đó có khái niệm “thời tiết không gian” - điều kiện môi trường không gian gần trái đất gồm từ trường, tia bức xạ và vật chất phóng ra từ mặt trời.
Ngay sau khi tên lửa đẩy Atlas V đưa Solar Orbiter vào quỹ đạo trái đất, ESA đã xác nhận các khoang nhiên liệu quan trọng nhất của con tàu vũ trụ đã được triển khai đúng cách, cung cấp năng lượng để nó thực hiện chuyến hành trình gian nan của mình.
Với tổng chi phí phát triển và chế tạo lên tới 672 triệu USD, Solar Orbiter đương nhiên được trang bị đầy đủ những công nghệ tối tân hiện nay. Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống kính viễn vọng độ phân giải cao cho phép chụp ảnh bề mặt Mặt Trời cũng như đo đạc những biến đổi của môi trường xung quanh trước tác động của Mặt Trời.
Theo dự kiến của NASA, sẽ mất khoảng 2 năm để Solar Orbiter đạt được quỹ đạo hoạt động cần thiết, sau đó con tàu sẽ bắt đầu gửi về Trái Đất những bức ảnh đầu tiên về vùng cực và từ trường chi phối chu kỳ 11 năm của mặt trời. Trong khi sứ mệnh của Solar Orbiter có thể kéo dài lên đến một thập kỷ hoặc thậm chí lâu hơn.
“Chúng ta đều biết rằng Mặt Trời có tác động cực lớn đến sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên những kiến thức mà nhân loại có được về quả cầu lửa khổng lồ này vẫn còn cực kỳ hạn chế. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, Solar Orbiter sẽ mang đến cho chúng ta hiểu biết vô giá về những biến đổi chưa từng biết đến của Mặt Trời và ảnh hưởng của nó đến Trái Đất, cũng như môi trường chung của Hệ Mặt Trời”, ông Günther Hasinger, Giám đốc Khoa học ESA cho biết.
Với sự góp mặt của Solar Orbiter, con người sẽ có 2 vệ tinh chuyên nghiên cứu mặt trời, vệ tinh còn lại là Parker Solar Probe, được phóng thành công vào năm 2018.